1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đài Loan lên tiếng sau khi Formosa xin lỗi và bồi thường vụ gây cá chết ở Việt Nam

(Dân trí) - Cơ quan ngoại giao Đài Loan kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam tuân thủ các quy định về môi trường, tôn trọng luật pháp và các quy định ở quốc gia sở tại, chung vai thực hiện các trách nhiệm xã hội.


Đại diện Formosa Hà Tĩnh xin lỗi do xả thải gây cá chết hàng loạt ở Việt Nam. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Đại diện Formosa Hà Tĩnh xin lỗi do xả thải gây cá chết hàng loạt ở Việt Nam. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Hôm qua 30/6, ngay sau khi lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa, chính thức xin lỗi và cam kết bồi thường do gây ra tình trạng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, cơ quan ngoại giao của Đài Loan đã lên tiếng.

Trong thông báo trên trang chủ, Cơ quan ngoại giao Đài Loan nói rằng họ tôn trọng thỏa thuận giữa Formosa Hà Tĩnh với Chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi đã liên hệ với phía Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau khi Chính phủ Việt Nam công bố kết quả điều tra vào chiều nay”, Vivien Lien, một quan chức Cơ quan ngoại giao Đài Loan, cho biết. Quan chức trên cũng bày tỏ hy vọng rằng sự việc này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng hối thúc nhà đầu tư Đài Loan ở nước ngoài cần tôn trọng luật pháp và các quy định ở quốc gia sở tại, chung vai thực hiện các trách nhiệm xã hội để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Đài Loan hay thậm chí hủy hoại mối quan hệ đối ngoại của Đài Loan.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi đại diện Formosa Hà Tĩnh chiều qua 30/6 đã lên tiếng xin lỗi vì hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, kéo theo tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Formosa Hà Tĩnh cũng cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế 500 triệu USD.

Báo chí quốc tế phản ánh


Cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. (Ảnh: Getty)

Cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. (Ảnh: Getty)

Sự việc Formosa Hà Tĩnh chính thức xin lỗi và cam kết bồi thường đã gây sự chú ý không chỉ dư luận quốc tế.

Bloomberg đưa tin: “Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan đã chính thức nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ xả thải khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam”. Bloomberg cũng dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt 2 tháng qua, các nhà điều tra đã phải đích thân kiểm tra hàng trăm cơ sở để tìm ra nguồn gốc xả thải gây ô nhiễm.

Trong khi đó, Thời báo Phố Wall trích nguyên văn lời xin lỗi của ông Chen Yuan-Cheng - Chủ tịch của Formosa Hà Tĩnh tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân chiều qua: "Chúng tôi chân thành xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh miền Trung, bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chúng tôi cam kết sẽ bồi thường cho những thiệt hại kinh tế gây ra cho người dân và để xử lý ô nhiễm và khôi phục các điều kiện tự nhiên ở 4 tỉnh". Tờ báo cũng dẫn lại việc trước đó Formosa Hà Tĩnh đã phủ nhận trách nhiệm khi nói rằng đã dành 45 triệu USD để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy thép ở Việt Nam.

Trong một bài viết về sự kiện, tờ Diplomat đặt tít: “Chính thức: Chi nhánh của Formosa gây cá chết hàng loạt ở Việt Nam”. Diplomat dẫn lại báo cáo của Chính phủ với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Theo đó, Formosa Hà Tĩnh đã xả ra biển các chất thải công nghiệp chứa độc tố như phenol, cyanide và sắt hydroxide khiến cá chết hàng loạt.

Tờ Nikkei của Nhật Bản thì đánh giá rằng, 500 triệu USD có thể nói là mức bồi thường thiêt hại môi trường lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay và sẽ được dùng một phần để hỗ trợ các ngư dân trong vùng ảnh hưởng, tạo công ăn việc làm, tái sinh môi trường biển.

Trả lời phỏng vấn Nikkei tối qua 30/6, ông Chang Fu-Ning, Phó chủ tịch điều hành của Formosa Hà Tĩnh, nói rằng, doanh nghiệp này cảm thấy vô cùng hối hận và hoàn toàn tôn trọng kết quả điều tra của Việt Nam. “Chúng tôi sẽ bồi thường cho Việt Nam 500 triệu USD trong vòng 2 đến 3 tháng. Hiện giờ chúng tôi không có ý định để dự án gang thép hoạt động tối đa công suất cho đến khi giải quyết xong vụ việc”.

Minh Phương

Tổng hợp