1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua tàu ngầm kiềm tỏa Trung Quốc tại Thái Bình Dương

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định cuộc đua tàu ngầm tại Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng nóng lên trong bối cảnh các nước, đặc biệt là Mỹ, tìm cách đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc trong khu vực.

Cuộc đua tàu ngầm đối phó Trung Quốc tại Thái Bình Dương - 1

Một tàu ngầm của hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 12/2, Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ, cho biết sự phát triển về công nghệ của Trung Quốc đã làm mất đi lợi thế quân sự của Washington ở trên bầu trời và trong không gian vũ trụ. Tuy nhiên ông Davidson khẳng định Mỹ vẫn giữ lợi thế nếu xét về lực lượng tàu ngầm.

“Việc tiếp tục đóng tàu ngầm là vô cùng quan trọng. Đây là lợi thế lớn nhất của chúng ta trong tất cả các mặt trận hiện nay”, Đô đốc Mỹ nói.

Theo Song Zhongping, chuyên gia quân sự tại Hong Kong, bình luận của ông Davidson là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ điều thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân tới khu vực, bao gồm các tàu lớp Virginia và lớp Los Angeles được trang bị ngư lôi, tên lửa Tomahawk và tên lửa chống hạm.

“Washington nhận thấy mối đe dọa lớn từ Hải quân Trung Quốc. Công nghệ tiêu diệt tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên uy lực hơn. Chỉ công nghệ tàu ngầm tấn công hạt nhân mới có thể tạo ra lợi thế áp đảo so với quân đội Trung Quốc”, chuyên gia Song nhận định.

Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho rằng Washington nên hối thúc các đồng minh và đối tác trong khu vực nâng cấp lực lượng tàu ngầm và năng lực tác chiến của họ.

“Toàn bộ tàu ngầm của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân, do vậy chúng yên tĩnh hơn, tàng hình tốt hơn với năng lực tấn công mạnh hơn so với tàu ngầm Trung Quốc”, chuyên gia Li nói.

Hồi đầu tháng, Australia, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, đã thông báo sẽ ký thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD để chế tạo hạm đội gồm 12 tàu ngầm lớp Attack với hãng đóng tàu Naval Group của Pháp.

Các tàu ngầm này dự kiến sẽ được thiết kế và đóng mới tại Australia. Đây là một phần trong Kế hoạch Đóng tàu Quốc gia trị giá 90 tỷ AUD (khoảng 63,94 tỷ USD) của Australia.

Trong khi đó, Hindustan Times đưa tin bộ quốc phòng Ấn Độ hồi tháng trước cũng đã phê chuẩn dự án trị giá 5,6 tỷ USD để đóng 6 tàu ngầm tối tân nhằm nâng cấp lực lượng tác chiến dưới biển. Bản tin tiết lộ rằng dự án này sẽ giúp hải quân Ấn Độ đối phó với sự mở rộng nhanh chóng của hạm đội tàu Trung Quốc.

Theo chuyên gia Li, cả Australia và Ấn Độ đều có thể sử dụng các tàu ngầm của họ để chặn các tàu hải quân Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương hoặc Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Các tàu ngầm tấn công có thể đóng vai trò tốt hơn so với các tàu nổi. Chúng có thể do thám các tàu chiến của Trung Quốc trong khu vực hoặc tiến hành các cuộc tấn công tàng hình nếu cần thiết. Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử dụng để chặn các tuyến hàng hải then chốt tại Ấn Độ Dương hoặc eo biển Malacca hay Biển Đông”, chuyên gia Li nhận định.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng ngoài việc đưa thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân tới khu vực, Mỹ cũng có thể triển khai thêm vũ khí chống ngầm để đối phó với hạm đội ngày càng đông của Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP