1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đại tướng Nga: Không thể chiến thắng quân sự trước IS

Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn báo “Svobodnaia Pressa” (Nga) ngày 4/12/2015 của Anh hùng Nga, Đại tướng , Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Nga Petr Deinhikin.

Đại tướng Petr Deinhikin trước đó còn là Tư lệnh Không quân Nga nói về việc chiến dịch của Nga tại Syria đã thành công đến mức độ nào vào thời điểm này, chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu và kết cục sẽ như thế nào.

Đại tướng Nga: Không thể chiến thắng quân sự trước IS - 1

Đại tướng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Nga Petr Deinhikin

SP:- Petr Stephanovich (Deinhikin), đến ngày 30/11 là tròn 2 tháng kể từ khi Bộ đội đường không – vũ trụ của chúng ta triển khai chiến dịch tại Syria. Hai tháng – dù là một khoảng thời gian không quá dài nhưng dù sao cũng đã qua một cái mốc nhất định. Đã có thể làm một sơ kết nhỏ về những kết quả hoạt động tác chiến. Theo quan điểm của ông, những kết quả đó là gì?

Đại tướng Petr Deinhikin: Tôi đánh giá tích cực các hoạt động tác chiến của các lực lượng chúng ta tại Syria. Chúng ta là những người đầu tiên bắt đầu tiêu diệt các mục tiêu cụ thể tại đất nước này, chứ không phải chỉ làm ra vẻ hoạt động tất bật như người Mỹ và các đồng minh của họ.

Thứ hai, điểm khác biệt trong hành động của Bộ đội đường không- vũ trụ của chúng ta so với các nước tham gia khác – đó là rất công khai. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên mà các phương tiện kiểm soát, các máy bay không người lái suốt 24/24 giờ cung cấp các thông tin về kết quả hành động của không quân (Nga).

Còn về những gì liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ tác chiến cụ thể thì tất nhiên, để thực hiện những nhiệm vụ đó cần phải nhiều lực lượng hơn là những lực lượng chúng ta đang có tại Syria. 80 chiếc máy bay và máy bay lên thẳng của Nga hiện đang hoạt động tại đó, rõ ràng là thừa đủ để giới thiệu và gây ấn tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hoạt động tác chiến cường độ cao. Nhưng để có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đặt ra, một lực lượng như vậy rõ ràng là không đủ.

SP:- Có nghĩa là cần phải tăng cường lực lượng cho cụm quân ở đó?

Đại tướng Petr Deinhikin: - Đúng vậy, và có vẻ như là cụm quân đó sẽ được tăng cường. Bởi vì với sự quá tải hiện nay đối với các phi công Nga trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ tác chiến, số phi công đã được cử đến đây rõ ràng là không đủ cho một thời gian dài, cần phải thay thế họ. Và cần phải tăng cường khả năng tác chiến.

SP:- Nhưng chỉ thay phi công thôi chứ? Có thể để lại các máy bay ở căn cứ không quân Hmeimim không?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Máy bay cũng có tuổi thọ nhất định, tuổi thọ động cơ, lốp máy bay cũng như rất nhiều tham số kỹ thuật khác. Tôi nghĩ rằng không chỉ thay thế mà còn phải tăng cường cho cụm quân ở đấy. Vấn đề là ở chỗ nội chiến có những đặc điểm rất khác biệt. Nếu có thể, chúng ta đã nên cử Tập đoàn quân kỵ binh Budionyi tới Syria. Trật tự sẽ được lập lại nhanh hơn rất nhiều.

SP:- Tập đoàn quân kỵ binh của Budionyi dưới sự yểm trợ của Lực lượng đường không- vũ trụ dù sao cũng rất hiện đại?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Đúng vậy, bởi vì một mình Không quân không thể nào giành chiến thắng. Cần phải có sự hỗ trợ rất đắc lực của Lục quân.

SP:- Tiện đây xin hỏi về chiến dịch trên bộ. Theo như tôi hiểu, mặc dù chúng ta thường xuyên tăng cường các cuộc không kích, nhưng hiện vẫn chưa có bước đột phá mang tính bước ngoặt nào trên bộ. Các cuộc tấn công của Quân đội Syria phát triển rất chậm.

Đại tướng Petr Deinhikin:- Bạn biết không, kinh nghiệm cuộc Chiến tranh Vệ quốc cho thấy, thậm chí trong thời gian đầu cuộc chiến Stalingard bộ binh của chúng ta không phải lúc nào cũng đi sau xe tăng.

SP:- Đấy có phải là vấn đề chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quân binh chủng?

Đại tướng Petr Deinhikin: - Không, đấy là vấn đề phải dùng hỏa lực chế áp đối phương trước khi các đơn vị tấn công. Bộ binh phải tấn công như người Đức đã từng làm. Và họ (người Đức) đã tiến đến tận Stalingrad. Nếu như gặp sức kháng cự mạnh – dừng lại và gọi không quân đến.

Tại Syria, có lẽ chưa có những phản ứng nhanh chóng như vậy của các đội quân (Syria) trên bộ để gọi không quân của chúng ta tấn công các điểm hỏa lực của đối phương. Các cố vấn của chúng ta cho đến tận hôm nay vẫn buộc phải tiếp tục hoàn thiện sự phối hợp giữa các máy bay cường kích, máy bay ném bom và máy bay lên thẳng hỗ trợ hỏa lực với các binh sỹ chỉ mục tiêu đang có mặt trong đội hình của lực lượng tấn công.

SP:- Trong đội hình chiến đấu của Quân đội Syria?

Đại tướng Petr Deinhikin: - Tất nhiên.

SP:- Đấy là các binh sỹ của chúng ta chỉ mục tiêu cho không quân hay là các sỹ quan Syria?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Không phải các sỹ quan Syria, đấy là các binh sỹ của chúng ta. Chỉ huy không quân của nước khác từ trên mặt đất là một công việc cực kỳ phức tạp và rất khó thực hiện (đối với các sỹ quan Syria –ND).

SP:- Như vậy có nghĩa là các binh sỹ Nga chỉ mục tiêu cho Không quân hiện đang chiến đấu ngay trên tuyến đầu?

Đại tướng Petr Deinhikin: - Tôi không thể đưa ra tuyên bố như vậy, bởi vì tôi không tham gia vào các hoạt động tác chiến (tại đó). Nhưng không thể làm khác như vậy được.

SP:- Ông có cảm giác là thậm chí danh mục các mục tiêu trong thời gian gần đây đang thay đổi, căn cứ vào những gì mà Bộ Quốc phòng thông báo cho chúng ta. Trước đó, người ta nói nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt các sở chỉ huy và đầu mối liên lạc.

Mặc dù tôi vẫn không hiểu một cách tường tận là liệu các chiến binh IS có những đầu mối liên lạc nào? Tôi cho rằng đấy là một người ngồi dưới tầng hầm một ngôi nhà ở với 2 chiếc điện thoại di động trong tay. Còn hiện nay, ngày càng có nhiều phát biểu về các đòn tấn công vào các kho dầu, các đoàn xe chở nhiên liệu. Có nghĩa là có một điều gì đó đã xảy ra nên buộc phải lựa chọn các ưu tiêu khác trong số các mục tiêu cần tiêu diệt?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi cho rằng, việc chuyển các nỗ lực không kích vào các sở chỉ huy sang các kho chứa đạn dược và nhiên liệu, sang các mục tiêu khác là tất yếu. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng bắt đầu từ việc tiêu diệt các sở chỉ huy tác chiến của đối phương.

Cần phải làm mù đối phương, làm cho đối phương mất liên lạc với các đơn vị. Sau đó chuyển đòn tấn công sang các kho, trung tâm huấn luyện các lực lượng vũ trang, các đoàn xe. Chính vì thế mà chuyển mục tiêu – đấy là một việc làm đúng quy luật.

Còn về nhận xét của bạn đối với các phương pháp điều hành của IS – nhận xét đấy là chính xác. Tất nhiên, hiện nay các điện thoại di động làm tăng khả năng chỉ huy điều hành một số đơn vị riêng biệt. Nhưng chúng ta, nói một cách trung thực, cũng có thể tấn công các điện thoại di động từ một cự ly rất xa.

 SP:- Tên lửa có thể nhằm vào một điện thoại di động đang hoạt động? Như đã từng làm để tiêu diệt Dudaev?

Đại tướng Petr Deinhikin: - Nếu theo bạn là như vậy, thì có nghĩa thực tế đã là như vậy. Nhưng chúng ta không thể tổ chức “săn” từng chiếc điện thoại di động được, vì cần rất nhiều công sức.

SP:- Petr Stephanovich, khi tất cả mới bắt đầu ngày 30/9, có lẽ ông, với tư cách là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong chi huy bộ đội, đã từng có ít nhiều dự đoán, chí ít nhất là cho bản thân mình là cuộc chiến tranh này sẽ diễn ra như thế nào. Có điều gì bất ngờ đối với ông trong hai tháng vừa qua? Có những gì mà ông đã không thể dự đoán được?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tất nhiên là tôi, qua cách cư xử và thái độ của các đồng nghiệp (trong Bộ Quốc phòng-ND), đã biết là Nga sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chống IS. Và cuộc chiến tranh đó đã bắt đầu một cách rất ấn tượng, ấn tượng đó thậm chí còn làm tôi cảm thấy thêm tự hào về Bộ đội đường không- vũ trụ của chúng ta. Đặc biệt, khi Không quân chiến lược tham chiến. Nó (chiến dịch-ND) cho thấy sức mạnh quân sự của chúng ta.

Nhưng, dĩ nhiên, tôi cũng như bất cứ người nào khác ở nước Nga không thể nào dự báo được những sự kiện như người Thổ bắn hạ máy bay ném bom của chúng ta. Cho đến nay, đấy là những gì hèn hạ nhất trong cuộc chiến tranh này.

Không những thế, đó còn là một hành động có tổ chức và được lên kế hoạch từ trước. Lẽ ra tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải qua các phương tiện thông tin điện tử cúi mình như người Nhật: xin lỗi, cam kết là những kẻ gây ra tội ác trên sẽ bị trừng phạt. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

SP:- Thưa đồng chí Đại tướng (nguyên văn) , một khi đã nói về thảm kịch với Su-24 của chúng ta, tôi muốn hỏi đồng chí: đồng chí hình dung như thế nào về sự kiện trên ?

Đấy là quyết định của Erdogan hay là mọi việc xảy ra quá nhanh nên phi công của máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ không đủ thời gian nhận lệnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ? Hay viên phi công này đã nhận lệnh bắn vào bất cứ mục tiêu nào vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đó và cứ thế là bấm nút phóng?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi nghĩ rằng đây là một chiến dịch có tổ chức. Máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ sản xuất kiểu F-16 cất cánh trước khi các máy bay của chúng ta xuất kích khoảng nửa giờ. Tôi cho rằng, có điệp viên đã báo trước cho người Thổ thông tin về việc các máy bay của chúng ta chuẩn bị cất cánh.

Họ (người Thổ) đã cho chiếc F-15 nói trên bay vào khu vực trực chiến trước. Có nghĩa là, đây là một cuộc phục kích có tổ chức. Và qua cách hành xử của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta thấy rõ một điều đó là một vụ khiêu khích và một cú đâm bằng dao vào sau lưng.

SP:- Nhân đây xin hỏi là đồng chí có để ý đến một việc là sau những gì xảy ra với chiếc máy bay ném bom của chúng ta, vào khoảng ngày 30/11, một máy bay khác của ta lại vi phạm không phận Israel. Đấy là chính người Israel tuyên bố như vậy. Nhưng họ (người Israel) cũng nói rằng họ không phải là người Thổ và không có ý định bắn hạ người Nga .

Trước đó, vào đầu tháng 10, chúng ta đã 2 lần bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể, trong điều kiện chiến tranh, ở một đất nước không lớn lắm như Syria, trong những điều kiện khi mà các trận chiến diễn ra dọc đường biên giới thì những sự cố dẫn đường (bay lạc vào không phận nước khác –ND ) cũng không thể loại trừ hoàn trong tương lai. Nhưng nếu như một cái gì đó tương tự (như đối với Su-24-ND) xảy ra thì liệu nó có là cái cớ để làm gia tăng sự đối đầu căng thẳng ở Trung Đông hay không?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tất nhiên, tại Syria, ngay cả trong thời bình cũng rất khó tránh khỏi việc máy bay “quệt cánh” vào không phận của nước khác. Ví dụ Israel cho thấy nên xử lý một cách đúng đắn những vi phạm nói trên như thế nào. Đấy là (vi phạm) không cố ý. Và không nên làm cho mọi việc trở nên quá căng thẳng đến mức độ như Thổ đã làm với chiếc Su-24.

