1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Dân Mỹ Lai nhớ một người Mỹ

Nghe tin cựu phi công Mỹ Hugh Thompson vừa mất tại thành phố New Orleans (Mỹ) vì bệnh ung thư ở tuổi 62, những người dân Mỹ Lai, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, càng thương nhớ ông - người đã từng tham gia cứu thoát 15 người dân trong vụ thảm sát Mỹ Lai của quân đội Mỹ ngày 16/3/1968.

Chiều  9/1, chúng tôi trở lại Mỹ Lai - làng quê yên bình nằm cuối sông Trà Khúc, nơi mà 38 năm về trước quân đội Mỹ đã gây ra vụ thảm sát làm chết 504 người dân. Trong ngôi nhà nhỏ nằm cách bờ mương của khu chứng tích Sơn Mỹ chừng vài trăm mét về hướng đông, bà Phạm Thị Nhành - một trong 15 người dân được Hugh Thompson cứu - khi nghe thông báo về cái chết của ông đã không giấu nỗi bàng hoàng.

 

Bà hỏi lại: “Ổng chết rồi sao? Mới cách đây gần một năm trong ngày về dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ, ông có đến thăm tui mà...”. Ngừng giây lát, bà nhớ lại: “Cái ngày khủng khiếp đó, nghe đạn bắn loạn xạ, 15 người gồm trẻ con, phụ nữ và người già chỉ kịp nhảy xuống hầm trốn.

 

Cứ mỗi khi nghe tiếng đạn nổ là khiếp sợ. Rồi có tiếng xì xà xì xồ cãi nhau nghe rất rõ. Sau đó, chúng tôi được đưa lên trực thăng bay đi. Rồi đi ngang cánh đồng thấy đứa trẻ ngập trong đống máu, ổng lại cứu, đó là thằng Võ Ba...”. Bà  Phạm Thị Nhung - một trong những  người  được Hugh Thompson cứu - nói: “Nghe ổng chết biết làm sao đây. Phải chi ổng ở gần mình đến thắp nén nhang, chia buồn với vợ con ổng. May mà có ổng chứ không thì mình đâu còn sống trên cõi đời này”.

 

Hugh Thompson cùng với xạ thủ súng máy Lawrence Colburn, phi công Glenn Andreotta không chỉ cứu những người dân Mỹ Lai thoát chết trong  ngày thảm sát mà việc làm của các ông cũng là bằng chứng góp phần đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng.

 

Chính việc này mà bản thân ông phải trả giá, bởi  một số thành viên của quân đội Mỹ cho đó là hành động không yêu nước. “Trong ba lần về thăm Sơn Mỹ, Hugh Thompson gặp lại những người đã được ông cứu. Họ vui mừng đón ông  như người thân bởi vì ông là ân nhân. Vậy mà lần nào ông cũng khóc. Ông thường nói: “Rất đáng tiếc là trong ngày hôm đó tôi không cứu được nhiều người hơn...” - anh Huỳnh Thành Công, giám đốc Nhà chứng tích Sơn Mỹ, kể về ông như vậy. 

 

Theo Võ Quý Cầu

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm