1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đàm phán cấp cao liên Triều tiếp tục bế tắc

(Dân trí) - Cuộc đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên nhằm tháo ngòi nổ xung đột quân sự vẫn tiếp tục bế tắc sau 2 ngày đàm phán, giữa lúc cả hai bên đều đã bắt đầu có các hành động điều chuyển quân sự trên thực địa.

 

trieu-tien-bfa79

Quan chức hai bên tham gia cuộc đàm phán marathon tại khu vực biên giới chung (Ảnh: AFP)

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Min Kyung-wook, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra đầy gay cấn tại làng đình chiến Panmunjom.

Tham gia đàm phán về phía Hàn Quốc có Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo.

Phía Triều Tiên cũng cử hai đại diện, gồm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu của Triều Tiên phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai bên trong gần một năm qua.

Cuộc gặp được khởi động từ ngày 22/8 nhằm thảo luận về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi xảy ra vụ nổ gần biên giới liên Triều làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương và các vụ đấu pháo sau đó mà cả hai bên đều cáo buộc đối phương nổ súng trước.

Tuy nhiên, do giữa Hàn Quốc và Triều Tiên còn có quá nhiều bất đồng, nên dù đã được kéo dài tới rạng sáng 23 và sau đó nối lại vào tối cùng ngày, song các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được bất cứ bước tiến nào.

Mọi thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán đều không được tiết lộ để tránh làm ảnh hưởng đến tiến trình thương lượng căng thẳng và nhạy cảm đang diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới giữa hai miền.

Trong khi đó, trên thực địa, cả hai bên đều đã bắt đầu có các hành động điều chuyển quân sự nhằm ứng phó với tình huống chiến tranh có thể xảy ra.

Các nguồn tin cho biết Triều Tiên đã tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới liên Triều và lệnh cho 50 trong tổng số 77 tàu ngầm rời khỏi các căn cứ quân sự trên biển Hoàng Hải và biển Nhật Bản.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đã triển khai khoảng 10 tàu đổ bộ chở lực lượng đặc nhiệm tới tiền tuyến để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Đây là đợt điều động quân sự lớn nhất của Bình Nhưỡng kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Hiện quân đội Hàn Quốc chưa xác định được vị trí của các tàu ngầm Triều Tiên, nhưng đã lệnh cho 6 chiến đấu cơ F-16D đang tham gia tập trận ở bang Alaska (Mỹ) gấp rút trở về nước.

Tình hình căng thẳng diễn biến theo chiều hướng ngày càng tăng nhiệt ở bán đảo Triều Tiên đang gây quan ngại sâu sắc cho dư luận khu vực và quốc tế.  Nhiều nước đã kêu gọi hai bên kiềm chế các hành động quân sự để tránh tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Vũ Anh

Tổng hợp