1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm huyệt buộc Mỹ lún sâu vào chiến trường Syria?

Bằng các hoạt động không kích nhằm vào lực lượng quân đội Syria mới, Nga đang muốn Mỹ tái can dự và lún sâu vào chiến trường Syria.

Mỹ cáo buộc Nga không kích tại Syria

Thời gian gần đây, Washington liên tiếp đưa ra những lời cáo buộc Nga không kích các lực lượng “đối lập ôn hòa” do Washington hậu thuẫn ở tỉnh al-Tanf, miền Đông Syria.

Ngày 17/6, một quan chức Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga tiếp tục tiến hành vụ không kích thứ 2 nhằm vào các tay súng Syria do Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu chống IS, ngay sau khi quân đội Mỹ sử dụng các kênh khẩn cấp để yêu cầu Nga chấm dứt sau vụ không kích đầu tiên.

Một máy bay Su-24 của Nga cất cánh tại căn cứ Hmeimim, Syria
Một máy bay Su-24 của Nga cất cánh tại căn cứ Hmeimim, Syria

Quan chức giấu tên trên khẳng định rằng, một số lượng nhỏ các tay súng nổi dậy ôn hòa Syria đã bị tiêu diệt trong các vụ không kích của Nga hôm 16/6 ở miền nam Syria.

Không lâu sau đó, phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng đả kíchNga về việc nước này ném bom lực lượng đối lập được Mỹ hậu thuẫn ở miền nam Syria, gọi những hành động này là “gây nhiều rắc rối”.

“Ban đầu, người Nga nói rằng họ đang chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố IS và đó không phải là những gì họ đã nói. Đây là một cuộc tấn công vào các lực lượng đang chống lại IS”, ông Carter nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tố cáo Moskva hoặc là cố ý tấn công phe nổi dậy - điều mà có thể mâu thuẫn với mục tiêu mà họ đề ra là đánh bại IS - hoặc là đã vô tình bắn vào phe nổi dậy do tình báo ‘tồi’.

Ngoài ra, ông Carter cũng cho biết quân đội Nga đã không “sử dụng thích đáng” một đường dây liên lạc đã được thiết lập giữa hai nước để ngăn chặn những hoạt động trên không không an toàn của Mỹ và Nga bên trên Syria.

Trước đó, phát biểu nhân chuyến thăm Na Uy và sau cuộc gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra lời cảnh cáo với Nga về tình hình chiến sự tại Syria.

“Nga cần phải hiểu, rằng sự kiên nhẫn của chúng tôi không phải là vô hạn. Sự kiên nhẫn của Mỹ, trên thực tế là rất hữu hạn dù ông Assad có được tính đến (trong lộ trình hòa bình) hay không. Chúng tôi cũng sẵn sàng bắt giữ các thành viên có trách nhiệm của phe đối lập”, ông Kerry tuyên bố.

Không chỉ tấn công vào lực lượng đối lập ôn hòa, Nga còn tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng “quân đội Syria Mới” vốn được Mỹ, Anh và Jordan huấn luyện và cung cấp trang thiết bị. Lực lượng này hoạt động gần biên giới Jordan ở vùng sa mạc phía đông nam Syria, nơi họ đang có kế hoạch đánh chiếm thêm những vùng lãnh thổ đang nằm trong tay IS.

Nga muốn Mỹ tái can dự vào Syria?

Các hoạt động không kích của Nga nhằm vào lực lượng đối lập ôn hòa và quân đội Syria mới ngày càng gia tăng bất chấp những phản ứng và lời kêu gọi từ phía Washington.

Giới phân tích cho rằng, điện Kremlin đang muốn dùng hành động này để gây thêm sức ép cho Nhà Trắng, gieo rắc lên các lực lượng thân Mỹ những hoài nghi về khả năng liên minh do chính quyền Obama dẫn đầu có thể bảo vệ được lực lượng này. Tuy nhiên mục tiêu lâu dài và xa hơn trong toan tính của điện Kremlin là kéo Mỹ tái can dự vào chiến trường Syria.

Thực tế ngay từ khi bắt đầu triển khai quân cùng lực lượng đến Damascus theo lời đề nghị của Tổng thống Assad, Nga đã luôn tìm cách thuyết phục Mỹ hợp tác với các lực lượng của họ.

Thời gian gần đây khi cuộc chiến chống IS trên chiến trường Syria rơi vào bế tắc thì kế hoạch trên lại tiếp tục được điện Kremlin triển khai với Washington.

Nga muốn Mỹ tái can dự vào Syria?
Nga muốn Mỹ tái can dự vào Syria?

“Chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ trong việc không kích chống IS và Mặt trận Al-Nusra từ ngày 25/5. Điều này không những củng cố lệnh ngừng bắn mà còn ngăn chặn dòng chiến binh khủng bố từ biên giới Thổ Nhĩ Kì tràn sang. Tôi nghĩ chúng ta còn nên cùng hợp tác trong việc giúp các lực lượng đối lập ôn hòa rời khỏi những vị trí đóng quân của khủng bố, do đó, những chiến binh này sẽ không đối đầu với không kích của Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các phóng viên.

Đặc biệt Moskva cũng nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung và lôi kéo Nhà Trắng tham gia các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria với hy vọng rằng qua đây có thể mở ra một tiến trình mới để hòa giải với Mỹ trong một số vấn đề quan trọng khác như các lệnh trừng phạt và cuộc xung đột ở Ukraine.

Nếu điều này xảy ra đồng nghĩa với việc Nga có thể “buộc” Wasington phải công nhận chính quyền của Tổng thống Assad.

Tuy nhiên Mỹ đã kiên quyết từ chối đi xa hơn những biện pháp tháo ngòi nổ xung đột hay mở rộng các cuộc hòa đàm cho Syria.

Hôm 20/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Hải quân Mỹ Jeff Davis đã thẳng thừng từ chối, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Mỹ sẽ “không hợp tác hay phối hợp với người Nga để tiến hành bất kỳ hoạt động tác chiến nào ở Syria”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng khẳng định sẽ không chấp thuận lời đề nghị từ phía Moskva.

“Tất cả những gì chúng tôi thảo luận với những người đồng cấp Nga là đề xuất lập một cơ chế giám sát tốt hơn và củng cố lệnh ngừng bắn”, ông Kirby cho biết thêm.

Stratfor – một công ty tình báo của Mỹ, chuyên về dự báo chiến lược – gần đây đã đưa ra lời giải thích của riêng mình về lý do Mỹ không muốn hợp tác với Nga ở Syria.

“Mỹ, tất nhiên, muốn cuộc chiến chống IS thành công. Tuy nhiên Mỹ biết sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến này sẽ đi kèm với một cái giá” hãng này nói.

“Cái giá” mà Stratfor nhắc tới là Nga sẽ lôi kéo Mỹ vào các cuộc đàm phán, trong đó, có đàm phán về trừng phạt chống lại Nga liên quan tới vấn đề Ukraine và về quy mô tích tụ quân sự của NATO tại châu Âu.

Ở thời điểm hiện tại, Moskva đang nôn nóng muốn can dự với Wasington bằng mọi biện pháp cần thiết. Việc Nga tích cực hỗ trợ cho những lực lượng trung thành của họ ở Raqqa là nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ. Cuộc tấn công vào các căn cứ của Quân đội Syria Mới cũng là một nỗ lực khác mạo hiểm hơn.

Điều này dường như đã mang lại kết quả có lợi cho điện Kremlin.

Ngày 19/6, Nga tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường phối hợp tại Syria. Trước đây, Nhà Trắng đã từng phủ nhận những thỏa thuận được công bố đơn phương như vậy, song lần này Washington không đưa ra bình luận.

Rõ ràng, điện Kremlin đang dùng mọi cách để lôi kéo và đưa Mỹ vào kế hoạch do nước này vạch sẵn ra. Tuy nhiên trước sự thận trọng của Nhà Trắng, những toan tính của Nga sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể trở thành hiện thực được.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt