1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đàm phán sáu bên lần này liệu có đạt kết quả thực chất?

(Dân trí) - Chiều 27/9, cuộc đàm phán sáu bên thảo luận về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã được nối lại tại Bắc Kinh. Giới phân tích nhận định đây là vòng đàm phán hết sức quan trọng, có thể ảnh hưởng tới yếu tố thành bại của cả cuộc đàm phán đã kéo dài hơn ba năm qua.

Trọng tâm của vòng đàm phán bốn ngày lần này là xác định lộ trình thực hiện báo cáo kế hoạch hạt nhân và vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên theo những biện pháp mà các bên đã nhất trí. Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã thống nhất vô hiệu hóa toàn bộ các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngay trong năm nay, song hai bên vẫn chưa đưa ra được biện pháp cụ thể cho mục tiêu này.

 

Bản thân những người trong cuộc cũng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vòng đàm phán này. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Christopher Hill tuyên bố rằng các cuộc đàm phán này đang bước vào một "giai đoạn rất quan trọng". Trong khi phía CHDCND Triều Tiên mô tả vòng đàm phán này "mang tính sống còn".

 

Trưởng đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên Kim Kye-gwan ngày 25/9 nêu rõ, Bình Nhưỡng muốn đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán này và rằng có thể đạt được một thỏa thuận về "các biện pháp thực hiện những điều mà chúng ta đã nhất trí, bằng không, chúng ta có thể quay trở lại vạch xuất phát".

 

Những dấu hiệu lạc quan

 

Theo một thỏa thuận đạt được tại Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay, CHDCND Triều Tiên đã đóng cửa và niêm phong các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon.

 

Trong tháng 9 này, nhóm chuyên gia hạt nhân của ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nga đã tới các lò phản ứng hạt nhân và các cơ sở tái xử lý hạt nhân để đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện các cam kết của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tỏ rõ thái độ hợp tác. Đây được coi là những tiến bộ trong việc thảo luận giữa Bình Nhưỡng và Washington về chương trình làm giàu urani (UEP), từng gây ra bất đồng dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ hai và cũng là những dấu hiệu tích cực đầu tiên cho thấy CHDCND Triều Tiên đang tuân thủ cam kết đạt được tại vòng đàm phán hồi tháng 2/2007.

 

Chưa hết, tại cuộc họp cấp chuyên viên được tổ chức ở Thụy Sĩ đầu tháng này, CHDCND Triều Tiên thừa nhận rằng họ đã mua thiết bị liên quan đến máy li tâm có thể làm giàu urani từ một nước thứ ba, một thừa nhận được coi là rất hiếm hoi từ đất nước "bí hiểm" này.

 

Mỹ gần đây cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng xem xét việc loại CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng nếu nước này triệt thoái hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình.

 

Còn đó những trở ngại

 

Theo giới phân tích, nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra xuôi chèo mát mái bởi Bình Nhưỡng, bên cạnh những dấu hiệu hòa giải và hợp tác vẫn luôn thể hiện quan điểm cứng rắn khi cho rằng nếu các bên liên quan không "phản hồi tích cực" thiện chí của họ (CHDCND Triều Tiên), nước này sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa cứng rắn.

 

Nhận định về vòng đàm phán này, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên Nga, ông Alexander Losyukov bày tỏ sự "lạc quan một cách thận trọng". Ông này nói: "Có thể sẽ nổ ra một số vấn đề và trở ngại, nhưng tất cả các bên sẽ cùng nỗ lực để giải quyết".

 

Ông Zhang Liangui thuộc trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh nói: "Đóng cửa Yongbyon không phải là chìa khóa cho cuộc tranh cãi này. Đây chỉ là bước khởi đầu của quá trình giải quyết các vấn đề chủ chốt. Chìa khóa sẽ là liệu CHDCND Triều Tiên có đồng ý tiết lộ về vũ khí hạt nhân của mình và họ sẽ giải thích như thế nào về các hoạt động làm giàu urani".

 

Theo các chuyên gia, khó khăn trong vòng đàm phán tới là có quá nhiều vấn đề cần phải thảo luận. Nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên với nhóm chuyên gia hạt nhân, các bên vẫn còn những bất đồng quan điểm trong việc đánh giá vấn đề khi nào sẽ dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở hạt nhân. Ngoài ra, một khó khăn nữa là các bên chưa thảo luận được việc bên nào sẽ thực hiện phi hạt nhân đối với CHDCND Triều Tiên và kinh phí do bên nào đảm nhận.

 

Một nhà ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu giấu tên cho rằng bốn ngày đàm phán không chắc sẽ mang lại thỏa thuận cuối cùng về những bước tiếp theo. Một số chuyên gia cũng cho rằng bất kỳ vấn đề chưa được giải quyết nào cũng có thể bị sa lầy hoặc làm chệch hướng các cuộc đàm phán, đặc biệt với các tuyên bố gần đây của Washington rằng CHDCND Triều Tiên đã giúp Xyri về vấn đề hạt nhân. Thỏa thuận giải trừ quân bị trước đây với CHDCND Triều Tiên đã tan vỡ hồi cuối năm 2002 sau khi Mỹ tố cáo nước này tìm cách làm giàu urani.

 

Ông Shen Dingli thuộc trường Đại học Fudan ở Thượng Hải nói sau những thập kỷ đối đầu với Mỹ và các đồng minh, CHDCND Triều Tiên không chắc sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, mặc dù đã có những "nhượng bộ chiến thuật" trong đàm phán.

 

Ông này nói: " CHDCND Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. CHDCND Triều Tiên là nước thực dụng nhất thế giới, vì vậy tất nhiên họ sẽ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

 

Xét trên dấu hiệu lạc quan và những trở ngại lẫn lộn như trên, giới phân tích nhận định mặc dù cho là có tích chất "sống còn" nhưng chưa chắc vòng đàm phán này sẽ đạt được những kết quả thực chất. Và nếu sau đó, CHDCND Triều Tiên lại thực hiện cam kết "quay trở lại vạch xuất phát" của họ, thì giấc mộng đạt được một "thành tựu" ngoại giao nào đó trong 8 năm điều hành nước Mỹ của Tổng thống George W. Bush sẽ tan thành mây khói.

 

Kiến Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm