1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Dấm dúi" sử dụng điện thoại di động dưới thời khủng bố IS cai trị

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS cai trị, người dân sử dụng điện thoại di động một cách “dấm dúi”. Nếu bị phát hiện, họ sẽ bị giết vì tội gián điệp.

Khi cuộc tiến công tái chiếm thành phố Mosul bắt đầu vào giữa tháng 10/2016, các thủ lĩnh IS cai trị nơi đây đã cảnh báo các cư dân rằng bất cứ ai bị bắt quả tang sở hữu một chiếc điện thoại di động trong trạng thái hoạt động sẽ bị bị giết với tội danh gián điệp.

Nhiều người dân đã phá hủy các thẻ SIM và ít nhất có một cư dân vì quá hoảng sợ đã quẳng điện thoại xuống toilet rồi xả nước.

Người tị nạn Iraq đang nạp điện cho điện thoại di động với giá 500 dinar tại trại Sewdinan. Ảnh: AP.
Người tị nạn Iraq đang nạp điện cho điện thoại di động với giá 500 dinar tại trại Sewdinan. Ảnh: AP.

Số khác giấu điện thoại ở những chỗ mà các chiến binh thánh chiến IS khó phát hiện: bên dưới lớp quần áo mà phụ nữ mặc trên người, ở đáy tủ quần áo, hay trong các bẫy chim trên mái nhà của họ.

Đối với nhiều người, chiếc điện thoại di động đã phát huy tác dụng sau này, khi họ nhờ có nó mà liên lạc được với quân đội Iraq để điều phối việc bỏ trốn cho họ. Sau khi tới được các trại dành cho người tị nạn, họ lại có thể liên lạc được với những người thân yêu của mình và quay trở lại mạng xã hội sau khi bị cách ly tới 2 năm.

Sahm Yassin, một giáo viên tiểu học, là một trong những người đã mạo hiểm giấu điện thoại của mình đi.

Trước khi bỏ chạy khỏi Mosul cách đây một tuần, anh thi thoảng sử dụng chiếc điện thoại của mình, đi bộ trong bóng đêm tới chỗ đất cao có sóng điện thoại mạnh để anh có thể liên lạc được với gia đình ở Baghdad.

Yassin nói: “Chúng tôi bị cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng tôi vẫn cần thông báo cho mọi người biết rằng chúng tôi, nhất là mẹ già của tôi, vẫn ổn... Cảm giác rất đặc biệt”. Yassin nói vậy sau khi nhận lại điện thoại của mình từ một trong những người “bán hàng rong điện” – tức những người Iraq có máy phát điện nhỏ và chuyên đi nạp điện cho điện thoại di động với giá khoảng 500 dinar (xấp xỉ 10.000 VND). Trại này không có nguồn điện riêng.

Mùa hè năm 2014, IS chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq. Khi chiếm được thành phố này, IS áp dụng lối giải thích cực đoan đối với các giáo huấn của đạo Hồi, bao gồm việc cấm hút thuốc. Nam giới bị yêu cầu phải nuôi râu còn phụ nữ ở nơi công cộng phải trùm vải kín người từ đầu tới chân.

Tổ chức khủng bố này ban đầu cho phép dân được sử dụng điện thoại di động ở Mosul với những quy định hạn chế nghiêm ngặt. Các chiến binh IS tại các chốt kiểm soát hoặc đi tuần sẽ thường xuyên kiểm tra điện thoại của dân để phát hiện các số điện thoại khả nghi, hoặc các file nhạc hay ảnh bị cấm.

Nhưng vài tháng sau đó, IS phá hủy nốt các tháp thu phát sóng điện thoại. Tuy nhiên cư dân địa phương cho hay, ở những nơi địa thế cao hơn, họ vẫn bắt được tín hiệu sóng chập chờn từ khu vực người Kurd gần đó.

Diaa Ahmed - một người Mosul bản địa hiện sống ở trại Sewdinan dành cho người tị nạn gần Mosul, mở một cửa hàng cung cấp đường internet cho các hộ gia đình và tính tiền các khách hàng đăng nhập tại cửa hàng. IS đã ép anh này phải cài một camera an ninh tại cửa hàng để chúng có thể theo dõi các khách hàng của anh.

Ahmed nói: “Tuần nào chúng cũng đến và đòi xem đoạn video cũng như tên của những người đã tới cửa hàng”.

Cuối cùng Ahmed thấy nghề này rắc rối quá nên đã đóng cửa tiệm vào tháng 2/2016 và chuyển sang hành nghề bán đồ ăn.

Anh kể về lúc chuyển nghề: “Chúng vẫn tính thuế với tôi nhưng không còn thẩm vấn và thăm thú gì nữa”. Vừa nói Ahmed vừa xách hai túi đầy cà chua và hành vào trong lều.

Thẻ điện thoại vẫn tồn tại ở Mosul trong một thời gian ngắn sau khi IS chiếm thành phố này. Sau đó, những người sử dụng dựa vào người thân và bạn bè để nạp tiền cho điện thoại. Một nhà cung cấp dịch vụ của người Iraq đã xây các tháp thu phát sóng điện thoại mới ở phía nam Mosul vào mùa thu 2016. Một hãng khác phát các quảng cáo trên sóng phát thanh-truyền hình trong đó có các số điện thoại miễn phí dành cho các cư dân báo cáo tình hình khẩn cấp hay cung cấp thông tin về lực lượng IS.

Tổ chức Hồi giáo IS ngày càng đa nghi sau khi cuộc tấn công của quân đội Iraq (được Mỹ hậu thuẫn) nhằm giành lại Mosul bắt đầu vào tháng 10/2016. Bất cứ ai bị phát hiện có điện thoại hoạt động được đều bị cho là gián điệp và sẽ bị bắn chết tại chỗ.

Nhưng những ai vẫn giữ điện thoại thì lại có khả năng gọi cho quân đội chính phủ Iraq theo số điện thoại nóng nhằm tổ chức việc trốn chạy. Khi nhận được các cú gọi của họ, quân đội Iraq sẽ tư vấn cho họ lộ trình tốt nhất để trốn chạy IS, đồng thời triển khai phi cơ không người lái hay trực thăng chiến đấu tới bảo vệ họ.

Mahdi Saleh, 19 tuổi, sử dụng tài khoản điện thoại mà người chú của mình ở thành phố Kirkuk gửi cho để bảo đảm mình và hàng chục gia đình ở quận Somar của Mosul có thể an toàn trốn thoát. Người chú, sau khi tham vấn với quân đội và các cư dân từng bỏ trốn khác, đã cung cấp hướng đi cho nhóm của Saleh.

Tại trại tị nạn, Saleh đang tận hưởng sự tự do mà cậu không có được trong suốt thời gian qua.

Sau khi đàm thoại với bà thím ở Kirkuk, cậu nói: “Giờ thì em có thể “nấu cháo” điện thoại bao lâu tùy thích và công khai ngay trước mặt mọi người. Còn được thoải mái hút thuốc nữa”./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/AP