1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cựu tướng NATO dự đoán thời điểm Ukraine - Nga ngừng bắn

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu tướng NATO Hans-Lothar Domröse đã nhận định bối cảnh mà ông tin rằng Nga và Ukraine sẽ đồng ý đình chiến và bắt đầu đàm phán để chấm dứt xung đột.

Cựu tướng NATO dự đoán thời điểm Ukraine - Nga ngừng bắn - 1

Xe tăng Ukraine tiến về Kherson (Ảnh: Getty).

"Tôi dự đoán một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được vào đầu mùa hè, khi cả hai bên nhận ra rằng họ không đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc xung đột. Lệnh ngừng bắn sẽ đạt được trong năm 2023", Hans-Lothar Domröse, một sĩ quan quân đội Đức và là cựu tướng NATO, nhận định với trang tin Ukrainska Pravda của Ukraine.

Ông Domröse cho rằng, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 nhiều khả năng sẽ là thời điểm xảy ra tình trạng bế tắc trên chiến trường. "Đó sẽ là thời điểm cho các cuộc đàm phán ngừng bắn", ông Domröse, người từng giữ các vị trí cấp cao trong lực lượng quốc tế ở Afghanistan và sau đó là trong các cơ quan chỉ huy của NATO ở châu Âu, cho biết.

Tuy nhiên, cựu tướng NATO nhấn mạnh lệnh ngừng bắn không có nghĩa là hòa bình, mà chỉ là tạm dừng xung đột. "Các cuộc đàm phán có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn và cần có một bên trung gian hòa giải", ông Domröse nói.

Theo ông Domröse, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hoặc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là những nhân vật có thể đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cựu tướng NATO nhận định, quá trình đàm phán chấm dứt chiến tranh có thể gặp khó khăn, vì cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều đưa ra các yêu cầu mà bên còn lại khó có thể đồng ý.

Ông Domröse cho biết, để đàm phán với Nga, Tổng thống Ukraine có thể từ bỏ yêu cầu sáp nhập ngay lập tức các vùng lãnh thổ như bán đảo Crimea vào Ukraine, thay vào đó đồng ý một giai đoạn chuyển tiếp cho quá trình này. Trước đó, Crimea đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 1/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng việc huy động quân sự một phần của Nga, bắt đầu hồi tháng 9, cho thấy Moscow không có kế hoạch chấm dứt chiến sự trong tương lai gần.

"Tất cả những điều đó cho thấy Nga đang chuẩn bị tiếp tục cuộc chiến và cũng đang tìm cách tiến hành một cuộc tấn công mới", ông Stoltenberg nhận định.

Người đứng đầu liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu cũng khẳng định, phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và các hình thức hỗ trợ khác cho Ukraine. Theo Tổng thư ký NATO, "đó là cách duy nhất để thuyết phục Nga rằng họ phải ngồi xuống đàm phán một cách thiện chí và tôn trọng Ukraine như một quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu".

"Những gì Ukraine có thể đạt được xung quanh bàn đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh trên chiến trường", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" nước láng giềng. Đầu tháng 10, Nga thông qua sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine. Kiev khẳng định không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Trong khi đó, Nga nhiều lần cho biết sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng không chấp nhận các điều khoản mà Kiev và phương Tây đưa ra, đặc biệt liên quan đến các vùng lãnh thổ.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm