1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dịch Covid-19: Bài học từ làn sóng dịch bệnh tiếp theo

Nước ta lại phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới của Covid-19. Bài học nào cần được rút ra để triển khai đối phó hiệu quả, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19? Báo Thế giới & Việt Nam phân tích.

Dịch Covid-19: Bài học từ làn sóng dịch bệnh tiếp theo - 1

Việt Nam đang phải đối phó với một làn sóng mới của dịch Covid-19. 

Bước sang nửa cuối của năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona gây ra vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới. Thế giới đã quen dần với tình trạng vừa chung sống với dịch bệnh vừa ứng phó dịch bệnh vì không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải dùng sự chung sống với dịch bệnh để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Làn sóng dịch bệnh thứ hai

Bức tranh hiện tại trên thế giới về diễn biến của dịch bệnh và thành bại của các nơi trong ứng phó dịch bệnh rất đa dạng sắc mầu. Có những nơi dịch bệnh lây lan chưa tới đỉnh điểm và có những nơi dịch bệnh tưởng đã bị đẩy lùi và kiềm chế thì lại tái bùng phát. Vì thế mới hình thành khái niệm về làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Thật ra, hiện tại không có định nghĩa chung nào cho khái niệm này và chưa có sự cụ thể hoá nào những tiêu chí để định tính hoá và định lượng hoá khái niệm này. Bởi thế, cách hiểu chung tạm thời cho khái niệm "Làn sóng dịch bệnh thứ hai" hiện đơn giản chỉ là dịch bệnh tái bùng phát sau một thời gian không phát hiện ra thêm ca bệnh lây nhiễm mới. Thời gian này dài ngắn bao lâu cũng không được xác định thống nhất mà tuỳ thuộc vào cách hiểu của từng nơi.

 

Thật ra chỉ có hai nguyên nhân đưa đến dịch bệnh tái phát thành làn sóng thứ hai. Thứ nhất là dịch bệnh ở bên trong quốc gia hay vùng lãnh thổ chưa được kiềm chế và kiểm soát thật sự triệt để nên lắng xuống rồi lại bùng phát trở lại. Nguyên nhân thứ hai là dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Chừng nào dịch bệnh này chưa bị đẩy lùi hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới thì chừng ấy vẫn còn luôn hiện hữu nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào trong quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Ứng phó triệt để và liên tục

Vì thế, bài học đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định nhất từ làn sóng dịch bệnh thứ hai là ứng phó dịch bệnh triệt để và liên tục cho tới khi không còn dịch bệnh này nữa, cả ở bên trong cũng như bên ngoài. Mọi sai sót và sao nhãng không cố ý hay chủ quan, xem nhẹ đều đưa đến hệ luỵ là phải trả giá đắt. Cách ly và giãn cách xã hội đã chứng tỏ là biện pháp chính sách rất công hiệu trong đối phó dịch bệnh này, nhưng thời gian áp dụng càng dài thì tổn hại về kinh tế và xã hội càng lớn và đặc biệt là việc áp dụng đi, áp dụng lại biện pháp ấy vô cùng tai hại về chính trị, xã hội, kinh tế, tâm lý và cả về đối ngoại nữa.

Để ứng phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo, các nơi tận dụng được những bài học thành công cũng như thất bại của công cuộc ứng phó những làn sóng dịch bệnh trước đấy, nhưng một khi làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát thì không ít thành quả đã đạt được từ công cuộc ứng phó những làn sóng dịch bệnh trước đó có thể đã bị huỷ hoại. Cho nên cách tiếp cận thực tiễn nhất và hợp lý nhất ở đây từ bài học này là không nên phân định thành những làn sóng dịch bệnh mà nên xác định chừng nào còn dịch bệnh trên thế giới thì chừng ấy vẫn chỉ có làn sóng dịch bệnh liên tục và dai dẳng, từ đó xác định tâm thế và nhận thức, quyết tâm và ý chí, biện pháp chính sách và cách thức triển khai thực hiện thích hợp nhất và hiệu quả nhất.

Bài học tiếp theo là bài học về triệt hạ hoàn toàn tận gốc rễ nguồn gốc dịch bệnh. Làn sóng dịch bệnh thứ hai hoặc tiếp theo bùng phát khi ổ dịch bệnh ở bên trong chưa hoàn toàn bị tiêu diệt hoặc quốc gia hay vùng lãnh thổ để cho dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào. Bản chất bài học này là chừng nào dịch bệnh còn tồn tại trên thế giới thì chừng đó nhà nước và xã hội, dân chúng và dư luận còn phải luôn ở trong tình trạng bị báo động về dịch tễ, việc triệt tiêu ổ dịch bên trong phải đi cùng với việc ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài lây nhiễm vào bất kể bằng cách nào, bất kể với hay không với chủ ý của ai đấy. Trong bài học này, việc phát hiện sớm ổ dịch và kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh đóng vai trò rất quyết định, nếu như không muốn nói là đóng vai trò quyết định nhất.

Lựa chọn và ưu tiên chính sách

 

Bài học từ làn sóng dịch bệnh thứ hai là bài học về lựa chọn ưu tiên chính sách. Hệ luỵ và hậu quả của những lần lockdown (cách ly) và social distancing (giãn cách xã hội) lặp lại tai hại hơn những lần trước đấy rất nhiều. Các nước ở châu Âu hiện tại là bằng chứng điển hình nhất cho việc phải trả giá rất đắt cho những quyết sách nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội vội vàng, bị chi phối bởi tâm lý coi trọng tự do cá nhân của người dân và đòi hỏi lợi ích riêng của giới kinh tế mà sao nhãng lộ trình nới lỏng đảm bảo những thành quả ứng phó dịch bệnh đã đạt được không bị huỷ hoại hoặc đảo ngược. Bản chất của bài học này là phải kiểm soát được dịch bệnh thì mới nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội và việc nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội phải đáp ứng tiêu chí không để cho dịch bệnh tái bùng phát.

Bài học từ làn sóng dịch bệnh thứ hai là bài học về sự cần thiết phải thật sự bền vững hoá những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh để không phải bị bắt đầu lại từ đầu mỗi khi bùng phát làn sóng dịch bệnh mới. Đấy là bài học về trách nhiệm của nhà nước và ý thức của người dân, về sự nghiêm minh của pháp luật trong việc trừng phạt mọi ý đồ và hành vi khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan cũng như cản phá cuộc chiến chống dịch bệnh của cả đất nước. Thực tiễn trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch bệnh cho thấy những nơi đối phó dịch bệnh thành công nhất đều là những nơi có được sự đồng hành của nhà nước và người dân, những nơi nhà nước có được sự tin tưởng và hậu thuẫn của người dân và những nơi nhà nước tự chứng tỏ và được người dân công nhận là nhà nước thực sự của dân và vì dân.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam