1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đằng sau cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Bắt cóc hay sát hại?

Đặc vụ Ả Rập Saudi có lẽ không lường trước được rằng vị hôn thê của nhà báo đợi bên ngoài lãnh sự quán nước này ở Istanbul đã được dặn dò báo tin cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nếu 1 giờ sau ông không xuất hiện.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) ngày 28-10 cho biết một tài xế taxi ở Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) khẳng định đã chở một số thành viên biệt đội sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hôm 2-10 từ Lãnh sự quán (LSQ) Ả Rập Saudi tại Istanbul ra sân bay. Họ tỏ ra phấn khích và hút thuốc, uống rượu trong xe. Theo tài xế, trong đó có quan chức tình báo cấp cao thân cận với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MBS).

Chiến dịch vụng về

Cho tới nay, Ankara không ngừng lặp lại sự khẳng định biệt đội gồm 15 đặc vụ đã được Ả Rập Saudi cử sang để sát hại ông Khashoggi. Trong khi đó, Riyadh một mực cho rằng Thái tử MBS không hề hay biết điều gì về vụ thủ tiêu nhà báo đối lập này.

Riyadh đã thừa nhận đội đặc vụ - do Phó Giám đốc Tổng cục Tình báo Ả Rập Saudi Ahmed al-Asiri thành lập - gây ra cái chết của nhà báo 59 tuổi Khashoggi. Tuy nhiên, họ khẳng định mục đích của chiến dịch không phải là giết người mà chỉ muốn đưa ông Khashoggi về nước. Có điều, cuộc thuyết phục đã biến thành bạo lực khi ông kháng cự dẫn tới ẩu đả chết người.

Giới chức trách TNK đã bác bỏ quyết liệt "phiên bản" này của Riyadh. Tổng thống TNK Tayyip Erdogan đã dành cả bài phát biểu trước quốc hội hồi tuần rồi để chĩa thẳng sự ngờ vực vào Thái tử MBS và xoáy sâu vào tuyên bố nhà báo Khashoggi bị sát hại.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Ả Rập Saudi tiết lộ với NBC News (Mỹ) rằng các bước của chiến dịch vụng về này cho thấy mục đích không phải là để giết ông Khashoggi. Theo các nguồn tin, một cuộc điều tra nội bộ của Ả Rập Saudi cho biết 15 đặc vụ của chiến dịch được chia làm 3 đội nhỏ. Trong đó, một số người chỉ lo liệu hoạt động hậu cần và an ninh, trong khi đội đặc nhiệm nòng cốt thực hiện cuộc thuyết phục nhà báo lưu vong trong LSQ. Lúc án mạng xảy ra, trong LSQ chỉ có 9 đặc vụ.


Nhân viên an ninh canh giữ trước LSQ Ả Rập Saudi tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-10. Ảnh: REUTERS

Nhân viên an ninh canh giữ trước LSQ Ả Rập Saudi tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-10. Ảnh: REUTERS

Thuyết phục rồi... ẩu đả?

Giới chức Ả Rập Saudi khẳng định cuộc điều tra nêu trên đã phát hiện đội đặc vụ được lệnh trực tiếp thuyết phục ông Khashoggi trong LSQ. Nếu nhà báo này không chịu quay về Ả Rập Saudi, đội đặc vụ sẽ đưa ông tới một ngôi nhà an toàn được sắp xếp trước ở Istanbul để tiếp tục đàm phán. Sau 2 ngày, nếu vẫn từ chối tới cùng thì ông sẽ được thả. Tuy nhiên, ngay từ đầu, các đặc vụ đã làm trái lệnh và nhanh chóng áp dụng vũ lực.

Nguồn tin từ chính quyền Ả Rập Saudi nói với Reuters rằng ông Khashoggi được mời đến LSQ tại Istanbul để gặp đặc vụ Maher Mutreb - được cho là người đứng đầu biệt đội, có nhiệm vụ thuyết phục nhà báo đối lập hồi hương. Khi mặt đối mặt trong LSQ, Khashoggi đã cự tuyệt đề xuất đó, đồng thời cảnh báo rằng ông nhờ một người bên ngoài tòa nhà thông báo cho giới chức TNK nếu như 1 giờ sau ông không xuất hiện.

Các đặc vụ có lẽ đã không lường trước được rằng vị hôn thê của nhà báo xấu số - cô Hatice Cengiz, đợi bên ngoài LSQ - đã được ông trao cho 2 chiếc điện thoại di động cùng lời nhắn: Nếu ông biến mất, hãy báo cho trợ lý Tổng thống Erdogan.

Tiết lộ kết quả điều tra sơ bộ từ chính quyền Ả Rập Saudi, một quan chức giấu tên cho biết ông Khashoggi đã thẳng thừng cáo buộc Mutreb cùng biệt đội của gã vi phạm quy tắc về ngoại giao. Nhà báo này thách thức: "Các ông tính làm gì tôi? Bắt cóc tôi sao?". Đặc vụ Mutreb trả lời: "Đúng vậy, chúng tôi sẽ đánh thuốc mê và bắt cóc ông".

Theo vị quan chức Ả Rập Saudi nêu trên, hành động mang tính đe dọa này đã vi phạm mục tiêu hàng đầu của sứ mệnh. Khi ông Khashoggi lên giọng, các đặc vụ bắt đầu mất bình tĩnh. Họ tìm cách khống chế nhà báo đối lập, khóa cổ và bịt miệng ông.

"Họ muốn ngăn Khashoggi la hét nhưng biện pháp này đã khiến ông ấy tử vong" - vị quan chức giấu tên tiết lộ, đồng thời nhấn mạnh rằng ý định ban đầu của đội đặc vụ hoàn toàn không phải là hạ sát nhà báo đối lập. Khi được hỏi liệu có phải biệt đội đã làm ông Khashoggi ngạt thở, vị quan chức này nói: "Nếu bạn đặt bất kỳ ai cùng độ tuổi với Khashoggi vào tình huống này, tử vong là điều khó tránh khỏi".

Các đặc vụ sau đó được cho là đã tìm cách che giấu vụ bắt người thất bại với cả tình báo trong và ngoài nước. Theo giả thuyết của giới chức tình báo TNK, nhóm đặc vụ có thể đã phân xác ông Khashoggi và giấu tại 2 địa điểm bên ngoài TP Istanbul. Các cuộc tìm kiếm của lực lượng chức năng địa phương vẫn đang được tiến hành ở những địa điểm nghi vấn này.

Trong khi đó, vị quan chức Ả Rập Saudi nêu trên cho biết biệt đội đã giấu thi thể ông Khashoggi trong một tấm thảm lót sàn. Họ đưa thi thể nhà báo xấu số rời LSQ bằng xe công vụ rồi giao cho một "cộng tác viên địa phương" phi tang. Salah Tubaigy, chuyên gia pháp y của biệt đội, đã cố gắng xóa mọi dấu vết của vụ ẩu đả khiến ông Khashoggi tử vong.

Gần 4 tuần sau khi vụ việc xảy ra, Riyadh không ít lần sửa đổi "phiên bản" của mình về vụ việc. Phải mất 17 ngày sau, họ mới thừa nhận cái chết của ông Khashoggi trong LSQ với nguyên nhân đưa ra là do… ẩu đả.

Gần đây nhất, hôm 25-10, một công tố viên Ả Rập Saudi thừa nhận vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Sự thừa nhận bất ngờ này làm dấy lên câu hỏi: Nhân vật nào ở Ả Rập Saudi có thẩm quyền ra lệnh thực thi một vụ ám sát quốc tế như thế?

Riyadh đã bắt giữ toàn bộ 15 đặc vụ cùng 3 nghi phạm. Nhiều quan chức cấp cao cũng bị truy cứu trách nhiệm về vụ việc, riêng Thái tử MBS được khẳng định là không dính líu.

Bằng chứng nhạy cảm

Một người bạn của ông Khashoggi tiết lộ trên tờ Sunday Express hôm 28-10 rằng nhà báo lưu vong này có vẻ rất lo lắng khi 2 người gặp nhau ngay trước lúc ông biến mất. Theo người bạn này, Khashoggi đã kể rằng ông sẽ có bằng chứng cho thấy Ả Rập Saudi sử dụng vũ khí hóa học. "Ông ấy nói rằng đang hy vọng sẽ có bằng chứng bằng tài liệu" - người bạn kể lại cuộc nói chuyện cuối cùng với ông Khashoggi.

Trước đó, Riyadh từng đối mặt những cáo buộc cho rằng họ sử dụng đạn phốt-pho trắng trong cuộc xung đột ở Yemen.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra từ ngày 26-10

Theo Đỗ Quyên

Người lao động