Giữa chúng ta với người Mỹ ngay trong những năm chiến tranh lạnh cũng đã nhiều lần xảy ra những trường hợp tương tự. Khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các tàu sân bay Mỹ, họ đã cho các máy bay tiêm kích của Không quân NATO cất cánh và báo động hệ thống phòng không NORAD.

Và sau đó, khi các nước NATO triển khai các tên lửa có cánh phóng từ mặt đất tại phía Nam nước Anh, phía Bắc nước Ý và dọc biên giới Đức, từ 01/10/1985 chúng ta đã đáp trả bằng cách cho máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-95 bay trực chiến dọc bờ biển nước Mỹ. Cánh các máy bay tiêm kích họ sát ngay cánh máy bay của chúng tôi. Nhưng cả hai bên đều rất tôn trọng nhau và hiểu rằng điều gì có thể xảy ra (nếu đụng độ-ND).

SP:- Điều này đã không xảy ra ở Trung Đông?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Đúng. Ở Trung Đông đã không có cách hành xử như vậy. Và cụ thể hơn – trong cuộc chiến tranh này. Mặc dù cũng có những ví dụ khác. Cụ thể, việc tổ chức phối hợp giữa Không quân chiến đấu Nga với Không quân của Hải quân Pháp. Người Pháp xuất kích để bay đến Syria từ tàu sân bay Charles de Gaulle. Chúng ta và người Pháp đã thống nhất với nhau từ trước về tất cả mọi vấn đề. Ban đêm cho người Pháp, còn chúng ta làm việc ban ngày.

Nhìn chung, tôi nhắc lại, hoạt động tác chiến của Bộ đội đường không- vũ trụ Nga được tổ chức rất tốt. Tất cả đều ở mức đỉnh cao: từ vận chuyển vũ khí-đạn dược đến các chuyến bay sang Syria. Ở một chiến trường xa như vậy công tác tổ chức rất phức tạp.

Các tổ lái hoạt động không chê vào đâu được. Khi tiễn họ đi Syria, Tư lệnh Bộ đội đường không – vũ trụ Nga Viktor Bondarev nhấn mạnh: điều quan trọng nhất là tất cả các bạn đều trở về nhà. Lẽ ra tất cả họ đã có thể trở về nhà. Lẽ ra chúng ta đã không mất sỹ quan chỉ huy chiếc Su-24. Nhưng rất tiếc, họ (người Thổ) đã tổ chức việc bắn hạ chiếc Su một cách rất tệ, và trong trường hợp này thì chúng ta bất lực.

Thường thì khi có máy bay vi phạm không phận, cơ quan chức năng nước sở tại tìm cách liên lạc với chiếc máy bay đó qua liên lạc vô tuyến. Nếu như không liên lạc được qua sóng vô tuyến thì máy bay của nước đó bay cạnh chiếc máy bay vi phạm và nghiêng cánh vài lần, bay về phía trước để báo cho chiếc máy bay vi phạm là cần phải thay đổi hướng bay.

SP:- Còn một cách nữa, theo tôi biết, đó là bắn cảnh báo dọc theo hướng bay của chiếc máy bay vi phạm.

Đại tướng Petr Deinhikin:- Đấy là biện pháp thứ ba. Những chuyện như thế này đã xảy ra với chúng ta 2 lần. Đầu tiên là vụ việc bi thảm của chiếc “Boeing” Hàn Quốc (chở 269 hành khách, bị bắn hạ trên không phận Liên Xô ngày 1/9/1983 – ND) - chiếc máy bay đã bay rất lâu trên không phận Liên Xô. Nếu bạn còn nhớ, vụ đó đã kết thúc bằng một thảm kịch.

Ví dụ thứ hai – chuyến bay của Rust (phi công thể thao Đức lái chiếc Cessna172 Skyhawk hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ ngày 13/5/1987 - ND). Lẽ ra đã có thể tiêu diệt Rust một vài lần. Các phi công tiêm kích của chúng ta lái các máy bay mang cả pháo và tên lửa đã nhìn thấy Rust, bhưng lại cho rằng đấy là chiếc máy bay thể thao kiểu Iak-12. Và mọi việc đã kết thúc bằng một vụ “trảm hàng loạt” các cán bộ chỉ huy bộ đội phòng không của chúng ta.

