Đằng sau những cuộc "làm lành" của ông Trump và các tỷ phú Mỹ
(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, những cuộc "làm lành" của cựu Tổng thống Donald Trump với các tỷ phú từng bất đồng quan điểm với ông cho thấy tư duy "đôi bên cùng có lợi" từ cả 2 phía.
Theo AFP, trong một hệ thống bầu cử mà ngân sách tranh cử là một trong những yếu tố quan trọng như ở Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang nỗ lực lôi kéo các nhà tài trợ tỷ phú, trong đó có cả những người từng bất đồng với ông.
Khả năng gây quỹ của ông Trump từ những nhà tài trợ nhỏ, các cử tri trung lưu là không phải bàn cãi. Ông biết cách biến các rắc rối pháp lý trở thành chất xúc tác để mình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn.
Ví dụ, vào cuối tháng trước, 24 giờ đồng hồ sau khi ông bị một bồi thẩm đoàn ở New York tuyên có tội liên quan tới vụ trả tiền bịt miệng sao khiêu dâm năm 2016, ông Trump đã thu về 53 triệu USD.
Tuy nhiên, với các nhà tài trợ lớn, có thể ủng hộ tới hàng triệu USD, ông Trump đã gặp khó khăn do thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.
Sau khi người ủng hộ ông Trump gây ra vụ bạo loạn nhà quốc hội để lật ngược kết quả bầu cử vào ngày 7/1/2021, tỷ phú, nhà đầu tư Nelson Peltz nói rằng ông hối tiếc khi từng ủng hộ ứng viên này.
"Chuyện xảy ra ngày hôm qua thật đáng xấu hổ. Là một người Mỹ, tôi cảm thấy hổ thẹn", ông Peltz khi đó nói với CNBC.
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, ông Peltz đã mời ông Trump đến nhà riêng ở Florida để ăn sáng cùng với những nhân vật quan trọng khác, bao gồm ông chủ Tesla, SpaceX và X Elon Musk, theo Washington Post.
Sau đó, trong bài trả lời phỏng vấn Financial Times, ông Peltz nói rằng ông "có thể sẽ bỏ phiếu cho ông Trump lần nữa". Ông Peltz viện dẫn lý do cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía nam dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden là một lý do. Ngoài ra, ông cũng lo ngại về sức khỏe của ông Biden ở tuổi 81.
Tỷ phú Steve Schwarzman, chủ tịch và đồng sáng lập của Blackstone Group, một trong những công ty đầu tư quan trọng nhất thế giới, cũng từng chỉ trích sự kiện ngày 7/1/2021, lên án "nỗ lực nhằm phá hoại Hiến pháp Mỹ".
Nhưng vào ngày 24/5, ông Schwarzman, nhân vật quyền lực ở Phố Wall, cũng công khai ủng hộ ông Trump, đồng thời coi cuộc khủng hoảng ở biên giới Mỹ - Mexico là mối quan tâm chính.
Trong khi đó, bà Miriam Adelson, góa phụ của tỷ phú sòng bạc Sheldon Adelson và là người ủng hộ lớn của Israel, đang lên kế hoạch rót hàng chục triệu USD vào một ủy ban hành động chính trị cho ông Trump, theo Politico.
Vậy lý do gì khiến các tỷ phú lại ủng hộ ông Trump vào thời điểm này khi ông đang vướng vào hàng loạt rắc rối pháp lý?
Những toan tính
Nhà kinh tế học Paul Krugman tin rằng những tỷ phú và triệu phú này có thể đang đưa ra những lựa chọn chính trị dựa trên lợi ích cá nhân.
"Câu trả lời thẳng thắn là những người giàu có gần như chắc chắn sẽ đóng thuế thấp hơn và các tập đoàn sẽ ít bị quản lý hơn nếu ông Trump thắng thay vì ông Biden tiếp tục tại vị", Krugman - người từng đoạt giải Nobel - nhận định.
Ông Biden từ lâu đã không giấu tham vọng rằng, nếu ông tái đắc cử và đảng Dân chủ của ông giành được đa số ở cả lưỡng viện, ông sẽ áp một loại thuế mới đối với giới siêu giàu.
Vào năm 2022, ông từng cố gắng thiết lập mức thuế thu nhập tối thiểu cho các tỷ phú, 20% đối với những người có thu nhập hộ gia đình vượt quá 100 triệu USD, tương đương 0,01% dân số. Nhưng dự luật của ông không nhận được đủ sự ủng hộ từ cơ quan lập pháp.
Kể từ khi kế nhiệm ông Trump vào năm 2021, ông Biden thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều quy định hơn trong giới tài chính, điều này có thể giải thích tại sao một số doanh nhân siêu giàu không ủng hộ ông, theo AFP.
Ngoài ra, nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong việc đối phó với biến đổi khí hậu có thể khiến ông không được lòng các công ty dầu khí.
Ông Biden ủng hộ cách tiếp cận với năng lượng xanh và tái tạo. Trong khi đó, ông Trump nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc khoan dầu nếu ông đắc cử để giảm giá năng lượng cho người dân Mỹ.
Ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ dầu mỏ Canary, chiến lược năng lượng của ông Trump rõ ràng được các công ty dầu khí lớn ủng hộ hơn so với ông Biden.
Tuy nhiên, là một chính trị gia lão làng, ông Biden cũng không ngồi yên chứng kiến đối thủ hành động. Tổng thống đương nhiệm cũng rất tích cực trong việc vận động tài trợ từ các tỷ phú.
Ông Vinod Khosla, người đồng sáng lập Sun Microsystems và là một nhà đầu tư mạo hiểm, gần đây đã tổ chức tiệc chiêu đãi gây quỹ cho ông Biden tại nhà riêng ở California.
Theo AFP, có một xu hướng rõ ràng là các doanh nghiệp và tỷ phú tài chính, dầu khí có xu hướng nghiêng về ông Trump, trong khi các doanh nhân công nghệ ở thung lũng Silicon hướng về ông Biden.
Điều này dự kiến sẽ tạo ra một cuộc đua song mã hấp dẫn giữa 2 chính trị gia trong những tháng tới đây.