1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân chần chừ tiêm vắc xin, Nga đối mặt làn sóng Covid-19 mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đang đối mặt với làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, trong khi nhiều người dân vẫn chần chừ tiêm vắc xin.

Dân chần chừ tiêm vắc xin, Nga đối mặt làn sóng Covid-19 mới  - 1

Nga đang đối mặt với làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức thấp (Ảnh minh họa: Tass).

5 tháng sau khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 bắt đầu được triển khai, bất chấp những lời cảnh báo cũng như các biện pháp khuyến khích tiêm chủng ngày càng tăng, tính đến ngày 2/6, chỉ có 18 triệu người Nga được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.

Mặc dù vắc xin đã có sẵn trong các cửa hàng, nhưng mới chỉ có 1/8 dân số Nga được tiêm chủng. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây, bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ Nga.

Tại Moscow, chỉ 1,5 triệu trong số 12 triệu người dân đã tiêm đủ hai mũi vắc xin Covid-19. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 60% người Nga không có ý định tiêm vắc xin Covid-19, đặt ra trở ngại lớn cho chiến dịch tiêm chủng của Nga.

Khác với phần lớn quốc gia khác, Nga không thiếu vắc xin. Nước này đã phê duyệt 4 loại vắc xin được sản xuất nội địa và nhiều đối tác trên khắp thế giới đã đặt hàng Sputnik V - vắc xin nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi nhất của Nga. Tổng thống Vladimir Putin còn gọi Sputnik V là vắc xin "tốt nhất thế giới".

Thành phố Moscow, nơi ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục vào tuần trước, đã triển khai một loạt biện pháp mạnh tay nhất nhằm bắt buộc tiêm chủng đối với tất cả nhân viên làm việc trong ngành dịch vụ. Moscow ngày 18/6 tuyên bố những người chưa được tiêm vắc xin sẽ bị từ chối điều trị tại bệnh viện nếu không phải là trường hợp cấp cứu.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin ngày 17/6 cho biết thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi một biến thể virus mới "hung hãn hơn, khó đối phó hơn và lây lan nhanh hơn". Thị trưởng Sobyanin nói rằng, biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm tới 90% số ca nhiễm mới tại thành phố này.

Thủ đô Moscow và một số thành phố khác ở Nga, nơi đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 tăng cao, đã áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế, trong đó có việc cấm tụ tập đông người xem giải bóng đá Euro 2020.

Khó khăn trong chương trình tiêm chủng

Dân chần chừ tiêm vắc xin, Nga đối mặt làn sóng Covid-19 mới  - 2

Nhân viên y tế Nga chuẩn bị tiêm vắc xin Sputnik V cho người dân ở Crimea (Ảnh: AP).

Theo Reuters, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vắc xin Covid-19 và các nhà chức trách nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% người trưởng thành, tương đương khoảng 69 triệu người, trước mùa thu năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đang đặt ra nhiều nghi vấn về việc Nga sẽ đạt được mục tiêu này.

Một số hiệp hội doanh nghiệp được hãng thông tấn Interfax thăm dò ý kiến cho biết, hiện vẫn chưa rõ các chủ doanh nghiệp sẽ làm thế nào để yêu cầu nhân viên phải tiêm vắc xin nếu họ không muốn.

"Một mặt, chúng tôi có nghĩa vụ phải làm điều đó. Hơn nữa, chúng tôi có thể bị phạt nếu không đạt (mục tiêu) 60% nhân viên được tiêm chủng. Mặt khác, chúng tôi không thể bắt mọi người tiêm chủng thông qua các biện pháp hành chính. Nếu một người không muốn tiêm, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì để bắt họ tiêm trong khuôn khổ luật pháp", Olga Kiselyova, chủ tịch một hiệp hội tại Nga, cho biết.

Thủ đô Moscow, nơi ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm mới hôm 18/6 - chiếm hơn một nửa trong tổng số ca nhiễm cả nước, đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế từng được dỡ bỏ trước đó, bao gồm yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước 11 giờ đêm.

Moscow cũng thực hiện bước tiến đáng kể trong việc bắt buộc tiêm vắc xin đối với những người làm trong môi trường tiếp xúc rộng rãi, từ thợ làm tóc, tài xế taxi, cho đến giao dịch viên ngân hàng và giáo viên.

"Nối gót" Moscow, một số khu vực như vùng Moscow xung quanh thủ đô, vùng Kemerovo ở Siberia và vùng Sakhalin ở Viễn Đông cũng bắt buộc tiêm chủng đối với người lao động trong một số lĩnh vực nhất định.

Chính quyền của các khu vực trên đã yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, giáo dục, y tế, giao thông công cộng, làm đẹp, giải trí và các ngành công nghiệp khác phục vụ đông đảo công chúng phải đảm bảo rằng ít nhất 60% nhân viên của họ được tiêm chủng đầy đủ.

"Cây gậy và củ cà rốt"

Người Nga thường viện dẫn nỗi sợ hãi chung về các sản phẩm y tế mới như vắc xin để làm lý do từ chối tiêm chủng. Họ cũng cho rằng hơn 5 triệu người đã bị nhiễm bệnh và phát triển sức đề kháng, do vậy không cần tiêm vắc xin.

Một nhà sản xuất vắc xin tại Nga cho biết một bộ phận người dân nước này không hào hứng với việc tiêm vắc xin, ngay cả khi vắc xin Nga được cả thế giới săn đón.

Theo AP, 2 tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot cho biết, họ không gặp phải sức ép trực tiếp nào về việc bắt buộc tiêm chủng. Tuy nhiên, những người chưa được tiêm hiện chỉ được phép bay 60 giờ mỗi tháng, so với 90 giờ đối với những người đã được tiêm. Điều này dẫn đến sự sụt giảm về mức lương của họ.

Trong khi đó, một số thành viên thuộc lực lượng vũ trang Nga cho họ phải đối mặt với sức ép lớn hơn về việc tiêm chủng.

Tại Belgorod, một công nhân làm việc tại một trang trại lớn thuộc một trong những công ty nông nghiệp - công nghiệp lớn nhất ở Nga, cho biết những công nhân từ chối tiêm vắc xin đã phải giải trình bằng văn bản và bị dọa sa thải.

Bộ trưởng Lao động Nga Anton Kotyakov ngày 20/6 cảnh báo, "nếu giới chức y tế ở một địa phương yêu cầu một số ngành nghề bắt buộc phải tiêm vắc xin, những người lao động không tiêm có thể bị đình chỉ công tác". Bộ trưởng Kotyakov cũng cho biết người lao động sẽ phải tiếp tục nghỉ việc không lương, chừng nào quy định bắt buộc tiêm phòng ở địa phương đó vẫn còn hiệu lực.

Ngoài những "cây gậy" cứng rắn trên, các nhà chức trách Nga cũng đưa ra những "củ cà rốt" để khuyến khích người dân tiêm chủng.

Ở Moscow, những người hưu trí đã được tặng gói hàng trị giá 1.000 rúp (14 USD) từ các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc như một động lực để tiêm phòng. Những người tiêm vắc xin cũng được tham gia chơi xổ số với giải thưởng mỗi tuần là 5 chiếc ô tô. Ở thành phố Ufa, người dân được nhận vé số khi tiêm phòng, từ đó có cơ hội trúng một căn hộ.

Tuy nhiên cho đến nay, các biện pháp trên dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả.