Đại sứ Thuỵ Điển - Hoa khôi làng ngoại giao
Nếu có cuộc thi sắc đẹp dành cho nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Đại sứ Thụy điển Anna Lindstedt hẳn sẽ đoạt vương miện.
Vẻ đẹp mặn mà, kiêu sa đậm chất Bắc Âu của bà giúp các cuộc hội nghị trở nên sinh động hơn. Song người phụ nữ này không chỉ có vậy…
Từ phóng viên trở thành nhà ngoại giao
Các quan chức nước ngoài vẫn quen gọi đồng nghiệp của họ là “hoa khôi” khiến người phụ nữ 46 tuổi, là mẹ của 4 con cảm thấy ngượng. Ấy là ngoài hành lang hội thảo liên quan đến những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam (VN), còn lúc đăng đàn bà trở nên sắc sảo, già dặn và nhiệt tình đến lạ.
Thấm thoắt cũng đã 3 năm ở VN, bà Anna đã kịp đi tới gần 60 tỉnh, thành phố. Sinh ra, lớn lên ở xứ Lund, miền Nam Thụy Điển, nữ sinh Anna khởi nghiệp bằng nghề báo sau khi tốt nghiệp trường báo chí. Cũng vì thế nhà báo Anna thường gọi cánh phóng viên VN là đồng nghiệp.
Bà Anna nói 5 năm lăn lộn với các tờ báo lớn ở Thụy Điển là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng, tạo cho bà phông kiến thức, sự năng nổ và cả những miếng “võ” bí truyền trong làng báo.
Bước chân vào Bộ Ngoại giao, cựu phóng viên Anna có thêm ba tấm bằng đại học nữa cùng với khả năng tuyệt vời về ngoại ngữ. Nói thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Italia và những năm làm việc tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Pakistan, Indonesia, bà kịp học thêm cả tiếng địa phương. Tại VN, bà Anna rất thích tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Tuy vậy sau gương mặt luôn rạng ngời, quyến rũ cũng chất chứa không ít nỗi niềm. Có nhiều lời khen cho những thành công, Anna tâm sự rằng nhiều khi bà cảm nhận được sự ghen tị không chỉ của nam giới mà còn của các đồng nghiệp nữ. “Người ta cũng làm việc chăm chỉ, cũng vất vả lăn lộn với cuộc sống nhưng không có được thành công” - Bà nói.
Từ những trải nghiệm của mình, Anna cho rằng thành công của một phụ nữ, ngay cả ở đất nước Thụy Điển luôn khuyến khích phụ nữ phát triển, cũng khó khăn gấp bội so với nam giới. Ngoài sự chăm chỉ và tài năng, Anna thú thực rằng bà đã rất may mắn khi được đặt đúng vị trí, đúng thời điểm để phát huy khả năng của mình.
Được hỏi liệu sự quyến rũ có phải là một thế mạnh, Anna vội thanh minh rằng đừng nhìn bên ngoài để đánh giá: “Thực ra tôi là một phụ nữ rất bướng bỉnh và chính cá tính này cũng góp phần vào sự thành công”.
Nhưng Anna cũng không thể giải thích được vì sao bà luôn nhận được sự ủng hộ, khuyến khích và tôn trọng từ bạn bè, đồng nghiệp, quan chức … ở bất kỳ nơi đâu bà từng đặt chân đến tại VN.
Khi vợ “cao” hơn chồng
| |
Bà Anna cùng chồng (phải) tiếp Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson khi ông sang thăm VN (2004) |
Chồng của nhà ngoại giao chỉ là một người đàn ông bình thường, nhưng Anna nhất mực nói rằng thành công của bà có sự hy sinh thầm lặng của ông.
Theo vợ con đến VN, ông Anders Nordstrom dạy tiếng Anh, các môn khoa học xã hội và thể thao tại Trường Quốc tế Hà Nội, nơi 4 đứa con của họ theo học. Với câu hỏi “Liệu có vấn đề gì không trong một gia đình “đũa lệch”?”, Anna cho biết người Thuỵ Điển không phân biệt công việc nhà dành cho phụ nữ hay đàn ông nên chồng bà cũng cảm thấy rất bình thường.
Ông cũng là người thường xuyên tư vấn cho bà về thời trang, nhắc bà đi bơi hoặc chạy mỗi khi rảnh để luôn giữ được vẻ quyến rũ. Trong 14 năm qua kể từ khi sinh đứa con trai đầu lòng, vợ chồng bà Anna chưa từng có “Ôsin” như nhiều gia đình ở VN, vì thế họ thường phải chia sẻ việc nhà, dạy dỗ con cái. Trước khi nhận cương vị mới, bà luôn trao đổi để nhận lời khuyên từ chồng.
Cũng chính ông Anders đã khuyên bà nên sang VN với lời động viên rằng ông sẽ chăm sóc con cái, làm việc nhà để bà hoàn thành nhiệm vụ.
Bà tâm sự: “Thú thật, đôi khi tôi cảm thấy rất mệt mỏi, thấy có lỗi vì không dành nhiều thời gian cho con cái. Chồng tôi phải hi sinh vì tôi. Mỗi khi tôi chuyển ra nước ngoài làm việc, nay đây mai đó, đáng ra anh ấy đã có thể nhận được việc làm tốt hơn, vị trí cao hơn”.
Hạnh Diễm
Theo Tiền phong