SP:- Và không chỉ có thế. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Sokolov cũng bị cách chức.

Đại tướng Petr Deinhikin:- Có lẽ đây là một hành động chính trị được tính toán trước với mục đích loại bỏ tất cả những tướng lĩnh vốn là lính chiến trường trong giới chỉ huy Quân đội Xô Viết – những người đã được tôi luyện cả về chính trị và đạo đức. Nếu như những người lính dày dạn trận mạc đó không bị loại ra khỏi Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, thì tôi nghĩ rằng sự thay đổi chế độ xã hội trong đất nước chúng ta đã không diễn ra một cách bi thảm như nó đã xảy ra.

SP:- Thưa đồng chí Đại tướng, đồng chí có nhắc tới trình độ đảm bảo hậu cần rất cao cho cụm quân của chúng ta (tại Syria). Nhưng có một điều dễ nhận thấy lại tại Syria có nhiều chủng loại máy bay thực hiện cùng một chức năng. Hai kiểu máy bay ném bom chiến trường (chiến thuật) – Su-24 và Su-34.

Các máy bay lên thẳng chiến đấu Mi-24, Ka-52 và Mi-28. Như thế để làm gì? Bởi vì rất khó bảo đảm. Các phụ tùng thay thế khác nhau, nhiên liệu cũng khác nhau. Sự đa dạng đó có làm cho chiến dịch phức tạp hơn không?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Dĩ nhiên là có.

SP:- Thế thì tại sao lại như thế?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi nghĩ rằng, thời kỳ đầu chúng ta hy vọng chỉ sử dụng máy bay cường kích Su-25 và máy bay ném bom Su-24 là đủ. Bắt đầu từ những (kiểu máy bay) đơn giản, đã qua thử thách. Chỉ sau đó mới bổ sung thêm các máy bay và máy bay lên thẳng hiện đại hơn.

SP:- Đấy có phải là do đánh giá không đúng đối phương không?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi đã nói từ đầu là những lực lượng của chúng ta có mặt tại Syria trước cuối tháng 9 chỉ đủ để gây ấn tượng mạnh về Bộ đội đường không- vũ trụ của chúng ta trên TV và các phương tiện thông tin đại chúng điện tử thôi. Nhưng để tiến hành một cuộc chiến tranh nghiêm túc thì lực lượng như vậy là quá mỏng. Chính vì thế mà buộc phải tăng cường.

SP:- Trong bối cảnh quan hệ (Nga) với Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang căng thẳng, nhiều người nói về những hành động có thể diễn ra của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng chí đáng giá như thế nào về khả năng (chiến đấu) của Quân đội Thổ? Các khả năng đó có lớn không?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi không nghĩ là người Thổ sẽ đánh nhau với chúng ta. Mặc dù sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có nhiều lần các sự kiện phát triển theo hướng này (chiến tranh –ND). Khi tôi còn là một cậu bé, tôi còn nhớ, người Thổ bắt đầu triển khai các cụm quân lớn dọc biên giới phía nam nước ta.

SP:- Khi nào vậy?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Sau bài phát biểu nổi tiếng của Churchill tại Fulton cuối những năm 40. Khi đó giới lãnh đạo chính trị của chúng ta quyết định bổ nhiệm Nguyên soái Rokossovski làm Tư lệnh Quân khu Bắc Kapkaz. Và như thế là đủ để các cuộc điều quân (của Thổ Nhĩ Kỳ) bên kia biên giới chấm dứt.

Cũng y như vậy khi Liên Xô tan vỡ, người Thổ triển khai Tập đoàn quân số 3 của họ dọc biên giới Armenia. Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Nguyên soái Shaposhnhikov. Ông tuyên bố với một phóng viên là chúng tôi (Nga) có thể buộc phải đáp trả một cách cứng rắn những hành động phô trương sức mạnh (của Thổ Nhĩ Kỳ). Người Thổ dừng ngay các hoạt động triển khai quân.

Còn về sức mạnh của Quân đội Thổ - dĩ nhiên, đấy là một quân đội mạnh và vững vàng. Mạnh nhất ở Trung Đông. Nhưng không đủ sức đấu với Quân đội chúng ta.

SP:- Còn một chủ đề nữa. Trong cuộc chiến tranh này, chúng ta đã bất ngờ cho các “người bạn...” của chúng ta tận mắt nhìn thấy một số loại vũ khí - những loại vũ khí mà “những người bạn” đó có thể đã nghi ngờ là chúng ta có nhưng chưa được thấy bao giờ.

Nhưng dù sao thì những phân tích mỗi cuộc chiến tranh, thậm chí là một cuộc chiến tranh thắng lợi cũng cho thấy sau chiến tranh mới phát hiện ra những thiếu sót. Từ góc độ của một người chỉ huy không quân có tầm cỡ, đồng chí thấy chúng ta còn thiếu gì ở Syria? Cái gì cần phải khẩn trương đặt hàng các công trình sư?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Tôi cho rằng giới lãnh đạo mới của Bộ Quốc phòng và Bộ đội đường không- vũ trụ trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn, chỉ gần 2 năm đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ nhằm khôi phục sức mạnh tác chiến của Không quân.

Năm năm trước thời gian đó, các lực lượng vũ trang của chúng ta nằm dưới quyền chỉ huy của những người hoàn toàn khác - những người này dưới chiêu bài cải cách đã gây những tổn thất cực kỳ lớn cho sức mạnh chiến đấu của chúng ta. Đặc biệt là trong công tác đào tạo cán bộ. Không quân gần như bị đập tan. Người ta còn tước đoạt cả Sở chỉ huy chính của Tư lệnh Không quân. Đấy là một quyết định chưa hề có tiền lệ .

SP:- Sở chỉ huy chính đã được khôi phục lại chưa?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Nếu đã không làm như vậy, chúng ta đã không thể tiến hành chiến tranh một cách kịp thời và hiệu quả với bọn khủng bố ở Syria như đang làm.

SP:- Khi theo dõi cuộc chiến tranh ở Syria, đồng chí có tự hỏi: cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài bao lâu? Chúng ta còn phải đánh nhau ở Trung Cận Đông đến lúc nào? Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc có tòa nhà “Reichstag” (Tòa nhà Quốc hội Đức –ND) ở Berlin, chúng ta cắm cờ trên nóc tòa nhà đó – chiến tranh kết thúc. “Reichstag” ở Syria nằm ở đâu? Cái gì cần phải xảy ra để chúng ta có thể nói rằng đã có thể chấm dứt chiến dịch?

Theo tôi hiểu, không thể nào tiêu diệt hoàn toàn các nhóm khủng bố đang chiến đấu chống lại chúng ta và Assad được. Dù có ném bom nhiều đến mấy cũng không thể diệt hết được. Một phần trong số bọn chúng sẽ vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ , một phần – sang Jordanie, một phần khác – sang Iraq. Các vụ khủng bố và tấn công Syria sẽ tiếp tục diễn ra. Khi đó thì cuộc chiến tranh hiện nay sẽ kết thúc như thế nào?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Câu hỏi ấy, có lẽ không phải dành cho một tướng lĩnh, mà nên dành cho một nhà phân tích chính trị. Nếu như tôi có thể dự báo được những sự kiện như vậy, thì có lẽ đã không phục vụ trong Quân đội, mà ở một cơ quan nào đó.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng hiện giờ quả bóng đang nằm bên phía các nhà chính trị. Tôi không nhìn thấy bất kỳ một lối thoát nào, ngoài việc đạt được những thỏa thuận ở cấp độ chính trị. Sẽ không có bất kỳ “Reichstag” nào ở Syria (đánh dấu kết thúc chiến tranh - ND). Cần “một bàn tròn” của lãnh đạo tất cả các nước liên quan để chấm dứt chiến tranh.

SP:- Như vậy có nghĩa là không có một giải pháp quân sự cho cuộc chiến tranh này?

Đại tướng Petr Deinhikin:- Đấy là quan điểm cá nhân của tôi . Tôi cho rằng chúng ta (Nga) không thể bẻ gãy hoàn toàn sự kháng cự của IS. Ở đây không có “Reichstag”. Đây là một cuộc nội chiến.

Theo Lê Hùng

Đất Việt