"Cuộc đua" mới của Trung - Ấn ở khu vực "nóng"
(Dân trí) - Sau khi rút bớt quân và khí tài quân sự khỏi khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya, Ấn Độ và Trung Quốc đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng như một biện pháp chuẩn bị cho các diễn biến tương lai.
Trung Quốc và Ấn Độ ngày 12/1 bắt đầu nối lại cuộc đàm phán về vấn đề khu vực tranh chấp chủ quyền ở Himalaya sau gần 3 tháng tạm dừng, trong bối cảnh 2 bên đang tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở "điểm nóng" Ladakh.
Ấn Độ cho biết, họ đang theo dõi việc "Trung Quốc xây cầu ở hồ Pangong Tso"- nơi xung đột giữa 2 bên đã xảy ra vào giữa năm 2020.
Hai bên đã đàm phán thành công việc rút quân khỏi khu vực hồ vào năm ngoái, nhưng việc xây cầu được xem là một ví dụ về việc 2 nước đang tăng tốc trong cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC).
Cây cầu này được cho có thể giúp Trung Quốc chuyển quân nhanh hơn ở khu vực hồ Pangong Tso. Giáo sư Alka Acharya tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết Trung Quốc có thể giảm thời gian đến LAC (tại Pangong Tso) từ khoảng 12 giờ xuống còn dưới 4-5 giờ từ Tây Tạng.
"Đây sẽ là công trình có thể làm thay đổi cuộc chơi và chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực cho Ấn Độ", ông Acharya nhận định.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cáo buộc rằng cây cầu được xây ở khu vực mà Trung Quốc đã "kiểm soát trái phép" trong 60 năm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phản pháo tuyên bố này, cho rằng việc họ xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực là "nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc cũng như hòa bình và ổn định trên biên giới Trung Quốc - Ấn Độ".
Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc bắt đầu leo thang vào tháng 6/2020 sau vụ xung đột chết người tại thung lũng Galwan, Ladakh. Vụ việc đã khiến 2 bên tăng cường triển khai quân nhân và vũ khí dọc theo LAC. Hai nước đã tiến hành 13 vòng đàm phán và đã đồng ý rút quân và khí tài khỏi khu vực Galwan, Pangong Tso và cao nguyên Gogra.
Ấn Độ tham gia "cuộc đua"
Ấn Độ cũng đã tăng tốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo LAC nhằm đảm bảo chuyển quân nhanh hơn. Ngân sách chính phủ cho việc xây dựng các tuyến đường biên giới đã được tăng từ 775 triệu USD lên 811 triệu USD.
Tháng trước, Bộ trưởng Ấn Độ Rajnath Singh dự lễ khánh thành 27 dự án xây cầu và đường. Thêm vào đó, các đường băng ở khu vực này đã và đang được nâng cấp trong nỗ lực phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng Đường hầm Zojila ở Kashmir đã được đẩy nhanh để giảm đáng kể thời gian di chuyển qua đèo Zojila xuống còn 15 phút so với khoảng thời gian 4 giờ trước đó.
Theo các chuyên gia, Ấn Độ nhiều năm dường như đã thực hiện chính sách giữ cho khu vực tiếp giáp với Trung Quốc kém phát triển và khó tiếp cận để ngăn chặn việc di chuyển của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách đó được cho đã bắt đầu thay đổi kể từ cuộc giao tranh năm 2020.
Giáo sư Harsh V. Pant, từ Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, cho rằng Trung Quốc hiện có lợi thế hơn Ấn Độ về cơ sở hạ tầng vì Bắc Kinh đã bắt đầu việc xây dựng từ nhiều năm, trong khi New Delhi mới "tham gia cuộc đua".
Tuy nhiên, ông Pant nhấn mạnh rằng, điểm mấu chốt ở đây là Ấn Độ đã quyết định thay đổi chiến lược trước những thách thức ở khu vực tranh chấp và tăng tốc các nỗ lực.