Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore giành giải Nobel Hoà bình
(Dân trí) - Uỷ ban giải Nobel Na Uy chiều ngày 12/10 đã chính thức tuyên bố trao giải Nobel Hoa bình cho cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore và Uỷ ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Trong buổi lễ công bố giải thưởng, Uỷ ban Nobel cho biết họ đã được tôn vinh vì “những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tuyên truyền kiến thức về sự thay đổi khí hậu do con người gây ra”.
Uỷ ban giải Nobel Na Uy cũng ghi nhận đóng góp của những người nhận giải trong việc tạo nền tảng cho những biện pháp cần thiết nhằm đối phó với sự thay đổi khí hậu.
Ông Al Gore từng là phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Bill Clinton và kể từ đó ông đã tích cực tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Uỷ ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) gồm 3.000 nhà khoa học và là cơ quan có uy tín nhất thế giới về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Phát biểu sau khi biết tin được trao giải thưởng Nobel, ông Al Gore nói: “Tôi vô cùng vinh dự khi nhận được giải thưởng Nobel Hoà bình. Cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là một vấn đề chính trị. Đó là thách thức tinh thần và đạo đức đối với toàn nhân loại”.
Bộ phim “An Inconvenient Truth” (Tạm dịch: Một sự thật phiền phức), phim tài liệu của cựu phó tổng thống Al Gore về đề tài sự nóng lên của khí hậu, đã giành giải Ocar 2007 cho phim tài liệu hay nhất. Trước khi Uỷ ban Nobel công bố kết quả, ông Al Gore cũng được dự đoán là nhiều khả năng sẽ giành giải Nobel hoà bình.
Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore cho biết ông muốn tài trợ số tiền nhận được từ giải Nobel Hoà bình cho Quĩ bảo vệ môi trường “Alliance for Climate Protection”, một tổ chức phi lợi nhuận do chính ông lập ra.
IPCC, được thành lập năm 1988, là cơ quan khoa học hàng đầu Liên Hợp Quốc về sự thay đổi khí hậu. IPCC đã đưa ra nhiều báo cáo, xem xét và đánh giá những thông tin khoa học kỹ thuật về biến đổi khí hậu trong hai thập kỷ qua.
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày mất của nhà khoa học Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy. Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, thì tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.
Ánh Ninh
Theo BBC, AP, Wiki