1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc khủng hoảng giá lương thực: “Sóng thần ngầm”

(Dân trí) - Giá lương thực toàn cầu tăng vọt có thể đẩy lùi mọi cố gắng chống đói nghèo của thế giới, và nếu vấn đề không được giải quyết, an ninh cũng như sự phát triển của toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm qua cảnh báo.

Tổng thư ký LHQ Ki-moon phát biểu trong hội nghị về phát triển và thương mại của LHQ ở Accra, Ghana, tây Phi, cho biết: “Vấn đề giá cả lương thực toàn cầu có thể lấy mất 7 năm…của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”. LHQ đã đề ra 8 mục tiêu để cải thiện đời sống của con người trên khắp thế giới cho tới năm 2015.

 

“Nếu vấn đề không được giải quyết triệt để, thì cuộc khủng hoảng này có thể là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng khác…. và trở thành vấn đề đa chiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và thậm chí là an ninh chính trị trên khắp thế giới”, ông Ki-moon cảnh báo.

 

Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ chỉ là người mới nhất cảnh báo về ảnh hưởng của giá lương thực toàn cầu tăng đến chóng mặt hiện nay. Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó cũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước phát triển tăng cường hỗ trợ cho công cuộc chống đói nghèo toàn cầu.

 

Trước đây, các cuộc nổi loạn ở Haiti đã khiến vấn đề lương thực thế giới được đặc biệt quan tâm. Nhưng vài tuần trở lại đây, hàng chục ngàn người trên khắp thế giới, không chỉ có ở châu Phi mà còn ở châu Mỹ Latinh, châu Á, đã phải xếp hàng chờ hàng cứu trợ của LHQ.

 

Hôm nay 22/4, Thủ tướng Anh Brown đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh gồm các nhà làm chính sách và các chuyên gia, trong đó có Tổ chức lương thực thế giới, nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng giá lương thực hiện nay.

 

Còn tại LHQ, Tổng thống hai nước Mỹ Latinh Bolivia và Peru cảnh báo việc phát triển nhiên liệu sinh học đang đe dọa đến cuộc sống của những nghèo nhất thế giới.

 

Trong khi đó, tại châu Á, một số quốc gia đã có những biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực đang leo thang. Nông dân Thái Lan đã quyết định trồng thêm một vụ lúa nữa nhằm tăng sản lượng. Chính phủ Trung Quốc cũng ra quy định hạn chế dùng ngũ cốc để sản xuất năng lượng, và quy định không được tự do dùng đất canh tác cho mục đích công nghiệp.

Theo Tổ chức lương thực thế giới, ít nhất 80 triệu người đang bị bỏ đói. “Chỉ số đói nghèo của thế giới đang tăng lên”, giám đốc tổ chức này Josette Sheeran cho biết. “Đó là một trận sóng thần ngầm, không khoan nhượng bất kỳ biên giới nào – song hầu hết mọi người lại không biết họ đang bị “chịu trận” bởi điều gì”. Đó là giá cả lương thực trên khắp thế giới tăng với tốc độ của tên lửa.

 

“Một trận bão tố lớn đã nổi lên quanh vấn đề này, tích hợp của nhiều nhân tố, giá nhiên liệu tăng cao, hiện tượng sản xuất nhiên liệu sinh học, nơi các cánh đồng từng được dùng để sản xuất lúa gạo cho con người nay lại dùng để sản xuất nhiên liệu”, Greg Barrow, người phát ngôn của Tổ chức lương thực thế giới tại London cho biết.

 

Đối với hầu hết người phương Tây, họ chỉ tiêu tốn khoảng 10% thu nhập cho thực phẩm. Vì vậy vấn đề giá lương thực tăng cao chỉ là một sự phiền toán. Tuy nhiên, đối với những người dân ở nước nghèo, họ phải chi tới 80% thu nhập cho thực phẩm hàng ngày. Ở Haiti, thậm chí lương thực phân phát của LHQ cũng không đủ để cho nhiều người bị đói. Họ buộc phải đi đào bới các bãi rác để nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể ăn được.

 

Theo một chuyên gia về khủng bố, sự tuyệt vọng này trên khắp thế giới có thể đe dọa đến Mỹ. “Các nhóm chống Mỹ như al-Qaeda sẽ có thể huy động những người dân đang bị cuộc khủng hoảng lương thực làm cho nản lòng”, giáo sư Vanda Felbab-Brown, một chuyên gia an ninh tại Đại học Georgetown và Học viện Brookings cho biết.

 

Cũng theo Barrow, cuộc khủng hoảng lương thực đã bị các nhà buôn tư nhân làm cho tồi tệ hơn, bởi họ đầu cơ một lượng lớn lương thực để đẩy giá tăng cao hơn nữa.

 

“Chắc chắn thế giới có đủ lương thực cho người dân trên toàn cầu”, ông nhận định. “Chính cách tiếp cận với lương thực mới là vấn đề, chính những người mua sắm, đi chợ ở các nước nghèo hơn mới cảm thấy họ không thể mua được lương thực. Và sự thất vọng, chán nản ngày càng tăng cao”.

 

Đó là lý do vì sao Barrow cùng những người khác cho rằng bão tố vẫn đang tiếp tục lớn lên.

 

Phan Anh
Theo ABC