1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đế quốc Nhật bị giằng xé giữa tấn công Liên Xô và tấn công Đông Nam Á (Kỳ 3)

Năm 1941 Hồng quân chưa thực sự mạnh, lại bị Đức tấn công bất ngờ. Lúc đó nếu bị Nhật Bản tấn công từ phía đông, Liên Xô sẽ khó bề trụ được.

Trong kỳ 3 này, học giả Goldman tiếp tục cung cấp cho chúng ta thông tin về vai trò của điệp viên siêu đẳng Sorge trong việc thu thập thông tin và nhận định về ý đồ cụ thể của đế quốc Nhật Bản đối với Liên Xô trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng năm 1941:

Cuối năm 1940, điệp viên Sorge bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu quân Đức tập kết quy mô lớn gần biên giới với Liên Xô. Vào ngày 28/12, anh bắt đầu gửi cảnh báo nghiêm trọng đầu tiên cho Moscow về khả năng Đức tấn công Liên Xô.

Xe thiết giáp Đức chuẩn bị cho một cuộc tiến công Liên Xô vào ngày 21/7/1941. Ảnh: AP.
Xe thiết giáp Đức chuẩn bị cho một cuộc tiến công Liên Xô vào ngày 21/7/1941. Ảnh: AP.

Vào đầu tháng 5/1941, Sorge bắt đầu tin rằng chiến tranh đã cận kề. Anh tóm tắt các mối quan ngại của mình trong một bức điện gửi vào ngày 6/5: “Khả năng nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào là rất cao... Các tướng Đức đánh giá rất thấp sức mạnh của Hồng quân. Chúng tin rằng Hồng quân sẽ bị đánh tan chỉ trong vài tuần.”

Một bức điện khác, gửi cho GRU (tình báo quân đội Liên Xô) vào ngày 30/5 mở đầu như sau: “Berlin đã thông báo cho Ott rằng cuộc tấn công của Đức sẽ mở màn vào nửa sau của tháng 6. Ott chắc chắn tới 95% rằng cuộc chiến sẽ bắt đầu”.

Sau đó vào ngày 31/5 Trung tá Edwin Scholl rỉ tai với với Sorge rằng có 170-190 sư đoàn Đức tập trung ở biên giới với Liên Xô và cuộc xâm lăng sẽ khởi sự vào ngày 15/6. Vào ngày 1/6, Sorge gửi bức điện quan trọng nói trên tới Moscow. Đây có lẽ là bức điện quan trọng nhất trong sự nghiệp tình báo của Sorge . Đây là bức điện mà cấp trên của anh đánh dấu “nghi ngờ” và “khiêu khích”.

Biết thượng cấp xem nhẹ các cảnh báo của mình, Sorge đã cố công thêm một lần nữa. Vào ngày 20/6, anh soạn thêm bức điện cảnh báo sau: “Ott nói với tôi rằng chiến tranh giữa Đức và Liên Xô là không tránh khỏi... Invest (mật danh của điệp viên Ozaki) bảo tôi là Bộ Tổng tham mưu Nhật Bản đã thảo luận nên lựa chọn quan điểm nào trong trường hợp nổ ra chiến tranh”.

Ngày 21/6, Max Clausen gửi bức điện trên. Quân Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô vào đúng ngày hôm sau - 22/6. Khi đó, Hồng quân Liên Xô hoàn toàn bị bất ngờ (và bị đẩy lui liên tục trên chiến trường – ND). Quãng thời gian 5 tháng tiếp theo là cả một thời kỳ đầy những thử thách nặng nề đối với Liên Xô.

Tranh luận nội bộ giữa 2 phe ở Tokyo

Ngay sau khi Đức nổ súng tấn công đất nước Xô viết, Moscow đã gọi cho Sorge để tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp. Một bức điện ngắn cụt lủn chỉ thị cho anh phải báo cáo về chính sách của chính phủ Nhật đối với cuộc chiến tranh Xô-Đức. Mấu chốt là: Liệu Nhật Bản có quyết định tiến công vùng Viễn Đông của Nga hay không.

Tình hình rất cam go, có thể đe dọa sự sinh tồn của Liên Xô. Lúc đó, Berlin đang chỉ đạo Đại sứ Ott sử dụng mọi phương tiện có thể để thuyết phục Nhật Bản tấn công Liên bang Xô viết. Trước một cuộc chiến khốc liệt tiến hành từ cả 2 phía, Liên Xô sẽ khó bề trụ vững được.

Tài tử Iain Glen vào vai Richard Sorge trong bộ phim “Spy Sorge”. Ảnh: Tumblr.
Tài tử Iain Glen vào vai Richard Sorge trong bộ phim “Spy Sorge”. Ảnh: Tumblr.

Trong lúc đó, ở Tokyo diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chính sách đối ngoại. Nhật Bản đang chìm sâu vào cuộc chinh chiến ở Trung Quốc, mà Trung Quốc thì lại có chiều sâu chiến lược - phát xít Nhật không biết khi nào mới kết thúc được hoàn toàn cuộc chiến tại đó. Giờ đây tình hình ở châu Âu lại tạo ra các khả năng mới. Chiến thắng của quân Đức ở Tây Âu mở ra cánh cửa cho Nhật xâm nhập vào các thuộc địa giàu tài nguyên của Pháp, Hà Lan và Anh ở Đông Nam Á.

Mặt khác, việc Hitler xâm lược Liên Xô lại tạo cơ hội tốt cho Nhật tiến đánh ngược lên phía bắc, vào vùng Siberia và Viễn Đông của Nga. Mỗi phương án đều có rủi ro tương ứng. Nhật Bản hiện đang sa lầy ở Trung Quốc, không thể đồng thời chinh phạt cả bắc lẫn nam. Họ phải lựa chọn một trong hai.

Chưa đầy một tuần sau cuộc tấn công của Đức, Sorge đã tóm lược cho Moscow một cách chính xác tình hình đang diễn ra. Anh báo cáo như sau: Nhật đã quyết định đưa quân vào Đông Dương thuộc Pháp, và Ozaki thì tin rằng Nhật sẽ phải nghe ngóng diễn biến cuộc chiến Đức-Xô. Cụ thể, Nhật sẽ “Bắc phạt” nếu Hồng quân nhanh chóng bị đánh bại. Nhưng Ott lại tin rằng hiện nay Nhật sẽ không tiến đánh phía bắc ngay.

Chữ ký của lãnh tụ Stalin ở phía dưới cùng của tài liệu này cho thấy vị Tổng tư lệnh Liên Xô đã đọc bức điện của Sorge chứ không chỉ bản tóm tắt bức điện của anh.

Giải bài toán Nhật Bản

Vào ngày 2/7, một “Hội nghị Đế quốc” – của các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị chóp bu Nhật Bản với sự có mặt của Nhật hoàng, đã định ra chính sách đối ngoại của Nhật. Theo thông báo của Sorge gửi về tổng hành dinh ở Moscow, Nhật Bản sẽ đưa quân vào Đông Dương, nhưng cũng đồng thời tập hợp lực lượng ở miền bắc Nhật Bản và vùng Mãn Châu để chuẩn bị đánh ngược lên phía bắc nếu Hồng quân tan rã trước các đòn đánh của phát xít Đức.

Ở cuối tài liệu nói trên, Cục phó Cục Quân báo (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô đã viết: “Thông tin này là đáng tin cậy, dựa trên mức độ tin cậy cao và độ chính xác của các thông tin trước đó, và tầm của các nguồn tin”.

Lính phát xít Nhật hành quân ở Philippines. Ảnh: Tàng thư quốc gia Mỹ.
Lính phát xít Nhật hành quân ở Philippines. Ảnh: Tàng thư quốc gia Mỹ.

Sau khi các cảnh báo của Sorge được chứng minh là đúng bằng cuộc tấn công mở màn của Đức vào ngày 22/6, Moscow đã tin tưởng các thông tin do anh gửi về.

Cuối tháng 7, tình hình Tokyo càng trở nên phức tạp khi Mỹ và Anh áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Nhật Bản. Hầu như toàn bộ lượng dầu nhập khẩu của Nhật đều bị Anh, Mỹ và các đồng minh của họ kiểm soát. Tuy nhiên thuộc địa Đông Ấn Hà Lan (tức Indonesia ngày nay) rất nhiều dầu lại nằm trong tầm với của Nhật Bản. Điều này củng cố lập trường của phe ủng hộ bành trường xuống phương nam. Nhưng mặt khác mức độ thắng lợi ấn tượng của quân Đức trong giai đoạn đầu xâm lược Liên Xô lại khuyến khích phe ủng hộ Bắc phạt.

Tháng 7/1941, quân Nhật chiếm đóng Đông Dương. Cùng lúc, Nhật Bản điều hàng trăm ngàn quân bổ sung vào Mãn Châu gần biên giới với Liên Xô.

Sorge không chắc Nhật sẽ di chuyển tiếp quân theo hướng nào nhưng trong vài tuần tiếp theo, anh và Ozaki đã giải được bài toán.

Vào các ngày 25-26/8, Sorge soạn một bức điện gửi về Moscow: “Thông qua thông tin thu được từ các giới thân cận nhất với [Thủ tướng Nhật] Konoye, Invest (tức Ozaki) biết được rằng Bộ Tổng tư lệnh (quân đội Nhật) đã bàn thảo việc có tiến hành đánh Liên Xô hay không. Chúng đã quyết định sẽ không mở cuộc chiến đó trong năm nay, xin được nhắc lại, không phát động chiến tranh [chống Liên Xô] trong năm nay”./.

(Đón đọc Kỳ 4: Số phận điệp viên cánh tả cung cấp thông tin chiến lược cho Liên Xô).

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (dịch từ History.net)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm