1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đài Loan muốn nối lại đàm phán quyền đánh bắt

Ngày 1/10, trong cuộc họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Yoshihiko Noda nhận định Nhật không có ý định sử dụng Tòa án Công lý quốc tế của LHQ để giải quyết căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc vì không có tranh chấp nào tồn tại ở quần đảo này.

 

Cùng ngày, theo hãng tin Kyodo (Nhật), cơ quan tuần duyên Nhật thông báo một tàu tuần tra lãnh thổ Đài Loan và bốn tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào sáng và trưa 1-10.

 

Hôm trước đó, theo báo Asahi Shimbun (Nhật), 7.708 thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển vào Trường Cơ quan tuần duyên Nhật. Số thí sinh tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái, nâng tỉ lệ chọi lên 1-40 vì trường chỉ nhận 190 thí sinh.

 

Tại lãnh thổ Đài Loan, hãng tin CNA đưa tin ngày 1-10, phát biểu tại cuộc điều trần trước cơ quan quốc phòng và đối ngoại thuộc cơ quan lập pháp Đài Loan, đại diện chính quyền Đài Loan tại Nhật Thẩm Tư Thuần cho biết Đài Loan sẽ tiếp tục thảo luận với Nhật về việc nối lại đàm phán song phương về quyền đánh bắt của ngư dân Đài Loan ở khu vực biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Ông phủ nhận thông tin của báo chí Đài Loan nói Đài Loan đã từ chối nối lại đàm phán vì Nhật không ghi nhận tranh chấp tồn tại ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vì tinh thần chống Nhật ở Đài Loan.

 

Ông giải thích vòng đàm phán thứ 17 trước đây đã dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10, tuy nhiên do bối cảnh hai bên còn căng thẳng nên thời gian tổ chức đàm phán cần điều chỉnh lại. Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được kết quả cụ thể trong đàm phán. Ông cho biết vẫn chưa xác định ngày ông trở lại Nhật.

 

Nghị sĩ Thái Hoàng Lang của đảng Dân chủ tiến bộ (đối lập) đã hối thúc ông Thẩm Tư Thuần nhanh chóng trở lại Nhật để thảo luận các vấn đề như đánh bắt cá, trao đổi thông tin tình báo quân sự và các dự án củng cố hợp tác kinh tế.

 

Ngược lại, nghị sĩ Lâm Uất Phương của Quốc dân đảng (cầm quyền) lại yêu cầu ông Thẩm Tư Thuần không cần vội vã trở lại Nhật vì Đài Loan cần tận dụng cơ hội Nhật đang bị làn sóng chỉ trích từ Trung Quốc và Đài Loan để giành quyền mặc cả tốt hơn.

 

Theo Thạch Anh
Pháp luật TPHCM