1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đằng sau động thái vừa tiến đã lùi của Mỹ, Triều Tiên

Mỹ tuyên bố trừng phạt Triều Tiên rồi rút lại. Triều Tiên rút rồi lại đưa các quan chức đến văn phòng liên lạc chung liên Triều.

trieu tien 1.jpg
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đi dạo tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội ngày 28-2. Ảnh: KCNA

Đã gần một tháng kể từ kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai không có tuyên bố chung, tình trạng hai nước vẫn đang hết sức mơ hồ. Khó đoán định được hai bên sẽ tiếp tục đối thoại ngoại giao hay Mỹ sẽ quay lại trừng phạt và Triều Tiên sẽ quay lại thử hạt nhân, tên lửa.

Động thái đáng kể nhất từ phía Mỹ sau thượng đỉnh là việc Bộ Tài chính Mỹ ngày 21-3 thông báo trừng phạt hai công ty Trung Quốc vì làm ăn với Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng ra chỉ đạo đảo ngược trừng phạt này. Ban đầu phát ngôn của ông Trump làm người ta nghĩ đến lệnh trừng phạt trước đó của Bộ Tài chính Mỹ. Nhưng vài giờ sau đó, một quan chức Mỹ và một nhân vật thạo tin nói với NBC News rằng phát ngôn của ông Trump nhằm nói đến gói trừng phạt mới quy mô lớn mà Bộ Tài chính Mỹ định sẽ thông báo sau đó.

Bước đảo ngược gây bối rối

Các bước đi đối lập của Bộ Tài chính Mỹ và ông Trump đã khiến nhiều nghị sĩ lẫn nhà phân tích Mỹ bối rối. Trả lời phỏng vấn NBC News ngày 24-3, nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói ông bối rối với cách Nhà Trắng xử lý việc trừng phạt Triều Tiên. Vị này nói thêm ông “chưa từng thấy chuyện này từ bất kỳ chính phủ nào”. Ông Rubio cũng bi quan với khả năng chính phủ Trump thuyết phục được ông Kim từ bỏ hạt nhân.

Ngày 25-3, nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại khu vực Đông Á và nghị sĩ Dân chủ Ed Markey, thành viên cấp cao tiểu ban này, kêu gọi chính phủ Trump xem lại đường hướng liên quan trừng phạt Triều Tiên. Trong bức thư gửi đến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, hai nghị sĩ cho rằng con đường trừng phạt đã “chậm đi nhiều” trong năm qua khi Mỹ gắn kết ngoại giao với Triều Tiên. Hai ông cho rằng việc Mỹ gắn kết ngoại giao với Triều Tiên một năm qua đã là giới hạn cuối cùng và kêu gọi Mỹ quay trở lại với chủ trương tăng cường thi hành trừng phạt của mình và của Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên.

Tiến sĩ Ashish Kumar Sen tại tổ chức chuyên về các vấn đề quốc tế Atlantic Council (Mỹ) cho rằng bước đảo ngược trừng phạt của ông Trump phát đi một tín hiệu nguy hiểm. Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu Jamie Metzl tại Atlantic Council cũng nhận định bước đi của ông Trump khiến các nước Trung Quốc, Nga, thậm chí cả Hàn Quốc coi nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu cấp cao Daniel Fried tại Atlantic Council cho rằng ông Trump đã cắt bỏ chính sách tối đa hóa trừng phạt/tối đa hóa ngoại giao của chính mình với Triều Tiên. Ông Fried có vai trò như nhà điều phối soạn thảo chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga cũng như thương lượng hợp tác với châu Âu, Canada, Nhật, Úc trừng phạt các nước khác.

Mỹ: Tìm cơ hội gắn kết

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đều chưa phản hồi về lá thư của hai nghị sĩ Gardner và Markey cũng như các ý kiến lo ngại từ các chuyên gia. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên sóng phát thanh B98 FM (Mỹ) ngày 25-3, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định chính phủ Trump đang thực hiện “các lệnh trừng phạt kinh tế khắt khe nhất trong lịch sử” với Triều Tiên nhưng cũng có “những gắn kết ngoại giao hứa hẹn nhất lịch sử” với nước này.

Ông Pompeo nói rõ chính phủ Trump chủ trương gắn kết lần nữa với ông Kim. Đầu tháng này, ông Pompeo từng nói ông hy vọng có thể gửi một nhóm đàm phán đến Triều Tiên “trong vòng vài tuần”. tuy nhiên, đến lúc này vẫn chưa có dấu hiệu hai bên sẽ nối lại liên lạc trực tiếp sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun - người dẫn đầu các vòng đối thoại cấp cao làm việc với Triều Tiên - sắp sang London để gặp những người đồng cấp Anh, Pháp, Đức bàn phối hợp nỗ lực thúc đẩy giải trừ hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên: Sẽ nương theo Mỹ

Về phía mình, Triều Tiên mấy ngày qua cũng đã có hai bước đi trái ngược mà theo các nhà quan sát là vì các bước đi của Mỹ. Ngày 25-3, một số quan chức Triều Tiên đã quay trở lại văn phòng liên lạc liên Triều nằm ở khu công nghiệp chung Kaesong trên phần đất Triều Tiên, cách khu phi quân sự liên Triều 10 km.

Ba ngày trước Triều Tiên cho rút toàn bộ nhân viên khỏi văn phòng “theo chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền tối cao”. Triều Tiên đi bước này sau khi Mỹ công bố trừng phạt hai công ty Trung Quốc vì làm ăn với Triều Tiên. Theo nhà phân tích Chad O’Carroll đồng thời là giám đốc điều hành công ty tham vấn rủi ro Korea Risk Group, diễn biến này đã được đoán trước. Ông O’Carroll cho rằng Triều Tiên đi bước này nhằm gửi thông điệp rằng từ quan điểm của Triều Tiên, Hàn Quốc không có ảnh hưởng đủ mạnh đến Mỹ và tác động không đủ mạnh đến quan hệ Mỹ-Triều.

Việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc đã gây lo ngại lớn trong khu vực về khả năng Triều Tiên có thể sẽ lại gia tăng căng thẳng sau khi Mỹ cứng rắn về trừng phạt. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Hàn Quốc Bong Young-shik, lãnh đạo Triều Tiên sẽ không khôi phục thử tên lửa hay hạt nhân ngay lập tức vì không muốn chính phủ Trump phải chọn tối đa hóa áp lực lên mình.

Nói với ABC News, nhà phân tích Bong Young-shik nhận định các lãnh đạo Triều Tiên có thể nghĩ đây chưa phải là lúc thích hợp để tăng áp lực liên tục lên cả Mỹ và Hàn Quốc mà sẽ tiếp tục chờ xem. Có ý kiến cho rằng chuyện rút rồi quay lại văn phòng liên lạc chung là một chiến thuật của ông Kim, vừa đối phó áp lực trong nước, vừa phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ.

Theo Đăng Khoa
Pháp luật TPHCM