1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dấu hỏi cho mối quan hệ đồng minh

Quan hệ đồng minh thân cận giữa hai chính quyền đương nhiệm tại Wasingtơn và Tel Avíp đang bị hoài nghi rạn nứt nghiêm trọng khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sắp có chuyến thăm Mỹ, nhưng Tổng thống Barack Obama lại từ chối gặp mặt.

Báo World Net Daily ngày 2-2 đưa tin, nhóm cánh tả của Israel đã và đang nhận được sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị Mỹ có liên hệ với Tổng thống Obama để “hạ bệ” Thủ tướng Israel Netanyahu. Theo đó, nhóm V15 (viết tắt của “Victory 2015”- Chiến thắng 2015) đã thuê công ty tư vấn chính trị của Mỹ do ông Jeremy Bird, cựu quan chức trong Ủy ban Vận động tranh cử của Tổng thống OObama năm 2008, đứng đầu soạn thảo kế hoạch cho việc đánh bại đảng cầm quyền bảo thủ của Thủ tướng B.Netanyahu trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel vào ngày 17-3 tới.
 
Nhóm này còn được tài trợ bởi 3 tỷ phú có quan hệ gần gũi với Mỹ và phản đối ông Netanyahu là Daniel Abraham - người sáng lập công ty kinh doanh thực phẩm Slim Fast; doanh nhân Daniel Lubetzky và Alon Kastiel.
 
Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2014 (ảnh: AP)
Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2014 (ảnh: AP)

Kế hoạch trên được tiết lộ khi Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ thăm và có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát, vào đầu tháng 3 tới theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner.

Lý giải cho việc “lơ” ông Netanyahu khi ở thăm Wasingtơn, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng cuộc gặp “không thích hợp” khi hai tuần sau đó sẽ diễn ra cuộc bầu cử của Israel. “Tôi từ chối gặp ông ấy chỉ đơn giản vì chính sách chung của chúng tôi là không gặp bất cứ lãnh đạo quốc gia nào trước thềm bầu cử của họ hai tuần. Tôi nghĩ rằng điều đó không thích hợp và đúng với một số đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi”,  ông Obama được dẫn lời giải thích.
 
Cũng với lý do không muốn làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ngày 17-3 ở Israel, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ không tiếp ông Netanyahu.

Nhà Trắng đã từ chối bình luận về việc liệu Thủ tướng Netanyahu có tìm kiếm cơ hội gặp mặt Tổng thống Obama hay không. Tuy nhiên, một quan chức Israel tiết lộ ông Netanyahu muốn gặp ông chủ Nhà Trắng trong chuyến thăm này.

Nhà Trắng cho rằng, việc Quốc hội tự ý hành động là "không đúng với nghi thức ngoại giao". Các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Quốc hội cũng chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Boehner đã đưa ra lời mời mà không có sự tham vấn của thành viên hai đảng. Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi đã chê trách lời mời Thủ tướng Netanyahu của ông Boehner là “ngạo mạn”.

Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện Boehner cho hay, ông không tham vấn với Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao trước khi đưa ra lời mời trên vì đây là việc làm thuộc thẩm quyền Quốc hội. Cũng theo Chủ tịch Hạ viện Boehner, "vào thời điểm cam go này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ về các mối đe dọa nghiêm trọng của Hồi giáo cực đoan và Iran với an ninh và lối sống của chúng ta".

Mâu thuẫn lớn nhất giữa chính quyền Obama với chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hiện nay là vấn đề hạt nhân của Iran. Ông Netanyahu ủng hộ các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa áp đặt thêm các biện pháp bao vây cấm vận, buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi với lý do “đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của Israel”.
 
Trong khi đó, Nhà Trắng không muốn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới. Trong Thông điệp Liên bang mới đây, Tổng thống Oba-ma cũng khẳng định rằng, ông sẽ phủ quyết mọi dự luật về tăng cường trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
 
Đề cập đến mâu thuẫn này, bà Bernadette Meehan, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này. Và tôi chắc chắn họ sẽ còn tiếp tục giữ liên lạc”.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel trong thời gian qua đã không mang lại kết quả dễ chịu như mong muốn. Ngoài hồ sơ hạt nhân của Iran, hai bên thường xuyên bất đồng về quyết định xây dựng khu định cư Do Thái mới của Israel mà ông Obama cho là phá hỏng tiến trình hòa đàm Trung Đông.
 
Thủ tướng Netanyahu từng bị cáo buộc là đã “thuyết giảng” cho Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục trong một cuộc nói chuyện hồi tháng 5-2011 giữa hai người, sau khi ông Obama đề xuất lấy đường biên giới năm 1967 với Palestine làm cơ sở cho tiến trình đàm phán hòa bình.
 
Năm 2012, sau khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phàn nàn công khai rằng, ông Netanyahu là “kẻ nói dối”, ông Obama đã đáp lời: “Ông chán ngấy ông ta, nhưng tôi thì phải giải quyết với ông ta còn nhiều hơn cả ông!”.

Nói như lời cựu cố vấn cấp cao về Trung Đông của chính quyền Mỹ Dennis B.Ross, “trong mối quan hệ này, rõ ràng không chỉ căng thẳng mà còn có sự mất lòng tin”.

Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm