1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đàm phán hạt nhân Iran đổ vỡ vì sao?

Đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran một lần nữa đã kết thúc trong bế tắc mà không thể đạt được bất cứ thỏa thuận chi tiết nào. Mặc dù giới chức phương Tây vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng nối lại đàm phán trong thời gian tới để sớm đạt được thỏa thuận sơ bộ, nhưng không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra...

Đàm phán hạt nhân Iran đổ vỡ vì sao?

Iran và nhóm P5+1 bắt đầu cuộc đàm phán thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng về chương trình hạt nhân của Tehran tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 7/11. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phần nổi của tảng băng chìm

Mâu thuẫn về lợi ích chiến lược giữa các bên tham gia đàm phán khiến những người lạc quan nhất cũng phải hoài nghi với chính mình. Liên tục điều chỉnh mục tiêu, thay đổi sáng kiến và không ngần ngại đưa ra những tuyên bố "chắc như đinh đóng cột", thế nhưng các nước phương Tây đã không đạt được điều mà họ vẫn muốn, đó là sự nhượng bộ nhanh chóng từ phía Iran.

Có nhiều lý do để giải thích cho sự đổ vỡ của vòng đàm phán vừa qua ở Geneva (Thụy Sỹ). Tất cả những nguyên nhân gây đổ vỡ khi "cộng hưởng" lại có thể sẽ "giết chết" thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc ngay từ trứng nước. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề này trong tương quan những mối liên hệ ở một Trung Đông đầy phức tạp, như tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, quan điểm và cách tiếp cận của Israel, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, động thái của các quốc gia vùng Vịnh..., thì rõ ràng, đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) chỉ như phần nổi của tảng băng chìm.

Ông Steven Simon - Giám đốc Điều hành chi nhánh Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Mỹ, ngày 11/11 cũng cho rằng tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine đóng vai trò rất quan trọng, tác động đến cách tiếp cận về chính sách của Mỹ đối với Iran. Vì vậy, nếu muốn có được cái nhìn sát thực nhất về triển vọng đàm phán giữa nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân, thì nên bắt đầu từ việc phân tích mối liên hệ giữa tiến trình hòa bình Trung Đông và những điều chỉnh trong chính sách của Washington đối với Tehran thời gian gần đây.

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận có lẽ chính là quan điểm của Israel đối với thỏa thuận giải quyết vấn đề hạt nhân giữa Iran và P5+1. Không thể phủ nhận một thực tế rằng đàm phán hạt nhân ở Geneva cũng chịu ảnh hưởng từ cách tiếp cận theo kiểu tuyệt đối hóa, nhưng khó khả thi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Chuyên gia nghiên cứu Robert Einhorn thuộc Viện Brookings cho rằng đàm phán sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc nếu Israel tiếp tục khăng khăng yêu cầu Iran phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Bất cứ chính phủ Iran nào, dù ôn hòa đến mấy, cũng sẽ vấp phải thất bại nhanh chóng ngay tại Tehran khi đề cập tới điều kiện "một mất, một còn" mà Israel đưa ra.

Từ trước tới nay, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn phải "đồng hành" với chính sách của Mỹ đối với Iran. Việc Nhà nước Do thái và người Palestine tiến gần đến hiệp ước về quy chế cuối cùng nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ cứng rắn của Mỹ đối với Iran.

Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Giora Eiland, Mỹ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giải quyết vấn đề Iran để đổi lấy sự nhượng bộ của Israel trong hòa đàm với Palestine. Giờ đây, Washington chẳng những không cứng rắn hơn mà còn can dự với Iran thông qua cơ chế đàm phán đa phương. Điều này dường như chưa từng xuất hiện trong kịch bản về chính sách của Israel ở Trung Đông.

Tòa nhà nơi diễn ra đàm phán tại Geneva. Ảnh: AFP-TTXVN
Tòa nhà nơi diễn ra đàm phán tại Geneva. Ảnh: AFP-TTXVN


Nghịch lý về ưu tiên chiến lược

Sau nhiều lần đàm phán bất thành, chắc hẳn Iran và các nước phương Tây đã cân nhắc kỹ lưỡng khi bắt tay vào một nỗ lực mới mà không phải không có hy vọng. Quá hiểu về "giới hạn đỏ" của mỗi bên, cả Iran và phương Tây đều thừa nhận rằng tiến trình đàm phán chỉ có thể được thúc đẩy khi họ cùng nhượng bộ theo kiểu "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu", chứ không thể có quyết định đơn phương.

Chính phủ Iran do Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani lãnh đạo coi những nhượng bộ về chương trình hạt nhân là điều kiện để đổi lấy việc phương Tây nới lỏng lệnh cấm vận, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và tài chính, từ đó đưa nền kinh tế thoát ra khỏi suy thoái. Trong khi đó, phương Tây cũng hiểu rằng họ không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran, nếu không chấp nhận nới lỏng lệnh cấm vận.

Khi Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Iran, dư luận đã đặt câu hỏi về những ưu tiên chiến lược mà Washington theo đuổi ở Trung Đông. Phải chăng Mỹ từ bỏ mục tiêu thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine? Còn nhớ, vấn đề hòa bình giữa Palestine và Israel từng được Ngoại trưởng John Kerry coi là một ưu tiên rất quan trọng trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama.

Nếu nhìn vào chuyến đi đầu tháng 11 vừa qua của ông Kerry tới Trung Đông nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình Palestine - Israel, thì rõ ràng Mỹ không từ bỏ mục tiêu này. Vậy phải chăng nguy cơ Iran chế tạo thành công vũ khí hạt nhân đang gây sức ép mạnh mẽ và cấp bách hơn tình trạng bế tắc trong tiến trình hòa đàm Trung Đông? Và Mỹ sẽ giải quyết như thế nào mối quan hệ đồng minh truyền thống với Israel và các nước vùng Vịnh khác?

Trên thực tế, đàm phán đa phương P5+1 và Iran phụ thuộc nhiều vào khả năng đạt được thỏa thuận song phương giữa Washington và Tehran. Nói cách khác, Mỹ sẽ phải chủ động đưa ra những lộ trình nới lỏng lệnh cấm vận để đổi lấy nhượng bộ từ phía Iran.

Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ phải trả giá đắt trong quan hệ với đồng minh Israel. Trong bối cảnh có quá ít sự lựa chọn về nguồn lực như hiện nay, thật khó thúc đẩy đồng thời cả hai mục tiêu: tiến trình hòa bình Palestine - Israel, và đàm phán hạt nhân Iran. Đó có thể là nghịch lý về thứ tự ưu tiên chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.

Theo Lê Phương (pv TTXVN tại London)