Dấu hiệu cuộc chiến quyền lực đằng sau biểu tình bạo loạn ở Kazakhstan
(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, bạo loạn tại Kazakhstan có thể bắt nguồn một phần từ cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái trong chính phủ nước này.
Hàng chục người biểu tình chống chính phủ và các nhân viên an ninh Kazakhstan đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi các cuộc biểu tình và đụng độ bùng phát từ ngày 2/1 nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng cao.
Không có gì ngạc nhiên khi thành phố dầu mỏ Zhanaozen ở phía tây Kazakhstan là trung tâm khuấy động làn sóng biểu tình lần này. 10 năm trước, cũng tại nơi đây, hơn 10 công nhân đã thiệt mạng trong lúc đình công phản đối lương và điều kiện sống tồi tệ.
Nhưng nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối tăng giá nhiên liệu vào cuối tuần trước ở Zhanaozen bất ngờ lan rộng hơn trên khắp đất nước lớn nhất Trung Á này vẫn là một câu hỏi bí ẩn.
Làn sóng biểu tình bùng nổ trong tuần này tại Almaty, thủ đô cũ và là trung tâm kinh tế-văn hóa của Kazakhstan, thật sự là cú sốc đối với tất cả mọi người, từ Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đến những nhân vật thường xuyên chỉ trích chính phủ.
Nó xảy ra đồng thời với một cuộc chiến quyền lực âm ỉ trong nội bộ chính phủ nước này làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng, đây có thể là cuộc chiến giữa các phe phái đối lập của tầng lớp chính trị.
Dấu hiệu đấu đá nội bộ?
Hôm 8/1, trong một dấu hiệu dường như cho thấy một cuộc đối đầu chính trị khác, cựu Giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan (KNB) Karim Masimov đã bị bắt giữ về cáo buộc phản quốc.
Cũng có nhiều thuyết âm mưu khác quanh cuộc khủng hoảng này, trong đó có cáo buộc về một "sự can thiệp từ bên ngoài". Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng hỗn loạn ở Almaty, thành phố "tâm chấn" của tình trạng hỗn loạn trong tuần này, không chỉ là do biểu tình bạo loạn.
Tổng thống Tokayev, trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào hôm 7/1, ám chỉ điều đó, tuyên bố rằng, bạo lực là do khoảng 20.000 "kẻ cướp" gây ra. Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng, vì vậy việc kêu gọi đàm phán với những người như vậy là "vô nghĩa" bởi vì "họ cần phải bị tiêu diệt và điều này sẽ được thực hiện".
Danil Kislov, một chuyên gia người Nga về Trung Á hiện đang điều hành Fergana, một cổng thông tin chuyên nghiên cứu khu vực cho rằng, sự hỗn loạn này là kết quả của "một cuộc đấu tranh tuyệt vọng để giành quyền lực" giữa các gia tộc chính trị ở trong nước, cụ thể là những người trung thành với Tổng thống Tokayev, 68 tuổi, và những người thuộc phe của người tiền nhiệm Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi.
Vào đỉnh điểm của sự hỗn loạn vào hôm 5/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố ông đã tiếp quản chức vụ người đứng đầu hội đồng an ninh, vị trí mà ông Nazarbayev, người đã từ chức tổng thống vào năm 2019 vẫn nắm giữ cho đến thời điểm đó. Tổng thống Tokayev cũng sa thải cháu trai của ông Nazarbayev là Samat Abish khỏi vị trí phó giám đốc cơ quan an ninh, cũng như sa thải một số người khác thân cận với cựu Tổng thống Nazarbayev.
Ông Kislov cho biết, bạo loạn ở Almaty dường như là một kế hoạch của các thành viên trong gia tộc chính trị của cựu Tổng thống Nazarbeyev nhằm chiếm vị thế trên chính trường.
"Mọi chuyện đều có sự sắp xếp của những người thật sự nắm quyền lực trong tay", ông Kislov nói và nhấn mạnh rằng, chính cháu trai của ông Nazarbayev, ông Samat Abish, có vẻ đã "đóng vai trò lớn" trong việc gây ra tình trạng bất ổn.
Sau đó, một "đám đông xuất hiện", ông Ageleulov nói. Đám đông ấy "rõ ràng các nhóm tội phạm đứng sau tổ chức". Họ đi theo các con phố chính về tòa thị chính Almaty, đốt xe và xông vào văn phòng chính quyền. Một trong những kẻ kích động đám đông là Arman Dzhumageldiev, còn gọi là "Arman Cuồng loạn", một trong những nhân vật quyền lực ngầm tại Kazakhstan.
Anh ta đã có những bài phát biểu điên cuồng tại quảng trường trung tâm của Almaty khi các tòa nhà chính phủ chìm trong biển lửa ở phía sau. Dzhumageldiev còn kêu gọi mọi người đòi chính phủ nhượng bộ và chế nhạo là "kẻ hèn nhát" Mukhtar Ablyazov, một nhà tài phiệt lưu vong và cũng là đối thủ truyền kiếp của cựu Tổng thống Nazarbeyev.
Hôm 7/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết đã bắt giữ Dzhumageldiev cùng 5 đồng phạm. Dzhumageldiev là thủ lĩnh một băng đảng tội phạm có tổ chức.
Trong nhiều năm qua, nhiều người dân Kazakhstan vẫn phẫn nộ với một tầng lớp tinh hoa dân quyền đã đổ hàng tỷ USD vào các dự án trưng bày, như xây dựng một thủ đô mới mang tên Nursultan để vinh danh cựu tổng thống Nazarbeyev, trong khi phớt lờ cuộc sống khốn khổ của dân thường.
Nguồn gốc của sự bất mãn đó đã hiện hữu rõ ở những nơi như Zhanaozen. Không giống như các cuộc biểu tình ở Almaty, các cuộc biểu tình ở Zhanaozen và các thị trấn phía tây khác dọc theo biển Caspi, trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Kazakhstan, diễn ra trong ôn hòa trong suốt cả tuần.
Quan chức cấp cao của khu vực, ông Zhanarbek Baktybaev, hôm 7/1 cho biết không xảy ra bạo lực. "Như bạn biết đấy, ở một số vùng của đất nước chúng tôi đã xảy ra bạo loạn và cướp bóc bởi các phần tử khủng bố, nhưng ở đây, các dịch vụ quan trọng, đều hoạt động bình thường", ông nói.
Mukhtar Umbetov, luật sư của tổ chức công đoàn độc lập ở thành phố Aktau gần Zhanaozen, cho biết các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ôn hòa. Người dân xuống đường bày tỏ sự tức giận về lạm phát gia tăng và lương trì trệ.
"Kazakhstan là một quốc gia giàu có, nhưng những nguồn lực này không hoạt động vì lợi ích của người dân, chúng hoạt động vì lợi ích của giới tinh hoa. Có một sự phân biệt xã hội rất lớn", ông Umbetov cáo buộc.