1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đặc nhiệm không quân Anh bí mật tiêu diệt IS

Tờ Daily Mail của Anh vừa tiết lộ thông tin về Lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) thuộc quân đội Anh, một đơn vị tinh nhuệ đã bí mật thực hiện một loạt cuộc đột kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào ban đêm bằng xe bốn bánh.

Theo các nguồn tin quốc phòng ngày 23/11, các binh sĩ thuộc đơn vị chiến đấu tinh nhuệ SAS đã tiêu diệt tới 8 tên khủng bố IS mỗi ngày trong các cuộc đột kích kiểu này suốt bốn tuần qua. Hiện nay, SAS mới chỉ công khai vai trò của họ là thực hiện vai trò do thám ở Iraq và không tham chiến. Tuy nhiên, theo tờ Daily Mail, một vài nhóm binh sĩ nhỏ của SAS đã được trực thăng Chinook thả xuống vùng lãnh thổ do IS kiểm soát để trực tiếp tiêu diệt chúng.

Bằng các cuộc đột kích bí mật, SAS đã tiêu diệt 200 tên IS trong vòng bốn tuần
Bằng các cuộc đột kích bí mật, SAS đã tiêu diệt 200 tên IS trong vòng bốn tuần

Các mục tiêu của IS được xác định trước bằng máy bay không người lái từ căn cứ của SAS hoặc do chính các binh sĩ SAS trên thực địa xác định. Họ di chuyển bằng loại xe bốn bánh chạy trên mọi địa hình, có trang bị súng máy, tới các đơn vị của IS và tấn công chúng bất ngờ vào ban đêm. Một nguồn tin SAS tiết lộ: “Chiến thuật của chúng tôi là gieo rắc nỗi sợ Chúa vào IS vì chúng không biết chúng tôi sẽ tấn công ở đâu tiếp và nói thẳng ra là chúng không thể làm gì để ngăn chặn chúng tôi. Chúng tôi làm suy sụp tinh thần của chúng. Chúng có thể chạy trốn nếu nhìn thấy máy bay trên trời nhưng chúng không thể nhìn hay nghe thấy chúng tôi”.

Ngoài ra, các binh sĩ SAS còn dùng chiến thuật sử dụng rất nhiều lính bắn tỉa khiến nỗi sợ hãi của IS càng dâng cao. Bọn khủng bố không biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng chỉ nhìn thấy đồng bọn nằm chết trên cát. Sứ mệnh bí mật này đã diễn ra gần như hàng ngày trong suốt bốn tuần qua.

Các cuộc tấn công theo kiểu du kích của của SAS nhằm vào các tuyến đường tiếp tế chính của IS khắp miền tây Iraq và các chốt kiểm soát xe cộ do IS lập ra để thực hiện các vụ bắt cóc và đòi tiền của các lái xe địa phương.

Trước khi bắt đầu một cuộc đột kích, các chỉ huy SAS thường phải xem các đoạn băng dài hàng tiếng đồng hồ mà các máy bay không người lái ghi được để tìm mục tiêu tấn công. Họ cũng phải nghe các đoạn đối thoại thu lén được giữa các phần tử IS để xác định ai là thủ lĩnh.

Sau khi xác định được một mục tiêu, các binh sĩ tập trung lại để nhận mệnh lệnh hành động. Họ rời căn cứ bí mật và lên trực thăng. Trên trực thăng có chở sẵn xe bốn bánh. Phi công sẽ thả họ tại tọa độ được đánh dấu từ trước, cách mục tiêu 80 km để IS không nghe thấy tiếng ồn phát ra từ trực thăng. Các binh sĩ SAS lên xe bốn bánh, chuẩn bị sẵn sàng súng máy và súng trường Barrett.

Mục tiêu các cuộc đột kích của SAS là làm suy giảm khả năng chiến đấu của IS trước thềm cuộc tấn công vào mùa xuân năm 2015 của 200.000 binh sĩ Iraq và người Kurd. Theo kế hoạch, Anh sẽ cử khoảng 300 cố vấn quân sự để huấn luyện cho lực lượng này, trong đó tập trung vào bộ binh và huấn luyện các kỹ năng rà phá thiết bị nổ. Khi chiến dịch tấn công bắt đầu, các cố vấn Anh vẫn sẽ sát cánh cùng các đơn vị Iraq nhưng sẽ không tham chiến trực tiếp.

Tuy nhiên, các chuyên gia về Trung Đông hoài nghi về thành công của chiến lược chống IS mà Anh vạch ra. Giáo sư Gareth Stansfield thuộc Đại học Exeter cho rằng IS giờ đã mạnh hơn các tổ chức khủng bố trước đây và đã rút kinh nghiệm từ các nhóm này. Trong khi đó, các lựa chọn của Anh tại thời điểm này gặp nhiều khó khăn và có thể để lại nhiều hậu quả không mong muốn, lôi kéo nhiều nước phương Tây sa lầy hơn vào khu vực. Theo ông, Anh hiện vẫn chưa có giải pháp thực tiễn cho vấn đề IS.

Theo Thùy Dương