1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đằng sau quyết định đưa quân vào miền bắc Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo việc đưa quân vào miền bắc Iraq để truy quét các phiến quân người Kurd. Nhưng nay khi điều đó xảy ra, nhiều người tự hỏi tại sao lại là lúc này? Liệu đó có phải khúc dạo đầu cho các cuộc đàm phán?

Ankara mở chiến dịch quân sự bằng bộ binh đầu tiên vào miền bắc Iraq hồi tuần trước là chuyện không có gì bất ngờ. Hồi tháng 10 năm ngoái, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho kế hoạch quân sự xâm nhập nước láng giềng Iraq để tiêu diệt quân ly khai của đảng công nhân người Kurd (PKK). Kể từ tháng 12/2007, các máy bay chiến đầu của Ankara đã bỏ bom các mục tiêu của PKK.

 

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin quân sự trong những tuần gần đây cho biết, Ankara có thể sẽ đợi đến cuối mùa đông mới triển khai các lực lượng bộ binh. Điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi truyền hình chiếu cảnh đoàn xe tăng dài vô tận, quân đội, máy bay trực thăng đang tiến vào vùng núi phía bắc Iraq đêm thứ 5 tuần trước.

 

Thông tin liên quan tới việc quân đội Ankara tiến vào miền bắc Iraq hiện vẫn chưa thống nhất. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, 2 lữ đoàn với khoảng 5.000 binh sĩ đã tiến sâu 30km vào bên trong lãnh thổ Iraq và dự kiến sẽ ở lại trong 2 tuần. Nhưng các nguồn tin từ chính phủ Iraq và Mỹ lại nói Ankara chỉ triển khai vài trăm quân. Nguồn tin tình báo của Đức ước tính khoảng 3.000 binh sĩ đã tham gia chiến dịch này và sẽ nhanh chóng kết thúc sứ mệnh.

 

Hôm 25/2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nã đạn pháo vào các mục tiêu của PKK. Con số thống kê của Ankara cho biết có 8 binh sĩ đã thiệt mạng và một trực thăng bị đâm.Về phía PKK, 112 tay súng thiệt mạng, trong đó có 33 người vào đêm chủ nhật (24/2). PKK cũng xác nhận đã bắn hạ một trực thăng của Ankara.

 

Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ?

 

Hiện chưa rõ chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi trong cuộc tấn công. Các doanh trại của PKK, với khoảng 5.000 thành viên, hiện đang đóng tại vùng núi Kandil cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 200 km. Những nơi đồn trú gần biên giới mà từ đó PKK đã sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn bị bỏ hoang trong mùa đông. Một tướng về hưu người Kurd cho rằng quân đội Ankara có thể tràn sang miền bắc Iraq để ngăn chặn PKK trở về các đồn trú này khi tuyết tan.

 

Một lý giải khác là việc đưa quân nhằm phô trương sức mạnh của Ankara trước lãnh đạo chính phủ tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq, Massoud Barzani. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội lâu nay đã cáo buộc Barzani không hành động đủ mạnh để ngăn chặn PKK sử dụng miền bắc Iraq để tiến hành các cuộc tấn công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Ankara còn cáo buộc Barzani bí mật hỗ trợ PKK.

 

Cùng lúc đó, Barzani lại cáo buộc Ankara sử dụng PKK như một vỏ bọc để cản trở sự phát triển kinh tế và chính trị tại miền bắc Iraq do Ankara không muốn chấp nhận sự tồn tại của khu vực tự trị người Kurd.

 

Mặc cho các nỗ lực của Mỹ, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tại khu tự trị thuộc miền bắc Iraq trong những tháng gần đây vẫn không có sự tiến triển nào. Chính quyền Ankara vẫn từ chối liên lạc trực tiếp với Barzani vì ông này không đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là dẫn độ lãnh đạo PKK.

 

Thất bại thảm hại của ngoại giao Mỹ

 

Chiến dịch xuyên biên giới của Ankara đã đánh dấu một thất bại thảm hại của ngoại giao Mỹ. Các quan chức tại Washington khẳng định họ đã được thông báo về các kế hoạch của Ankara nhưng người Mỹ tại Baghdad vẫn tỏ ra vô cùng lúng túng.

 

Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã tìm cách thuyết phục Ankara về những thiệt hại mà chiến dịch quân sự có thể gây ra. Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo rằng chiến dịch này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế và phá hoại ngầm tình hình ổn định tại Iraq.

 

Khúc dạo đầu cho các cuộc đàm phán?

 

Gần đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách hàn gắn với Baghdad và chính phủ của vùng tự trị người Kurd ở phía bắc đất nước. Ngay trước chiến dịch, Hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - trung tâm quyền lực quan trọng nhất tại nước này, đã đưa ra tín hiệu hoà giải với tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ muốn có quan hệ tốt với Iraq dựa trên những bước phát triển tích cực. Nhưng vào thời điểm tờ nhật báo Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng Ankara đang chìa cành oliu hoà bình cho Baghdad thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trong lãnh thổ Iraq.

 

Cùng lúc này có những ý kiến cho rằng cuộc xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một khúc dạo đầu cho các cuộc đàm phán. Trước khi Ankara cho quân tiến vào miền bắc Iraq, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gül đã gọi cho người đồng cấp Iraq Jalal Talabani để thông báo. Ông Talabani không chỉ là tổng thống Iraq mà còn là lãnh đạo quan trọng thứ 2 của người Kurd sau Massoud Barzani. Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với ông Talabani trên danh nghĩa là tổng thống Iraq nhưng ông cũng là đối tác đàm phán thích hợp cho các mối quan hệ tương lai giữa Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Iraq.

 

Cuối cùng thì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận ra rằng rất khó có thể ngăn cản việc ra đời một quốc gia độc lập trong vùng tự trị của Iraq. Chiến dịch quân sự hiện thời chỉ nhằm mục đích xác định các mối quan hệ sẽ hình thành như thế nào trong tương lai.

 

Thổ Nhĩ Kỳ muốn được đảm bảo rằng người Kurd sẽ không tuyên bố độc lập trong tương lai gần và rằng Barzani không can thiệp vào mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng người Kurd thiểu số. Để chứng minh thiện chí, Barzani phải thực hiện vai trò của ông để giải quyết vấn đề PKK trên lãnh thổ phía bắc Iraq.

 

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận vùng tự trị ở miền bắc Iraq và trợ giúp kinh tế cho khu vực này. Hiện tại, hầu hết mọi thứ mà miền bắc Iraq cần đều được chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kể là cả khí đốt hay nguyên vật liệu xây dựng, mọi thứ được chuyển bằng xe tải qua cổng biên giới Habur.

 

VTH
Theo Spiegel