Đánh "Rồng" từ… dưới biển
Nếu muốn ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc, không cho nước này thể hiện sức mạnh cơ bắp quân sự và thay đổi hiện trạng trong khu vực, Mỹ cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược tấn công từ dưới biển một cách hiệu quả.
Kỳ 1: “Tử huyệt” của Trung Quốc
Có thể hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ không xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai. Nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự như hiện nay, một ngày nào đó, 2 cường quốc này cũng sẽ va chạm với nhau ít nhất trong vài cấp độ. Xu hướng này còn được gọi là "Trap Thucydides", có nghĩa là: "Khi một cường quốc trỗi dậy nhanh chóng cạnh tranh với một cường quốc thực sự, rắc rối sẽ xuất hiện. 11 trong số 15 trường hợp như vậy đã xảy ra trong vòng 500 năm qua, kết quả là nổ ra một cuộc chiến tranh".
Tên lửa được phóng từ tàu ngầm.
Mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ là phải duy trì ưu thế vượt trội mà không dẫn đến xung đột. Mỹ cần phải tìm cách răn đe hành động quân sự của các đối thủ tiềm tàng, bởi vì những cường quốc có ưu thế lớn thường giành chiến thắng trong các cuộc xung đột. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là chiến lược quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự để thay đổi hiện trạng địa chính trị là gì?
Trả lời cho câu hỏi này không thể dựa trên những đánh giá mang tính chiến thuật trong học thuyết đã được vạch ra và lực lượng quân đội Mỹ hiện nay để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là một cuộc tranh luận mà hầu hết các cuộc thảo luận thường không đi đến kết quả. Phát triển một chiến lược quân sự quốc gia hiệu quả nhằm ngăn chặn những xung đột phải bắt đầu với những đánh giá trung thực và thẳng thắng về lịch sử cũng như những mục tiêu, khả năng chiến lược của cả ta và địch cũng như những điểm yếu không chỉ về hệ thống vũ khí, chiến thuật tác chiến và học thuyết quân sự.
Ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là ổn định chính trị trong nước và nâng cao mức sống của người dân. Để đạt được những mục tiêu này, chiến lược lớn của Trung Quốc là phải kiểm soát được phía đông nước này để bảo vệ Đại lục trước các đợt tấn công từ trên biển và đảm bảo sự an toàn cho tuyến đường hàng hải, nơi có vị trí quan trọng đối với việc khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo đó, Trung Quốc đã ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang của mình để cho phép nâng cao khả năng kiểm soát trên biển, tăng cường áp lực nhằm vào Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa. Nó là một hệ quả trực tiếp và hợp lý về chiến lược lớn của Trung Quốc trong dài hạn.
Trong khi đó, những thế mạnh chủ yếu của Trung Quốc là rất gần với chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, có hệ thống tên lửa và khả năng không kích từ trên không chính xác, lực lượng đổ bộ thì ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có những điểm yếu cốt tử đó là khả năng chống ngầm và khả năng phá mìn rất hạn chế, cùng với đó là các cảng và các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc rất dễ tiếp cận và đánh phá. Những điểm yếu này là rất quan trọng đối Mỹ trong việc đánh chặn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.
Không chỉ mỗi Hải quân Trung Quốc là chưa được chuẩn bị nhiều cho cuộc chiến chống ngầm và phá mìn, mà hầu như tất cả hải quân các nước trên thế giới- trừ Mỹ - cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này rất khó thực hiện vì một cuộc chiến như vậy đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để thành thạo trên biển và có rất ít lực lượng hải quân đầu tư hoặc muốn huấn luyện những chiến thuật nhàm chán, không được ưa chuộng này. Trên cơ sở biên chế lực lượng hải quân hiện nay và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện một chiến dịch chống ngầm thành công, bởi vì hiện tại Bắc Kinh đang tập trung đầu tư vào tàu sân bay và các tàu nổi đối không, chứ không phải là các phương tiện chống ngầm hay phá mìn.
Sẽ là chiến lược thiếu suy nghĩ, thậm chí có lẽ là một sơ xuất về mặt quân sự, nếu chỉ tập trung vào việc làm thế nào để Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan hoặc chống lại các hành động quân sự của Trung Quốc với Chiến lược Tác chiến Không – Biển (một chiến lược do Lầu Năm Góc khởi xướng để vô hiệu hóa Chiến lược "chống tiếp cận, phong tỏa khu vực" của Trung Quốc và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, Thái Bình Dương và trên toàn cầu) hay một khái niệm tác chiến khác. Với câu châm ngôn: “Những kẻ nghiệp dư nghiên cứu chiến thuật, còn những người chuyên nghiệp sẽ nghiên cứu về hậu cần” có lẽ là đúng, nhưng các quốc gia cũng nên thực hiện việc bố trí lực lượng và học thuyết mà có thể tăng cường khả năng răn đe.
Trước tiên, mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ nên tập trung vào việc ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc thông qua một chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy và khó có thể bị đánh bại mà ở đó nó có thể tạo ra những hậu quả tiêu cực và nghiêm trọng đối với lãnh đạo của Trung Quốc. Răn đe xuất hiện khi thế trận về chiến lược và quân sự khiến lãnh đạo của đối phương phải nhận thấy rằng họ khó có thể dành thắng lợi mà không có mất mát, hy sinh. Hiện nay, chiến lược và thế trận quân sự của Mỹ dường như chưa thể hiện được điều này. Với tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang ngày càng coi thường thế trận của Mỹ, điều có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên.
Kỳ tới: Kịch bản tấn công Trung Quốc của Mỹ