Đất nước nơi chiếc TV là “tội phạm”
(Dân trí) - Kể từ khi truyền hình cáp đến được ngôi làng bé nhỏ của Kencho Om, 55 tuổi, ở vương quốc Bhutan, bà thường xuyên hục hặc với chồng chỉ vì đã thức khuya để xem phim.
“Chồng tôi mắng tôi, ông ấy nói ở tuổi này lẽ ra tôi phải dành thời gian cầu nguyện”, Kencho Om cho biết. Bà ngồi bệt trên sàn nhà. 4 bức tường quanh phòng không có gì ngoài có một chiếc giá, trên đó đặt một chiếc TV. “Ông ấy nói sau khi tôi chết, thay vì làm nghi lễ đưa tiễn, ông ấy sẽ chỉ đặt xác tôi cạnh một chiếc TV”.
Người dân Bhutan bắt đầu được xem TV từ năm 1999 sau khi vị vua lúc bấy giờ Jigme Singye Wangchuck chấp nhận thực tế và cho phép truyền hình xâm nhập vào vương quốc Phật giáo tách biệt của mình.
Cũng kể từ đó, truyền hình bị coi là “thủ phạm” phá huỷ cuộc sống gia đình, sản sinh ra tội phạm và làm xói mòn giá trị truyền thống từ ngàn xưa.
Một thế hệ trước, Bhutan là một đất nước sống trong những ảo tưởng thời trung cổ. Khi chiếc xe jeep đầu tiên đến thủ đô Thimpu vào những năm 1960, người dân địa phương đã chạy toán loạn vì tưởng rồng đang phun lửa. Chưa đầy bốn thập kỷ sau, Bhutan đột nhiên phải “đối mặt” với 45 kênh truyền hình của thế giới bên ngoài.
Vua Wangchuck nổi tiếng là người đã đưa ra ý tưởng rằng tổng giá trị hạnh phúc của đất nước quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội. Và truyền thống, niềm tin cũng như môi trường quan trọng như việc theo đuổi những giá trị thực dụng.
Và chính vì vậy mà chỉ trong thời gian ngắn người dân Bhutan đã được thấy một thế giới hoàn toàn khác, giàu có và lộng lẫy, bị các chương trình quảng cáo về các sản phẩm mà họ chưa bao giờ biết đến ào ạt tấn công.
Bộ trưởng thông tin và liên lạc Leki Dorji cho biết chính phủ đang bắt đầu băn khoăn không biết truyền hình mang lại điều gì cho Bhutan. “Những gì chúng tôi đang băn khoăn là “TV có làm cho bạn hạnh phúc hơn hay không?” Nó làm bạn có nhiều tham vọng hơn, và vì vậy có thể làm bạn không thấy hạnh phúc nữa”, Dorji cho biết.
Tuy nhiên người dân Bhutan dường như không đồng ý với quan điểm trên. Một cuộc nghiên cứu do Bộ thông tin thực hiện vào năm 2003 cho biết rất nhiều người cho rằng TV đã mở rộng tầm nhìn của họ. Hơn 66% công nhận TV có ảnh hưởng tốt tới xã hội trong khi chỉ 7,3% là phủ nhận.
TV phá hoại cuộc sống gia đình?
Song chỉ trích vẫn còn đó. Tội phạm và ma tuý, những thứ hầu như không được nghe đến một thập kỷ trước đây, đã đến với đất nước này. “Quảng cáo tạo ra ham muốn, mà những ham muốn đó không thể thoả mãn được trong tình hình kinh tế của mọi người hiện nay”, Phuntsho Rapten thuộc trung tâm nghiên cứu Bhutan cho biết. “Tội phạm và tham nhũng thường xuất phát từ tham vọng kinh tế”. Nhưng TV không phải là “kẻ có lỗi” duy nhất. Hàng ngàn người đã di cư từ vùng nông thôn ra thành thị, và nhiều người không thể kiểm được việc làm.
TV còn có nhiều lợi ích, nó khiến mọi người trong gia đình đoàn tụ bên nhau vào mỗi tối, và giữ chân các ông bố ở nhà, không ra ngoài uống rượu nữa. Ở Bhutan, uống rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, và cũng là một thú vui truyền thống.
Song nhiều người đàn ông có cùng quan điểm với chồng của bà Om. “Tôi ghét TV”, Chencho Tshering cho biết. Ông là giám đốc điều hành tạm quyền của tờ báo nhà nước Kuensel. Ông tưởng tượng đến cái đêm vào một ngày gần đây khi dịch vụ truyền hình cáp bị đóng cửa. Bởi vợ của ông thì mê mẩn với chương trình ca kịch Hindi, còn ba đứa con gái của ông nhớ phim “Những người bạn” và kênh hoạt hình Cartoon Network. Tuy nhiên cả gia đình lại ngồi cùng nhau và bắt đầu nói về quá khứ. “Đó là cái đêm tuyệt vời nhất mà tôi có thể nhớ kể từ năm 1999”, ông thú thực.
Giải pháp
Những bậc làm cha làm mẹ ở Bhutan không thích tất cả những gì mà bọn trẻ học được từ TV. Có lúc cả nước đã rộ lên phong trào vật kiểu Mỹ sau khi TV giới thiệu về nó. Giáo viên thì phàn nàn trẻ em trong thành phố do xem phim khuya vào buổi đêm nên không tập trung được khi ở trên lớp.
Chính phủ đã phản ứng bằng cách cấm kênh thể thao Ten Sports, trong đó có cả đấu vật lẫn chương trình MTV và Thời trang Fashion TV.
Tuy nhiên đó không phải là một biện pháp hợp lý. Đấu vật lại xuất hiện trên các kênh khác, trong khi người hâm mộ bóng đá phàn nàn rằng vì lệnh cấm mà họ không được xem cúp C1 châu Âu.
Tshering Yonten, giám đốc báo chí của bộ thông tin cho biết, cần phải kiểm soát những gì mọi người xem. “Vấn đề không phải là "cướp" đi của mọi người, mà chính phủ phải có trách nhiệm ở đây”.
Một số người dân Bhutan lo lắng giá trị truyền thống của họ đang bị đe doạ bởi “đội quân” toàn cầu hoá, mặc dù văn hoá của Bhutan có vẻ như sẽ khó mà thay đổi. Bởi vào buổi tối, đám thanh niên ăn mặc giống như những thần tượng nước ngoài của họ. Nhưng khi đi làm họ vẫn mặc bộ đồ truyền thống dài đến gót chân, và đi tất dài.
Đêm xuống Om mới trốn thoát khỏi thực tại để đến với những bộ phim Bollywood, đến với những bộ phim tài liệu về cuộc sống hoang dã và với những bộ phim chiến tranh của Mỹ. “Không có TV, cuộc sống thật tẻ nhạt”, Om nói. “Thật tuyệt khi được xem thế giới bên ngoài. Tôi đã được xem nông dân Nhật canh tác lúa, và họ cũng làm giống y hệt chúng tôi vậy”.
PV
Theo Reuters