1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại dịch Covid-19 sẽ ra sao trong 6 tháng tới?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nếu bất kỳ ai hy vọng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm của đại dịch Covid-19 trong vòng 3-6 tháng tới, các nhà khoa học có một số dự báo không mấy lạc quan về viễn cảnh này.

Đại dịch Covid-19 sẽ ra sao trong 6 tháng tới? - 1

Thi thể một nạn nhân Covid-19 được chôn cất ở Selangor, Malaysia hồi tháng 8 (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều nhà khoa học dự đoán, thế giới sẽ phải tiếp tục chứng kiến những gì đã xảy ra với đại dịch Covid-19 trong 3-6 tháng tới.

Các đợt bùng phát dịch mới sẽ khiến các trường học phải đóng cửa. Những người trong viện dưỡng lão dù đã được tiêm chủng vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm mới. Người lao động sẽ phải cân nhắc rủi ro khi quay trở lại làm việc, trong khi các bệnh viện một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải.

Các chuyên gia cho rằng gần như mọi người sẽ bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng trước khi đại dịch kết thúc. Hai điều này có thể cùng xảy ra. Một số người không may mắn sẽ bị nhiễm virus nhiều hơn một lần.

Cuộc chạy đua giữa các làn sóng lây nhiễm dẫn đến các biến chủng virus mới và cuộc chiến tiêm chủng toàn cầu sẽ không kết thúc cho đến khi virus lây lan tới gần như tất cả mọi người.

"Tôi cho rằng những đợt bùng phát dịch sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, dịch sẽ giảm xuống, có khả năng giảm đáng kể. Nhưng sau đó, tôi nghĩ chúng ta có thể chứng kiến một đợt bùng phát khác vào mùa thu và mùa đông năm nay", Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết.

Khi hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và cơ hội tiêu diệt hoàn toàn virus rất thấp, dịch Covid-19 được dự đoán sẽ bùng phát nhiều hơn trong các lớp học, trên các phương tiện giao thông công cộng và nơi làm việc trong những tháng tới, nhất là khi các nền kinh tế đang thúc đẩy mở cửa trở lại. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, vẫn luôn có một bộ phận người dân dễ bị ảnh hưởng trước Covid-19 như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không được tiêm chủng, và những người đã tiêm chủng nhưng vẫn bị nhiễm virus do suy giảm miễn dịch sau tiêm.

Theo các chuyên gia, vài tháng tới sẽ khoảng thời gian khó khăn trong cuộc chiến với Covid-19. Một trong những nguy cơ chính có thể xảy ra là một biến chủng virus kháng vắc xin phát triển. Dù vậy, đây vẫn chưa phải là nguy cơ duy nhất.

"Chúng ta sẽ thấy những đợt bùng phát dịch bùng lên và lắng xuống ít nhất là trong vài năm tới, khi chúng ta tiêm chủng nhiều vắc xin hơn. Nhưng thách thức đặt ra là: quy mô của các đợt bùng phát dịch đó sẽ lớn như thế nào và cách nhau bao lâu? Chúng ta không biết. Nhưng tôi có thể nói rằng, trận cháy rừng do virus corona gây ra sẽ không dừng cho đến khi thiêu rụi tất cả", chuyên gia Osterholm nhận định.

Không thể xóa sổ hoàn toàn virus

Đại dịch Covid-19 sẽ ra sao trong 6 tháng tới? - 2

Một thợ mỏ được tiêm vắc xin Covid-19 tại Nam Phi hồi tháng 8 (Ảnh: Bloomberg).

Theo Lone Simonsen, nhà dịch tễ học và là giáo sư về khoa học y tế dân số tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch, 5 đại dịch cúm được ghi nhận trong 130 năm qua đã cho thấy một số dự báo về cách thức hoạt động của Covid-19.

Bà Simonsen cho biết dịch cúm toàn cầu lâu nhất kéo dài 5 năm, chủ yếu gồm 2-4 đợt bùng phát lớn kéo dài trung bình 2-3 năm. Covid-19 được đánh giá là một trong những đại dịch nghiêm trọng hơn, khi trong gần 2 năm, thế giới đã chứng kiến 3 đợt bùng phát và đợt bùng phát thứ 3 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Covid-19 có thể sẽ không đi theo xu hướng của các đại dịch trước. SARS-CoV-2 là mầm bệnh mới, khác biệt và có khả năng lây nhiễm cao hơn. Kể từ khi bùng phát từ cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến hơn 4,6 triệu người thiệt mạng, cao hơn gấp hơn 2 lần so với bất kỳ đợt bùng phát dịch nào kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Dù đã trải qua những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào năm ngoái và có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, các quốc gia như Mỹ, Anh, Nga và Israel vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao gần đây. Tiêm chủng giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong, nhưng số ca nhiễm tăng lên đồng nghĩa với việc virus đang tìm đến những người trẻ tuổi và những người vẫn chưa được tiêm chủng, dẫn đến tỷ lệ ca bệnh nặng ở những nhóm này tăng lên.

Các quốc gia có tiêm chủng thấp hơn như Malaysia, Mexico, Iran và Australia đang chứng kiến đợt bùng phát dịch lớn nhất do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan. Trong khi virus vẫn đang lây lan ngoài tầm kiểm soát tại nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, một biến chủng mới có thể tiếp tục xuất hiện.

Theo Simonsen, lịch sử cho thấy quan niệm rằng virus sẽ tự động mất đi theo thời gian là sai lầm. Mặc dù các đột biến mới không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hơn so với các đột biến trước đó, nhưng các đại dịch có thể gây chết chóc nhiều hơn vì virus đang tìm cách thích nghi với vật chủ mới.

Trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát, các chuyên gia hy vọng vắc xin sẽ có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Tuy nhiên, số ca nhiễm trên toàn cầu vẫn tăng lên do các đột biến xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Covid-19 có thể giống như bệnh cúm, đòi hỏi phải tiêm vắc xin thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ khi virus tiến hóa.

Một kịch bản khác tồi tệ hơn có thể xảy ra trong những tháng tới là sự xuất hiện của một loại virus cúm mới hoặc một loại virus corona khác lây từ động vật sang người.

Đại dịch Covid-19 sẽ ra sao trong 6 tháng tới? - 3

Khách hàng được kiểm tra tình trạng tiêm chủng vắc xin bên ngoài một quán bar ở San Francisco, Mỹ hồi tháng 8 (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc trong 6 tháng tới. Các chuyên gia đồng tình rằng, đợt bùng phát dịch hiện tại sẽ được kiểm soát khi phần lớn mọi người - khoảng 90-95% dân số toàn cầu - có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc do từng nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học rằng, nhấn mạnh yếu tố then chốt vẫn là vắc xin.

"Nếu không tiêm chủng, con người ta rất dễ bị nhiễm bệnh, vì virus SARS-CoV-2 sẽ lây lan rộng rãi và đe dọa hầu hết mọi người vào mùa thu và mùa đông năm nay", chuyên gia Simonsen cho biết.

Erica Charters, phó giáo sư về lịch sử y học tại Đại học Oxford, cho rằng đại dịch sẽ kết thúc vào những thời điểm khác nhau ở những khu vực khác nhau, giống như những đợt bùng phát trước đó. Theo đó, các chính phủ sẽ phải tự quyết định mức độ sống chung với dịch bệnh trong khả năng của mình.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của từng nước sẽ khác nhau. Trong khi một số quốc gia vẫn đang theo đuổi chiến lược "Zero-Covid" (Không Covid-19), thực tế cho thấy thế giới không có khả năng loại bỏ hoàn toàn virus.

"Quá trình Covid-19 kết thúc sẽ không đồng nhất. Đại dịch là một hiện tượng sinh học, nhưng cũng là một hiện tượng chính trị và xã hội", chuyên gia Charters nói.

Đại dịch Covid-19 sẽ để lại hậu quả lâu dài trong nhiều năm tới. Cho đến lúc đó, hầu hết thế giới vẫn phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh trong nhiều tháng tới.

"Bất kỳ ai nghĩ rằng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này trong vài ngày hoặc vài tháng tới là hoàn toàn sai lầm", chuyên gia Osterholm nhận định.