1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: "Thế cờ" lật ngược

Cuộc đảo chính xảy ra đêm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỹ không những không thể lật đổ Tổng thống Erdogan mà còn trao cho ông một niềm kiêu hãnh cùng với nhiều lựa chọn để củng cố quyền lực.

Chưa có tiền lệ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từng vượt qua được các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng hồi năm 2013. Ông đã thoát khỏi “ngọn lửa” làm tiêu tan sự nghiệp một số Bộ trưởng trong Nội các của ông trong cuộc điều tra tham nhũng gần ba năm trước. Và giờ đây, ông đã “sống sót” sau cuộc đảo chính của một nhóm trong quân đội - một niềm kiêu hãnh mà nhiều nhà tiền nhiệm của ông không thể có được.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng của nhóm đảo chính tối 15/7. (Nguồn: Reuters)
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng của nhóm đảo chính tối 15/7. (Nguồn: Reuters)

Không một ai ở Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán được điều đã xảy ra đêm 15/7 khi một số binh sĩ chiếm quyền kiểm soát hai cây cầu chính của Istanbul bắc ngang qua eo biển Bosphorus và dùng máy bay chiến đấu F-16 bay tầm thấp để kiểm soát thủ đô Ankara. Các binh sĩ đã tấn công các đài phát thanh tư nhân cũng như nhà nước và chiếm quyền kiểm soát một cách tương đối dễ dàng.

Trong những năm gần đây, những người chỉ trích, các chính phủ nước ngoài và công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại về sự chuyển hướng dần dần sang chủ nghĩa độc tài dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan.

Mặc dù ông Erdogan đã nhận được rất nhiều lời tán dương trong vài năm đầu sau khi trở thành Thủ tướng hồi năm 2003, nhưng kể từ khi trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8/2014, ông bị cáo buộc có tham vọng độc tài khi muốn thay đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được ban hành năm 1980 sau cuộc đảo chính thành công gần đây nhất của quân đội.

Chấm dứt thời kỳ đảo chính!

Theo ông Aykan Erdemir, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ dành cho quốc phòng của các Nền dân chủ ở Washington, cuộc đảo chính này là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có nỗi lo sợ của quân đội về một thể chế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng dự luật cải tổ lại các tòa án cũng như việc ông Erdogan là người có quan điểm thiên lệch là hai trong số những lý do dẫn tới đảo chính.

Tuy nhiên cuộc đảo chính thất bại, theo ông Sinan Ulgen, Giám đốc Viện nghiên cứu Edam và là học giả tại Trung tâm Carnegie, lý do là bởi đây không phải là cuộc đảo chính với sự tham gia của toàn quân đội như trong các vụ đảo chính trước đây.

“Đây không phải là chiến dịch được lên kế hoạch bởi giới tướng lĩnh chóp bu trong quân đội. Và bởi không có sự trợ giúp đầy đủ của các tướng lĩnh trong quân đội, nhóm này đã thiếu các trang thiết bị quân sự và năng lực cần thiết”, ông Ulgen nhận định.

Trong khi đó, ông Erdemir nói rằng thời đại các cuộc đảo chính thành công - như hồi năm 1960, 1971 và 1980 - đã chấm dứt, khi dân chúng ngày nay phần lớn phản đối việc đảo chính. Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự đoàn kết hơn, thậm chí cả ba đảng đối lập trong Quốc hội cũng ngay lập tức chỉ trích âm mưu đảo chính này.

Theo ông Erdemir, các đảng phái chính trị không có “ấn tượng đẹp đẽ” về các cuộc nổi dậy trước đây bởi họ đã trải qua thời kỳ cay đắng dưới sự lãnh đạo của quân đội. Ông Ulgen nói thêm: “Khi người dân nhận ra rằng họ không ủng hộ quân đội, việc họ phản đối cuộc đảo chính là điều dễ hiểu”.

Cơ hội củng cố quyền lực

Ông Erdogan, một nhà chiến thuật tài giỏi, sẽ cảm thấy rằng cuộc đảo chính thất bại này đã mở ra nhiều cơ hội để ông thắt chặt kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ, song ông cũng đang đứng trước lựa chọn vô cùng quan trọng.

Nhà nghiên cứu Erdemir đánh giá: “Việc xây dựng một kỷ nguyên của sự đồng thuận dựa trên sự ủng hộ của các đảng phái hay sử dụng vụ việc này như một cơ hội để củng cố sự thống trị duy nhất gần như hoàn toàn do ông Erdogan quyết định. Một phần, tôi cho rằng ông ta sẽ lựa chọn con đường dân chủ, song một phần tôi cũng cho rằng ông Erdogan sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để củng cố quyền lực của mình và nếu như vậy, đây sẽ là điều rất đáng tiếc”.

Cùng quan điểm với ông Erdemir, ông Ulgen nhận định cuộc đảo chính là cơ hội có một không hai để thúc đẩy chương trình nghị sự tham vọng hơn về dân chủ. Tuy nhiên, kịch bản có khả năng xảy ra nhất đó là ông Erdogan sẽ tận dụng nó để thúc đẩy các tham vọng cá nhân của mình và có nhiều quyền lực hơn.

Theo AP

Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm