1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc gặp gỡ giữa hai nước đông dân nhất thế giới

(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2004, nhằm thúc đẩy mối quan hệ vốn không mấy nồng ấm giữa 2 cường quốc tại châu Á.

Quan hệ giữa 2 quốc gia đông dân nhất và nhì thế giới đồng thời cũng là những người hàng xóm tại châu Á đã bị tổn hại do những tranh chấp về biên giới và cuộc xung đột năm 1962. Nhưng dù còn những mâu thuẫn, Trung Quốc đang nổi lên là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ sau Liên minh châu Âu và Mỹ, với thương mại song phương đã tăng gấp đôi lên 37 tỉ USD trong 2 năm qua.

 

Chuyến công du kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Singh, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong vòng 5 năm qua, là cơ hội để hai bên giải quyết những tranh chấp liên quan tới biên giới, xây dựng lòng tin và tăng cường thương mại giữa 2 nước.

 

Sandra Polaski, giám đốc thương mại của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức nghiên cứu chính trị quốc tế có trụ sở tại Washington D.C, nhận định: “Một mối quan hệ thương mại phát triển sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và Ấn Độ”.

 

Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Singh dự kiến có các cuộc cuộc hội đàm với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Chủ tịch quốc hội Ngô Bang Quốc.

 

Thảo luận thương mại

 

Phát biểu khi vừa đặt chân tới Bắc Kinh, Thủ tướng Singh nói: “Tôi đến đây với tinh thần cởi mở để tổ chức các cuộc thảo luận tự do và thẳng thắn về tất cả các vấn đề hai nước cùng quan tâm… Mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ ngày nay đã vượt qua khuôn khổ song phương lên tầm chiến lược và toàn cầu”.

 

Cuộc gặp gỡ giữa hai nước đông dân nhất thế giới - 1
 Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo duyệt đội danh dự tại thủ đô Bắc Kinh.

 

Chuyến thăm của ông Singh diễn ra trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang bùng nổ và các cuộc hội đàm dự kiến sẽ tập trung vào việc thúc đẩy kim ngạch thương mại 2 chiều lên 40 tỷ USD vào năm 2010.

 

Khoảng 5 hợp đồng lớn trong các lĩnh vực khác nhau, như đường sắt, nhà ở... dự kiến sẽ được ký kết.

 

Ngoại trưởng Ấn Độ Shiv Shankar Menon nói: “Chúng tôi muốn bán nhiều hàng hoá hơn vào Trung Quốc và vì thế chúng tôi đã thành lập nhóm nghiên cứu. Trong vài năm qua, thương mại đã nghiêng về phía Trung Quốc và chúng tôi hi vọng sẽ thay đổi điều này”.

 

Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 4 tỉ USD lên 9,6 tỉ USD vào năm 2006 và dự kiến sẽ tăng lên 12 tỉ USD vào cuối năm tài chính 2007.

 

Bên cạnh sự hợp tác, sự canh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng khốc liệt không kém vì hai nước điều là những nền kinh tế đang phát triển mạnh, cùng tìm kiếm các thị trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên giống nhau.

 

Tranh cãi biên giới

 

Các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh dự kiến cũng sẽ tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết sau cuộc xung đột biên giới năm 1962. Kể từ năm 2003 đến nay, chủ đề này đã trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán đặc biệt.

 

Mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ cũng trở nên phức tạp khi Bắc Kinh tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại về sự gia nhập của Ấn Độ trong “trục dân chủ” bao gồm Nhật Bản, Australia và Mỹ.

 

Hồi tháng 12 năm ngoái, Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên trong lịch sử nhằm xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau.

 

VTH

Theo BBC