1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc tranh giành nảy lửa gia tài "khủng" của các hậu duệ hoàng gia Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù không còn vai trò chính thức trong xã hội Ấn Độ, nhưng các gia đình hoàng gia ở nước này vẫn sở hữu khối tài sản khổng lồ và điều đó đang châm ngòi cho cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các hậu duệ.

Cuộc tranh giành nảy lửa gia tài khủng của các hậu duệ hoàng gia Ấn Độ - 1

Rambagh Palace, một cung điện hoàng gia Ấn Độ, nay đã trở thành khách sạn 5 sao (Ảnh: Instagram).

Tuần trước, cuộc chiến pháp lý giữa hậu duệ của gia đình hoàng gia từng cầm quyền tại bang Jaipur đã khép lại nhờ một dàn xếp ngoài tòa án. Cuộc đối đầu giữa này gay gắt tới mức phía chính quyền phải dàn xếp một bên trung gian hòa giải để tháo gỡ mâu thuẫn giữa các thành viên thuộc gia tộc 900 tuổi, và là một trong những gia đình hoàng gia giàu nhất Ấn Độ.

Tổng tài sản của gia tộc trên rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD. Trong vụ kiện tụng, các tài sản được dư luận chú ý là 2 cung điện được cải tạo thành các khách sạn 5 sao. Hai bất động sản này được định giá hơn một tỷ USD vào thời điểm hiện tại.

Theo thỏa thuận, Devraj Singh và chị gái Lalitya Kumari - cháu của Maharani Gayatri Devi, cựu nữ hoàng của Jaipur từ năm 1940-1949 - sẽ lấy lại khách sạn Jai Mahal Palace từ những người chú của họ và họ sẽ phải trả lại cổ phần ở khách sạn Rambagh Palace.

Trong một vụ kiện tụng căng thẳng khác, Ambalika Devi - em gái của Mandhatasinh Jadeja, "vua" thứ 17 của bang Rajkot trước đây thuộc bang Gujarat, miền tây Ấn Độ - nộp đơn kiện vào tháng 9 để nhằm phản đối di chúc của cha bà về các bất động sản trị giá 3 tỷ USD.  Trong khi anh trai của Devi nói rằng, bà đã nhận được phần chia gia tài công bằng, Devi cáo buộc di chúc của cha đã bị giả mạo để giảm phần của bà.  

Hàng thập niên sau khi mất đi vai trò chính thức trong xã hội Ấn Độ, nhiều các hậu duệ từ các gia đình hoàng gia nước này, giờ đang vướng vào những cuộc chiến tranh giành gay gắt khối tài sản khổng lồ.

Năm 1972, chính phủ Ấn Độ bỏ lương hưu nhà nước tài trợ cho các thành viên hoàng gia. Các hậu duệ chính thức trở thành thường dân sau khi việc sử dụng tước hiệu cũng dừng lại

Tuy nhiên, việc bị xói mòn quyền lực trong xã hội đã gây nên tâm lý bất an trong các hậu duệ gia đình hoàng gia. Nó cũng làm phát sinh hàng loạt yêu cầu và phản đối liên qua tới những tài sản còn lại cho tới nay, từ cung điện, nông trại, cho tới kim cương, xe ngựa, tranh quý…

Cuộc tranh giành nảy lửa gia tài khủng của các hậu duệ hoàng gia Ấn Độ - 2

Một khẩu đại bác dát vàng của một gia đình hoàng gia Ấn Độ (Ảnh: Twitter).

Nhiều các vụ việc đã thu hút sự chú ý trong suốt thập niên vừa qua, khi con cái, cháu chắt, họ hàng, cha mẹ đưa nhau ra tòa.

Năm 2013, các thành viên của gia đình Gaekwad - người cai trị công quốc Baroda ở Gujarat từ thế kỷ 18 đến năm 1947 đã xử lý thành công lùm xùm pháp lý kéo dài 20 năm. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vì gia sản của họ gồm một cung điện lớn gấp 4 lần điện Buckingham của Hoàng gia Anh, nhiều viên kim cương kích thước lớn, xe ngựa, đại bác dát vàng nặng hơn 100 kg, đồ dùng vàng bạc, và nhiều bất động sản khác.

Ngọn nguồn căng thẳng

Giới quan sát cho biết, những tranh chấp bùng phát trong nội bộ các gia đình hoàng gia là một phần là do giá bất động sản tăng. "Không giống như những năm 1970 khi giá đất không quá cao, giờ đây các vụ kiện tụng trong gia đình hoàng gia liên quan tới việc giá trị bất động sản tăng vọt", Pratibha Gokhle, luật sư về quyền dân sự tại New Delhi, cho biết.

Ngoài ra, các tranh chấp về gia tài cũng liên quan tới luật phân chia tài sản, quy định về quyền kế vị trong các gia đình hoàng gia. "Khác với các gia đình bình thường khi tài sản thường được chia cho các con, tại gia đình hoàng gia, người con cả sẽ thừa kế toàn bộ tài sản. Điều này gây ra bất mãn từ những người con khác trong gia đình", luật Gokhle nói.

Với sự thay đổi của trong quan điểm xã hội, việc loại hậu duệ nữ ra khỏi danh sách thừa kế cũng được xem là phân biệt đối xử và bất công. Vì vậy, phụ nữ bắt đầu đâm đơn kiện để đòi quyền lợi.

Ví dụ, 3 người con gái của Harinder Singh Brar, cựu vương trị vì bang Faridkot trong lịch sử vào năm 2013 từng thắng cuộc chiến pháp lý kéo dài 2 thập niên để thừa kế gia tài hơn 4 tỷ USD, sau khi một tòa án ở Chandigarh, bang Punjab ra phán quyết rằng bản di chúc của cha họ đã bị giả mạo.

Khác với thế hệ trước, khi di chúc để lại hiếm khi bị phản đối, thế hệ hậu duệ ngày nay - những người đã được đi học ở nước ngoài và giao tiếp với thế giới bên ngoài - dễ nảy sinh bất mãn với những điều mà họ cho rằng bất công và sẽ đấu cho tới cùng để bảo vệ quyền lợi của họ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm