Những khoản đền bù "khủng" vì sai phạm của Formosa
(Dân trí) - Các thành viên trong Tập đoàn Nhựa Formosa (Formosa Plastics Group), Đài Loan từng nhiều lần bị giới chức Đài Loan, Mỹ phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Dù vậy việc phải bồi thường 500 triệu USD do sự cố tại nhà máy ở Việt Nam là chưa từng có.
Tập đoàn Formosa có tên đầy đủ Formosa Plastics Group (FPG), được thành lập tại Đài Loan năm 1954. Kể từ đó đến nay, tập đoàn này đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ chỗ chỉ chuyên sản xuất hạt nhựa PVC ban đầu, sang các ngành dệt, nhuộm, gang thép, hóa dầu, vật liệu điện tử, máy móc, vận tải…
Dù vậy, cùng với quá trình mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là rất nhiều bê bối về gây ô nhiễm môi trường đi kèm các án phạt hàng triệu USD.
Tháng 10/1990, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã yêu cầu Formosa. USA tại Texas nộp phạt 8,3 triệu USD, do vi phạm quy định về rác thải, theo tờ New York Times. EPA cáo buộc Formosa đã để hóa chất độc hại ethylene dichloride (EDC) phát tán ra môi trường, cùng việc đổ thẳng EDC vào hệ thống xử lý nước thải.
Sau quá trình điều đình, cuối cùng công ty này đã chấp nhận bồi thường 3,375 triệu USD. Cũng trong năm đó, nhà máy hóa chất của Formosa tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana đã đồng ý nộp phạt 65.000 USD vì gây ô nhiễm không khí.
Năm 1991, Formosa tiếp tục bị EPA phạt 3,7 triệu USD vì vi phạm quy định quản lý rác thải độc hại, sau khi cơ quan này phát hiện nguồn nước ngầm tại khu vực Point Comfort, Texas, nơi công ty này đặt nhà máy bị ô nhiễm.
Tháng 1/2013, một tòa án tại Victoria, Texas tiếp tục yêu cầu Formosa nộp phạt gần 1,5 triệu USD do không thực thi đúng các cam kết năm 2010 với EPA, về việc lắp đặt các thiết bị phát hiện rò rỉ hóa chất và thiết bị sửa chữa.
Trước đó, theo AP, năm 2009 hai chi nhánh của Formosa tại Texas và Louisiana từng bị yêu cầu nộp phạt 2,8 triệu USD vì vi phạm các quy định về giám sát rò rỉ hóa chất, quản lý rác thải độc hại và quy định về nước thải. Hai công ty này khi đó cam kết với EPA sẽ chi 10 triệu USD để nâng cấp và lắp đặt thiệt bị. Tuy nhiên họ đã không thực hiện đầy đủ và bị xử phạt năm 2013.
Đây mới chỉ là một vài trong số nhiều án phạt Formosa phải nhận trên đất Mỹ, trong đó bang Delaware năm 1986 từng yêu cầu nhà máy Formosa tại đây đóng cửa 30 ngày, do bị phát hiện xả thải vinyl chloride, một hóa chất độc gây ung thư gan, não, dạ dày, theo Houston Press.
Tại Campuchia, năm 1999, Formosa bị phát hiện đã chuyển 3.000 tấn rác thải chứa chì, được trộn lẫn với xi măng để qua mắt lực lượng hải quan, hãng tin AP đưa tin. Tập đoàn Đài Loan này sau đó đã thừa nhận rằng, số rác thải trên được tạo ra từ một thập niên trước ở Đài Loan, và hãng buộc phải đưa ra nước ngoài bởi cư dân hòn đảo này sống gần nhà máy xử lý rác phản đối quá mạnh mẽ.
Một công nhân cảng tại Campuchia đã chết đầy bí ẩn chỉ một ngày sau khi làm vệ sinh cho con tàu chở rác thải độc hại. Hai người lượm nhặt rác tại khu vực Formosa đổ chất thải sau khi thông quan cũng tử vong.
Sau đó chính quyền Campuchia đã buộc Formosa phải chuyển toàn bộ số rác thải ra khỏi nước này. Nhiều cuộc biểu tình, bạo động đã nổ ra khi người dân Campuchia giận dữ với các quan chức tham nhũng đã cho thông quan lô rác thải độc hại.
Thanh Tùng
Tổng hợp