Đằng sau việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức các diễn đàn an ninh
(Dân trí) - Trong thời gian chưa đầy 2 tuần, Trung Quốc đã liên tục chủ trì các Diễn đàn đối thoại an ninh. Từ an ninh mạng đến Cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với 10 nước ASEAN, tiếp đó là Diễn đàn An ninh, các quan chức và chuyên gia quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương tại Bắc Kinh.
Các Hội nghị nêu trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, qua vụ Bắc Kinh tôn tạo các đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc Mỹ chuẩn bị gửi các chiến hạm đến tuần tra tại 12 hải lý xung quanh khu vực này mà Bắc Kinh phản đối.
Diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ 6 có sự tham gia của 60 viên chức quốc phòng và 130 nhà nghiên cứu. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, cùng với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) với 57 nước sáng lập và số vốn hàng trăm tỷ USD.
Trước đó ngày 28/9, Trung Quốc cũng đã chủ trì Hội nghị an ninh Internet 2015, với sự tham gia của đại diện gần 30.000 doanh nghiệp, nhân viên chính phủ, bảo mật doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu về bảo mật cùng bàn thảo về chiến lược an ninh không gian mạng toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, cùng với sự hỗ trợ của các chính sách, tích cực thu thập những không gian thay thế, an ninh thông tin tự chủ có thể kiểm soát đã được đẩy mạnh, thị trường sản phẩm và dịch vụ an ninh thông tin đang ở mức tăng trưởng cao nhất, quy mô và tiềm năng thị trường có thể đạt đến hàng trăm tỷ USD, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu về an ninh mạng.
Được biết, trong chuyến thăm Washington của ông Tập Cận Bình, hai nước Trung-Mỹ đã đạt được một sự đồng thuận về việc cấm hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm mạng với mục đích lợi ích kinh tế và các hành vi đánh cắp bản quyền thông qua mạng Internet.
Các chuyên gia nói rằng, sự thỏa thuận của hai nền kinh tế lớn chỉ mới là bước đầu, đem lại những tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, nó vẫn còn phụ thuộc vào cách mà hai nước thực hiện thỏa thuận chung như thế nào hay chỉ nói mà không làm.
Giới phân tích còn cho rằng, nếu việc thành lập nhóm an ninh mạng có nghĩa là lĩnh vực này đã được nâng lên tầm chiến lược quốc gia và đây cũng là “trò chơi” chiến lược giữa các nước lớn có tác động mạnh đến lĩnh vực an ninh mạng toàn cầu.
Cạnh tranh chiến lược
Diễn đàn An ninh, các quan chức và chuyên gia quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, gọi tắt là Diễn đàn Hương Sơn 2015. Vốn trước đây chỉ diễn ra 2 năm 1 lần, nhưng nay Bắc Kinh đã đẩy lên trở thành Diễn đàn thường niên. Giới quan sát đặt câu hỏi, liệu Diễn đàn Hương Sơn có khả năng cạnh tranh với “Đối thoại Shangri-La” vốn đã gây ấn tượng lâu nay của Singapore?
Được biết, trong nhiều năm vừa qua, Diễn đàn Shangri-La đã trở thành nơi để các quan chức an ninh phương Tây và thế giới phê phán tham vọng của một số nước lớn gây bất ổn khu vực, nhất là ở Biển Đông.
Hội nghị Hương Sơn lần này diễn ra tiếp theo cuộc gặp không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và 10 nước ASEAN, cũng tại Bắc Kinh. Trong ASEAN có tới 5 nước thành viên đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu khi gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị, đã đề nghị “tuần tra chung một cách hòa bình” giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Ông Ryacudu nói: “Nếu các nước có lợi ích tại Biển Đông có thể giảm bớt căng thẳng và có thể quản lý được xung đột, thì không cần các đối tác khác tham gia giải quyết”.
Tuy nhiên, đã nhiều năm qua ASEAN luôn kêu gọi Trung Quốc thảo luận về COC, nhưng Bắc Kinh chỉ đồng ý ở mức “tham vấn” chứ không chịu “thương lượng”, khiến dư luận càng nghi ngờ thiện ý của Bắc Kinh về “tăng cường lòng tin chiến lược”.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã không hề nhắc đến Biển Đông mà chỉ nhấn mạnh về mối đe dọa khủng bố, cực đoan, thiên tai và “Trung Quốc muốn hợp tác và đối thoại với các cơ quan quốc phòng ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, chung tay xây dựng môi trường an ninh vững mạnh”.
Tại Cuộc gặp không chính thức với các Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, ông Thường Vạn Toàn cũng chỉ nói: "Trung Quốc mong muốn giải quyết những tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn hòa bình cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dành cho tất cả các nước chiểu theo luật pháp quốc tế... Dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực”.
Chuyên gia an ninh Li Mingjiang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận xét: “Trung Quốc muốn dùng các diễn đàn này để quảng bá quan điểm của họ, giải thích chính sách của họ và đánh bóng hình ảnh an ninh đất nước họ”.
Còn giới phân tích lại cho rằng, ý đồ của Bắc Kinh là thuyết phục các nước châu Á rằng, khu vực không cần đến đối tác bên ngoài như Mỹ hay Liên minh quân sự Mỹ-Nhật để đảm bảo an ninh khu vực. Tức là tìm cách giảm vai trò của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Trung Quốc còn biện hộ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, triển khai lực lượng và thiết bị quân sự tại khu vực biển Hoa Đông; làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, gây hấn với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, khiến sự lo ngại của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng.
Cũng theo giới phân tích, nếu cứ lấp liếm, thay vì đối thoại song phương thực chất ở các Diễn đàn, Trung Quốc vẫn khó lòng lấy lại hình ảnh của mình kể từ khi nước này đưa ra tuyên bố “lưỡi bò” đã liếm chọn niềm tin của khu vực đối với Bắc Kinh.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng: Trung Quốc đã lợi dụng các Diễn đàn an ninh để vừa đối trọng với Đối thoại Shangri-La nổi tiếng, vừa cạnh tranh chiến lược với các nước lớn, nhất là Mỹ và lẩn tránh trách nhiệm an ninh khu vực của họ là có cơ sở.
Nguyễn Nhâm