1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đàm phán hạt nhân Iran "chi tiết nhất từ trước đến nay"

(Dân trí) - Cuộc đàm phán đầu tiên của Iran với nhóm P5+1 sau 6 tháng gián đoạn đã đạt được tiến triển tích cực, mà theo miêu tả của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton là “chi tiết nhất từ trước tới nay”.

Bà Catherine Ashton và ngoại trưởng Iran Javad Zarif
Bà Catherine Ashton và ngoại trưởng Iran Javad Zarif

Hai bên vừa khép lại cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Geneva, Thụy Sỹ. Các cuộc bàn thảo tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 7 và 8/11.

Bà Ashton và Bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif đã gọi các cuộc đàm phán là “thực chất và hướng về phía trước”.

Các nhà đàm phán quốc tế đang cân nhắc một cách kỹ lưỡng một đề xuất của Iran, thông báo chung sau cuộc đàm phán cho biết.

Các cuộc hội đàm tại Geneva có sự tham dự của các quan chức Iran và đại diện nhóm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cộng thêm Đức, hay còn gọi là nhóm E3+3.

“Các bên tham dự cũng nhất trí rằng E3+3 và các chuyên gia hạt nhân, khoa học và cấm vận Iran sẽ nhóm họp trước gần gặp gỡ tới để thảo luận những khác biệt và hoạch định những bước đi thực chất”, thông báo viết tiếp.

Trong buổi họp báo sau đó, ông Zarif cho biết ông hy vọng đàm phán sẽ dẫn tới “sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ của chúng ta”, và giúp giải quyết “một cuộc khủng hoảng không cần thiết”.

Iran trước đó đã khẳng định đề xuất của mình trong cuộc họp tại Geneva có “khả năng tạo bước đột phá”.

Ở những vòng đàm phán trước, Iran và các cường quốc phương Tây hầu như không tìm được tiếng nói chung, nhưng giờ có vẻ họ đã đi vào chi tiết thực sự.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Iran đã cho thấy “mức độ nghiêm túc và thực chất chúng tôi chưa từng thấy”.

Trong khi đó phản ứng từ Nga lại có phần thận trọng hơn. “Không có lí do gì để vỗ tay ăn mừng, lẽ ra mọi thứ còn có thể thành công hơn nữa”, thứ trưởng ngoại giao Sergei Ryabkov trả lời hãng tin Interfax.

Các cuộc đàm phán này là lần đầu tiên kể từ sau khi ông Hassan Rouhani, một người được coi là khá ôn hòa, đắc cử Tổng thống Iran hồi tháng 8.

Các cường quốc muốn Iran có bước đi cụ thể để ngăn nước này có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Đổi lại họ cam kết nới lỏng một số lệnh cấm vận quốc tế đã được áp đặt chống Iran những năm gần đây.

Những yêu cầu chủ yếu của quốc tế bao gồm việc Iran chấp thuận một cơ chế giám sát tòan diện, bao gồm các đợt kiểm tra bất ngờ, và việc giảm mức độ làm giàu uranium của Iran.

Bên cạnh đó, phương Tây muốn Iran ngừng sản xuất và cất trữ uranium được làm giàu ở mức 20% - một bước đi cần thiết để có thể đạt được năng lực vũ khí hạt nhân. Họ cũng đề xuất nước này chuyển một số uranium đang cất trữ ra nước ngoài, và đóng cửa nhà máy sản xuất Fordo gần thành phố Qom, nơi hầu hết hoạt động làm giàu ở cấp độ cao hơn diễn ra.

Thanh Tùng
Theo BBC