Dấu ấn của các kỳ họp Liên Hợp Quốc qua những câu chuyện đặc biệt
(Dân trí) - Ngoài tràng cười của các nhà lãnh đạo thế giới dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/9, các phiên họp trước đây của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từng ghi nhận nhiều câu chuyện đặc biệt liên quan tới các quốc gia thành viên.
Trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 25/9, Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới bật cười với bài phát biểu “khoe” các thành tựu của chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông.
“Trong chưa đầy hai năm, chính quyền của tôi đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử của đất nước chúng tôi”, ông Trump tuyên bố.
Khoảnh khắc gây cười của Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý của hàng chục triệu người khi đoạn video ghi lại diễn biến sự việc được đăng tải lên mạng. Tổng thống Trump sau đó “chữa cháy” với các phóng viên rằng ông đã cố tình gây cười như vậy.
“Điều đó rất tuyệt vời, tôi làm như vậy để có thêm những tiếng cười”, ông Trump nói.
Tổng thống Trump không phải nhà lãnh đạo duy nhất gặp phải tình huống gây chú ý khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong lịch sử, có một số vụ việc “gây sốc” khác cũng từng xảy ra khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau nhóm họp.
Đôi giày chật
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vào năm 1960, cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng khiến nhiều người bất ngờ khi dùng giầy đập lên bàn với thái độ giận dữ. Hành động trên của ông Khrushchev diễn ra sau khi trưởng phái đoàn Philippines chỉ trích Liên Xô vì đã kiềm chế sự tự do của các nước Đông Âu.
Cháu gái của ông Khrushchev sau đó tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Liên Xô đã đi một đôi giày mới, song do đôi giày quá chật nên ông đã tháo nó ra trong lúc ngồi họp.
Khi ông Khrushchev đứng dậy, ông đấm tay xuống bàn mạnh tới mức đồng hồ trên cổ tay ông rơi xuống. Trong lúc cúi xuống để lấy đồng hồ, ông Khrushchev nhìn thấy chiếc giầy và dùng luôn chiếc giầy đó đập xuống bàn để thể hiện sự giận dữ của mình.
Nhành ô liu và khẩu súng
Vào năm 1974, ông Yasser Arafat được mời tới phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thay mặt Tổ chức Giải phóng Palestine và người dân Palestine. Ông tuyên bố sẽ dùng mọi cách để giành độc lập cho Palestine, nói lên tiếng nói của những người dân bị áp bức và đòi quyền tự do.
Đội chiếc khăn biểu tượng của Palestine, ông Arafat đã kết thúc bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bằng câu nói gây chú ý.
“Hôm nay tôi đến đây, mang theo một cành ô liu và một khẩu súng của chiến binh tự do. Đừng để cành ô liu rời khỏi tay tôi”, ông Arafat nói.
Phát biểu dài
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng có nhiều bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc thường yêu cầu các nhà lãnh đạo phát biểu ngắn gọn, tuy nhiên ông Fidel là trường hợp ngoại lệ.
Bài phát biểu của lãnh tụ Cuba vào năm 1960 kéo dài 4 tiếng rưỡi. Trong bộ quân phục màu xanh quen thuộc, ông Fidel đã chỉ trích Mỹ, thậm chí cảnh báo nguy cơ Mỹ tấn công Cuba, đồng thời bảo vệ mối liên kết giữa Cuba và Liên Xô.
Xé hiến chương
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cũng nổi tiếng với những bài phát biểu dài tại Liên Hợp Quốc. Năm 2009, ông từng phát biểu suốt 1 giờ 40 phút trước các nhà lãnh đạo thế giới.
Ông Gaddafi đã chỉ trích Liên Hợp Quốc vì không thể ngăn chặn hàng chục cuộc xung đột, cho rằng những kẻ gây ra vụ thảm sát ở Iraq phải bị trừng phạt, đồng thời bảo vệ quyền của Taliban trong việc thành lập một vương quốc Hồi giáo.
Trong khi đang phát biểu, ông Gaddafi đã giơ một bản sao Hiến chương Liên Hợp Quốc và định xé tài liệu này. Nhà lãnh đạo Libya tuyên bố ông không công nhận thẩm quyền của bản hiến chương này.
Sau đó, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã phát biểu trước Đại hội đồng: “Tôi đứng đây để tái khẳng định giá trị của hiến chương Liên Hợp Quốc, chứ không phải xé bỏ nó”.
Công kích lãnh đạo
Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng có một phát ngôn gây chú ý trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2006 khi ngầm chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.
“Hôm qua, quỷ dữ đã đứng ở đây”, ông Charvez nói, thậm chí còn mô tả thêm rằng chiếc bục phát biểu “vẫn bốc mùi hôi thối”.
Vào thời điểm đó, Mỹ đang tham gia cuộc chiến tranh Iraq và ông Chavez kịch liệt phản đối động thái của Washington.
Phát ngôn gây sốc
Nhà lãnh đạo cứng rắn của Iran Mahmoud Ahmedinejad đã khiến nhiều người bước ra khỏi phòng họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2010 khi ông đặt nghi vấn về việc liệu vụ tấn công khủng bố 11/9 có được dàn dựng hay không.
Ông Mahmoud cho rằng chỉ cần một khối thuốc nổ, chứ chưa nói đến máy bay, cũng có thể đánh sập tòa tháp đôi của Mỹ. Chuyến đi của nhà lãnh đạo Iran tới New York khi đó vấp phải làn sóng giận dữ của người dân địa phương.
Hình ảnh minh họa
Trong bài phát biểu về chương trình hạt nhân của Iran trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2012, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sử dụng một biểu đồ hình quả bom để minh họa cho bài phát biểu của mình. Quả bom được vẽ chia thành 2 phần là 70% và 90%.
Thủ tướng Israel nói rằng Iran đã hoàn thiện 70% quy trình làm giàu uranium cho vũ khí hạt nhân. Ông Netanyahu kêu gọi thế giới vạch ra “lằn ranh đỏ” và ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân.
Ông Netanyahu vẽ một đường màu đỏ bên dưới mốc 90%, nói rằng Iran chuẩn bị cán mốc làm giàu uranium trước thời điểm giữa năm 2013 và cảnh báo Iran không được phép chạm tới mốc này.
Theo ông Netanyahu, “không có gì nguy hiểm đối với thế giới hơn một đất nước Iran được trang bị vũ khí hạt nhân”.
Thành Đạt
Theo SCMP