Cuộc đua phê chuẩn thành viên nội các của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Ông Trump đang cố gắng thúc đẩy Thượng viện Mỹ sớm phê chuẩn các ứng viên bộ trưởng được ông đề cử. Tuy nhiên, quá trình này có thể còn mất nhiều thời gian.
Hôm 20/1, tân Ngoại trưởng Marco Rubio trở thành vị quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Donald Trump được Thượng viện phê chuẩn. Ông Rubio nhận được sự ủng hộ tuyệt đối - 99 phiếu thuận và 0 phiếu chống, với người duy nhất không thể bỏ phiếu là chính bản thân ông.
Tuy nhiên, con đường với những ứng viên khác có thể sẽ không bằng phẳng như vậy. Giữa lúc Washington có tình trạng chia rẽ đảng phái gay gắt, nhiều ứng viên nội các có thể chỉ nhận được số phiếu vừa đủ.
Thậm chí, chỉ một số ít thượng nghị sĩ Cộng hòa không ủng hộ cũng có thể khiến họ không thể nhậm chức. Đó là lý do ông Trump đang phải tính đến phương án "lách luật" bằng cách ký quyết định bổ nhiệm trong lúc Thượng viện tạm nghỉ.
Quá trình tốn thời gian
Các phiên điều trần được coi là phép thử đối với sức ảnh hưởng của ông Trump lên các thượng nghị sĩ. Ông Trump đã yêu cầu phe Cộng hòa tại Thượng viện sớm phê chuẩn nội các của ông - điều mà lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune cam kết sẽ thực thi.
Ngay từ trước khi nhậm chức, các tổng thống đắc cử thường cố gắng nhanh chóng đề cử những cái tên trong nội các mới và gửi tới Thượng viện.
Các đề cử này sẽ được gửi đến các ủy ban trong Thượng viện để xem xét. Các ủy ban sẽ tổ chức điều trần để có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho ứng viên. Các thủ tục này có thể được thực hiện trước khi tổng thống mới chính thức nhậm chức.
Sau đó, các thành viên trong ủy ban sẽ bỏ phiếu về ứng viên trước khi trình lên toàn thể Thượng viện. Thượng viện sẽ tổ chức tranh luận và bỏ phiếu về việc phê chuẩn chính thức. Thủ tục này chỉ có thể thực hiện sau ngày nhậm chức của tổng thống 20/1.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, thời gian phê chuẩn ứng viên có xu hướng kéo dài hơn do phe đối lập ít hợp tác hơn với đảng cầm quyền.
Theo tổ chức nghiên cứu Trung tâm chuyển giao tổng thống, quá trình phê chuẩn các quan chức của nhánh hành pháp giờ đây kéo dài hơn gần ba lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, một ứng viên trung bình mất 69,4 ngày để hoàn tất thủ tục. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, con số đó là 192 ngày.
Tuy nhiên, việc phê chuẩn các quan chức trong nội các thường nhanh hơn các vị trí khác. Tính từ năm 1981, các vị trí trong nội các thường được phê chuẩn trong 25 ngày - so sánh với con số 112 ngày của các vị trí khác.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, 9 người được phê chuẩn trong vòng một tháng kể từ khi tổng thống nhậm chức. Trong khi đó, con số của chính quyền Biden là 6 người.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mất nhiều thời gian. Ông Sonny Perdue, ứng viên Bộ trưởng Nông nghiệp của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, chỉ được phê chuẩn vào cuối tháng 4/2017, khi ông Trump đã tại vị hơn 3 tháng.
Một số ứng viên thậm chí không vượt qua vòng bỏ phiếu tại Thượng viện và bị thay thế - như ông Andrew Puzder, người được ông Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Lao động hồi năm 2017.
Tính cách "lách luật"
Theo khảo sát của Politico, một số ứng viên Cộng hòa vẫn chưa có đủ sự ủng hộ để vượt qua vòng bỏ phiếu phê chuẩn.
Đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế 53-47 tại Thượng viện. Nếu kết quả hòa, Phó Tổng thống J.D. Vance sẽ bỏ lá phiếu quyết định. Do đó, các ứng viên không được phép mất từ bốn phiếu trong đảng trở lên.
Politico đã xếp hai cái tên được đề cử cho vị trí bộ trưởng vào nhóm có nguy cơ cao nhất: ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và ứng viên Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr.,
Thực tế diễn ra đúng như dự đoán. Trong cuộc bỏ phiếu hôm 24/1, ông Hegseth nhận được 50 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Sau đó, Phó Tổng thống Vance đã bỏ phiếu phá vỡ thế bế tắc bằng cách bỏ lá phiếu quyết định, qua đó ông Hegseth trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Ngoài ra, ứng viên Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Kash Patel cũng bị xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Lường trước khả năng các ứng viên bộ trưởng sẽ gặp khó ở Thượng viện, từ sau khi thắng cử, ông Trump đã tính đến phương án bổ nhiệm các vị trí này trong thời điểm Thượng viện tạm nghỉ. Điều này sẽ giúp một số bộ trưởng có thể tạm thời làm việc mà không cần Thượng viện phê chuẩn.
Với việc một số ứng viên nhận được thêm sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa, phương án kể trên ít được nhắc đến hơn.
Dù vậy, theo nguồn tin của Politico, ông Trump mới đây đã đề cập trở lại khả năng này khi họp hẹp trong Phòng Bầu dục với ông Thune, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Phó Tổng thống Vance.
Một nguồn tin tiết lộ dù ông Trump tỏ ra tin tưởng cách ông Thune xử lý các đề cử tại Thượng viện, ông cũng cho rằng việc bổ nhiệm quan chức khi Thượng viện tạm nghỉ có thể là phương án nếu một số ứng viên chưa thể được phê chuẩn ngay.
Ông Trump cũng đã bổ nhiệm đội ngũ quyền bộ trưởng, những người có nhiệm vụ lãnh đạo các bộ ngành tới khi lãnh đạo chính thức được Thượng viện phê chuẩn. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký loạt sắc lệnh hành pháp để bổ nhiệm các quan chức này.
Người tạm thời đứng đầu Bộ Quốc phòng là ông Robert Salesses, cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến đã làm việc trong Bộ Quốc phòng hai thập niên qua. Trong khi đó, ông David Lebryk - quan chức phi đảng phái cấp cao nhất tại Bộ Tài chính - giữ vai trò quyền bộ trưởng bộ này.