1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đã có 200 người Việt tại Libăng đăng ký di tản

Thông tin mới nhất từ đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho hay, đến ngày hôm nay, danh sách người Việt đăng ký di tản khỏi Libăng đã lên tới con số 200 người. Những đợt sơ tán đầu tiên sẽ được tiến hành vào cuối tuần này hoặc chậm nhất là đầu tuần tới.

Ba phương án di tản

 

ÔNg Nguyễn Quốc Nam, trợ lý cao cấp của IOM tại Việt Nam cho biết, phương án di tản được tính tới chủ yếu là dùng xe buýt chuyên dụng của tổ chức này đưa các công dân Việt Nam đến tập kết tại Syria. Sau đó, IOM có thể thuê riêng một chuyến bay chở toàn bộ số người này về Việt Nam hoặc mua vé máy bay thương mại cho từng người.

 

Về mức độ an toàn trong khi di chuyển, ông Nam cho biết, phía IOM đang làm việc với Israel và các bên tham chiến, thông báo rõ ràng ngày giờ xuất phát, lịch trình đoàn đi, dấu hiệu thông báo (cờ, tín hiệu) xe đang chuyên chở công dân nước nào.

 

Dấu hiệu nhận biết các đoàn xe của IOM: hai bên thành xe và trên nóc xe sơn sọc xanh trắng, có logo của IOM, để dễ nhận biết. Vì thế, đại diện của IOM cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho những người sơ tản là đáng tin cậy.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi về các phương án dự phòng trong trường hợp tuyến đường bộ tới Syria bị phá hoại nghiêm trọng, ông Nam cho biết, IOM cũng tính tới việc sẽ chuyển địa điểm tập kết sang Ai Cập (nơi có trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam) hoặc đi bằng đường thuỷ tới đảo Síp rồi từ đó chuyển qua máy bay về Việt Nam.

 

Trong bối cảnh hiện nay, việc di chuyển bằng tàu thuỷ là phương án an toàn nhất. Tuy nhiên, phương án này gặp phải những khó khăn nhất định vì rất đông công dân các nước cũng đang xếp hàng chờ sơ tán bằng đường thuỷ trong khi sức chứa của bến cảng hạn chế.

 

Trong khi đó, hôm nay, quốc đảo Síp đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ ngay lập tức từ châu Âu bởi họ không đủ khả năng tiếp nhận thêm người sơ tán nữa. Tính tới thời điểm này, có tới 35 ngàn người từ Libăng tập trung tại đảo Síp, hầu hết là công dân các nước Mỹ và châu Âu.

 

Beirut sẽ là điểm tập kết

 

IOM VN cung cấp thêm một số địa chỉ liên lạc của IOM tại Beirut (Lebanon):

 

- Điện thoại nóng: +96 170972520 (trực 24/24h). Fax: +96 11347681

 

- Ông Fouad Diab: +96 13567167

 

- Ông Martin: +96 279640581

Phương án IOM đang lên kế hoạch hiện nay là thông báo đến các công dân Việt Nam đang ở Libăng tập kết tại Beirut trước khi lên đường. Tuy nhiên, trong tình trạng chiến sự ở Libăng đang diễn ra khốc liệt và việc 200 công dân Việt Nam ở phân tán nhiều nơi, nên việc tập trung sẽ mất nhiều công sức.

 

Ở một phương diện khác, trong tình trạng liên lạc khó khăn hiện nay, IOM cho rằng sẽ cố gắng hết sức để thông báo tin tức địa điểm tập trung tới những người Việt Nam, và tập trung di tản hết số người trong danh sách đã đăng ký với IOM, chứ không cam kết sẽ di chuyển hết toàn bộ.

 

"Có rất nhiều người Việt Nam sang đó để làm ăn, và hiện nay họ chưa nhận được tiền công. Một số khác hiện đang ở những vùng an toàn. Vì vậy, việc về hay ở phụ thuộc vào quyết định của các công dân đó", ông Nguyễn Quốc Nam giải thích.

 

Anh Bùi Văn Dũng, đầu mối thông tin của cộng đồng người Việt tại Libăng cũng cho biết, một số người Việt nấn ná chưa muốn về do chủ giữ tiền lương và đã bỏ đi di tản (số tiền lên tới hơn 2000 USD).

 

Tuy nhiên, IOM cũng sẵn sàng tiếp nhận di tản những công dân Việt Nam đến tập trung muộn, hoặc quyết định "về sau". Họ sẽ được ghép chung với những nhóm công dân các nước khác.

 

Ông Nam cho hay, lao động VN chỉ cần có giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc giấy thông hành là có thể được giúp đỡ rời Libăng mà không cần làm đơn. Những lao động này sẽ được chỉ dẫn tới nơi tập trung để di tản.

 

Chiều nay (26/7), ông Trần Việt Tú (tham tán Đại sứ quán VN tại Ai Cập) đã lên đường sang Libăng để hỗ trợ các công dân Việt.

 

Ồng Tú là người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở khu vực Trung Đông. Chính ông Tú là người hỗ trợ, tham gia việc sơ tán 17.000 công nhân lao động Việt Nam khỏi Iraq khi chiến tranh vùng Vịnh nổ ra năm 1991.

 

Nhiệm vụ sang Beirut lần này của ông Trần Việt Tú là giúp đỡ các công dân Việt Nam gặp khó khăn do mất giấy tờ, làm các thủ tục cần thiết một cách nhanh nhất, để rời Libăng theo lịch trình của IOM sắp tới.

 

Đại diện IOM tại VN cho biết, ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức gửi văn bản đề nghị tổ chức này giúp di tản công dân VN khỏi Libăng. Nhận định về thời điểm đề nghị này, ông Nam cho rằng là "kịp thời chứ không phải là muộn".

 

Hà Trường - Việt Lâm

 Vietnamnet