1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc họp “bí ẩn” của Triều Tiên giữa vòng vây khó khăn

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhiều đồn đoán đã được đưa ra để “giải mã” cuộc họp quan trọng của ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên giữa lúc nước này phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh và lũ lụt.

Cuộc họp “bí ẩn” của Triều Tiên giữa vòng vây khó khăn - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 19/8 chủ trì một cuộc họp quan trọng của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận và quyết định một vấn đề “quan trọng”.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) chỉ cung cấp một vài thông tin ít ỏi về cuộc họp, nói rằng cuộc họp sẽ “thảo luận và quyết định một vấn đề quan trọng trong phát triển cách mạng Triều Tiên, cũng như gia tăng hiệu quả chiến đấu của đảng”.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua, Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên nhóm họp. Theo hãng tin Bloomberg, sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đối mặt với khó khăn trên nhiều “mặt trận”, cả ở trong và ngoài nước.

Lũ lụt đã tàn phá nhiều khu vực đồng ruộng tại Triều Tiên, tiếp tục giáng thêm một đòn vào nền kinh tế vốn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay vẫn bị đình trệ và Triều Tiên chưa được nới lỏng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.

Trong khi đó, hai đồng minh Mỹ - Hàn tuần này đã khởi động các cuộc tập trận quân sự chung khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên.

“Việc đảng Lao động Triều Tiên tổ chức liên tiếp các cuộc họp bất thường trong những tháng gần đây, thậm chí việc Triều Tiên không có nhiều động thái trên mặt trận đối ngoại như các vụ thử vũ khí, cho thấy các biện pháp cách ly và đại dịch toàn cầu đã có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế và mức sống của người dân (Triều Tiên)”, Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên của chính quyền Mỹ, nhận định.

Triều Tiên tuyên bố nước này cho đến nay vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản và Mỹ vẫn nghi ngờ tuyên bố này. Giới phân tích cho rằng, dịch Covid-19 đã mang lại nguy cơ lớn cho một đất nước còn gặp nhiều khó khăn cho Triều Tiên và hệ thống y tế của nước này có thể bị quá tải trước sự bùng phát của dịch bệnh.

Sự kiện hôm nay là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên từ sau cuộc họp kéo dài 4 ngày vào cuối tháng 12 năm ngoái, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi bước “đột phá” trong việc xây dựng nền kinh tế và an ninh quốc gia. Ông Kim Jong-un khi đó cũng cảnh báo Tổng thống Donald Trump rằng Triều Tiên không còn bị ràng buộc bởi cam kết với Mỹ về việc dừng các vụ thử tên lửa.

Cuộc họp quan trọng sau nhiều tháng

Cuộc họp “bí ẩn” của Triều Tiên giữa vòng vây khó khăn - 2

Truyền thông Triều Tiên ngày 19/7 công bố bức ảnh ông Kim Jong-un thị sát nông trại gà Kwangchon đang được xây dựng. (Ảnh: KCNA)

Các cuộc họp quan trọng của đảng Lao động Triều Tiên thường dẫn đến sự thay đổi trong bộ máy nhân sự chủ chốt. Giới phân tích cho rằng cuộc họp lần này có thể trao thêm quyền lực cho bà Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong-un, đồng thời xử lý những cán bộ không làm tốt công tác chống dịch hoặc phát triển kinh tế.

Tại cuộc họp của bộ chính trị Triều Tiên tuần trước, ông Kim Jong-un đã thay thế vị trí thủ tướng mà ông mới bổ nhiệm hơn 1 năm, dỡ bỏ phong tỏa chống dịch tại thành phố Kaesong ở biên giới phía nam. Ông Kim cũng tuyên bố không nhận viện trợ lương thực từ nước ngoài vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Lũ lụt cũng ảnh hưởng tới Triều Tiên kể từ đầu tháng này. 38 North, tổ chức theo dõi và phân tích tình hình Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, hôm 12/8 công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy lũ lụt đe dọa trạm bơm làm mát lò phản ứng hạt nhân Yongbyon ở tỉnh Bắc Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng hơn 100 km về phía bắc.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul và từng làm cố vấn cho chính quyền Hàn Quốc trong nhiều năm qua, nhận định ông Kim Jong-un cần hối thúc giới chức Triều Tiên thúc đẩy nền kinh tế trước lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết sẽ đạt được những thành tựu lớn ở trong nước để đề cao tinh thần của cuộc cách mạng Triều Tiên, như mở một bệnh viện mới có quy mô lớn ở Bình Nhưỡng.

“Ông Kim có thể sẽ cải tổ bộ máy của ông ấy trong cuộc họp để đẩy mạnh việc khắc phục những thiệt hại gây ra bởi lũ lụt và dịch Covid-19 gần đây trước ngày 10/10. Cuộc họp có thể sẽ nhấn mạnh những vấn đề liên quan tới chính trị nội bộ, đặc biệt là kinh tế”, giáo sư Yang nhận định.

Nền kinh tế Triều Tiên gặp nhiều khó khăn sau khi ông Kim Jong-un quyết định đóng cửa biên giới hồi tháng 1 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Năm nay, nền kinh tế Triều Tiên được dự đoán sẽ bị thâm hụt nhiều nhất kể từ năm 1997.

Sản xuất nông nghiệp là thành phần quan trọng của nền kinh tế Triều Tiên và đang đặt ra cho ông Kim Jong-un bài toán khó khăn khi phải đương đầu với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Một nền kinh tế yếu hơn có thể làm giảm bớt vị thế của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, khiến Bình Nhưỡng gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên sẽ thu hẹp chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, Triều Tiên có thể sẽ thực hiện chiến thuật “hoãn binh”. Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu phân hạch và tên lửa để tạo thêm uy thế, sẵn sàng “ứng phó” với bất kỳ ai lên làm tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Theo hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã kêu gọi nâng cấp một nhóm làm việc với Mỹ để giúp cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, chính quyền Trump không mặn mà với việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm mở đường cho các dự án kinh tế của Hàn Quốc với Triều Tiên.

Thông báo về cuộc họp quan trọng của Triều Tiên được đưa ra cùng ngày Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận quân sự chung. Tuy nhiên, Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố cứng rắn để phản đối động thái tập trận của Mỹ - Hàn.

Theo Bộ trưởng Lee, sự im lặng của Triều Tiên trước cuộc tập trận của liên minh Mỹ - Hàn phù hợp với xu hướng kín tiếng của Triều Tiên trong việc đưa ra các bình luận và phát ngôn về chính sách đối ngoại từ cuối năm ngoái.

“Lý do chính dường như là Triều Tiên cần tập trung vào các vấn đề nội bộ ở thời điểm này”, Bộ trưởng Lee nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm