Cuộc đua đổ tiền quảng cáo trước thềm bầu cử Mỹ

Quốc Thủy

(Dân trí) - Cả 2 ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đều chi phần lớn khoản tiền quyên góp được cho quảng cáo với mong muốn tác động tới cử tri Mỹ theo hướng có lợi cho mình.

Cuộc đua đổ tiền quảng cáo trước thềm bầu cử Mỹ - 1

Biểu ngữ ủng hộ trên thảm cỏ - dạng thức đơn giản nhất của quảng cáo chính trị tại Mỹ (Ảnh: NBC News).

Nếu sống tại các bang chiến địa, kể cả những người Mỹ bàng quan nhất cũng không thể quên rằng cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra.

Những tấm biển gắn trên thảm cỏ, những tấm biểu ngữ cỡ lớn nơi công cộng, những tin nhắn trực tiếp tới điện thoại cử tri, những đoạn quảng cáo trên truyền hình và mạng xã hội, quảng cáo chính trị ở mọi nơi, mọi lúc, buộc cử tri phải theo dõi.

Khi nước Mỹ sắp bước vào một trong những cuộc bầu cử sát nút nhất lịch sử hiện đại, cả ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Donald Trump đều đang triển khai những nỗ lực cuối cùng, chi những khoản tiền quyên góp lớn để thu hút cử tri.

Tại các bang chiến địa Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, cử tri đang chứng kiến chiến dịch quảng cáo có thể nói là phức tạp nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Kỷ lục tiêu tiền

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nhiều khả năng sẽ lập kỷ lục về chi phí, trong đó, phần lớn số tiền được chi cho quảng cáo.

Theo số liệu của Financial Times/AdImpact tới ngày 27/10, bà Harris và các ủy ban hành động chính trị (PAC) đồng minh đã chi hơn 1,2 tỷ USD cho quảng cáo. Con số của ông Trump chỉ hơn một nửa, khoảng 650 triệu USD.

Phần lớn số tiền trong số đó, khoảng 1,4 tỷ USD, được chi cho các bang chiến địa. Trong đó, bang Pennsylvania thu hút số tiền lớn nhất - gần 390 triệu USD.

"Gần như tất cả quảng cáo thương mại chúng tôi có hiện nay là quảng cáo chính trị", bà Tracee Malik, một nhà môi giới bất động sản tại Pittsburgh và vùng phụ cận, chia sẻ.

Về nội dung, các đoạn quảng cáo của bà Harris tập trung vào kinh nghiệm công tố viên, xuất thân từ tầng lớp trung lưu và quyền phá thai. Chúng cũng chỉ trích ông Trump chỉ quan tâm tới người giàu và "quá bất ổn để có thể đảm nhiệm vị trí lãnh đạo".

Trong khi đó, các quảng cáo được theo dõi nhiều nhất của ông Trump liên quan tới kinh tế, chỉ trích chính quyền Biden - Harris gây ra tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Nội dung quảng cáo cũng có sự khác biệt giữa các bang. Tại Pennsylvania, Arizona và Nevada, ông Trump công kích bà Harris về vấn đề nhập cư. Tại Georgia và North Carolina, các quảng cáo của phe Dân chủ tập trung vào quyền phá thai.

Các vấn đề địa phương cũng được đưa vào quảng cáo. Ở bang North Carolina, phe Dân chủ gắn ông Trump với Mark Robinson, ứng viên thống đốc bang đang vướng vào "nghi án" đăng tải bình luận phân biệt chủng tộc trên trang web khiêu dâm, còn phe Cộng hòa phát thông điệp chỉ trích chính quyền Biden - Harris về sự phục hồi chậm chạp sau bão Helene.

Trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều đang điều chỉnh các nội dung quảng cáo để tận dụng có hiệu quả những khoản tiền cuối cùng.

Hai tuần đầu tháng 10, ông Trump và các đồng minh dành tới 1/3 tổng chi cho quảng cáo trên truyền hình để đổ vào việc chỉ trích bà Harris từng đề xuất sử dụng ngân sách chăm sóc khẳng định giới tính (gender affirming care) cho các phạm nhân chuyển giới. Điều này cho thấy thay đổi về chiến thuật của ông Trump so với những tháng trước.

Trong khi đó, bà Harris và đồng minh tiếp tục đổ tiền vào các đoạn quảng cáo về thuế, y tế và đặc điểm cá nhân bà Harris, giảm đầu tư vào vấn đề quyền phá thai. Đảng Dân chủ dường như cũng đã dừng đặt trọng tâm vào vấn đề nhập cư và tội phạm, điều họ đã làm trong những tuần trước đó để đối phó với những đợt tấn công của đảng Cộng hòa về chủ đề này.

Chiến thuật quảng cáo

Cuộc đua đổ tiền quảng cáo trước thềm bầu cử Mỹ - 2

Bà Harris và ông Trump đang có những nỗ lực cuối cùng để thu hút cử tri trước thềm bầu cử (Ảnh: Reuters).

Ông Michael Traugott, giáo sư Đại học Michigan (Mỹ), cho biết quảng cáo chính trị phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

"Một số quảng cáo hướng về các vấn đề cụ thể, một số gây ra lo ngại, số khác có mục tiêu khuyến khích hoặc không khuyến khích cử tri đi bầu", ông Traugott nói với Midland Daily News.

Ông Traugott chỉ ra mức độ mạnh tay chi tiền của các ứng viên năm nay là điều chưa từng có trong lịch sử, nhờ vào các ủy ban vận động chính trị và việc cử tri có thể quyên góp độc lập.

"Nhiều người đã quá mệt mỏi. Số lượng quảng cáo họ thấy và số lượng email họ nhận được rất cao", ông cho biết.

Mạng xã hội là hình thức quảng cáo mới nhất và ngày càng quan trọng. Tại đây, các chính trị gia có thể hướng đến từng nhóm cử tri nhỏ và tinh chỉnh nội dung dựa trên tuổi tác, giới tính hoặc thậm chí là sở thích.

Phe Dân chủ đã chi hơn 10 triệu USD để xây dựng các tài khoản Facebook trông "bình thường" để thúc đẩy những tin tức có lợi cho bà Harris. Họ cũng lợi dụng các công cụ để tập trung hướng tới phụ nữ trong vấn đề quyền phá thai.

Theo thống kê, hơn 25% quảng cáo trên Facebook và Instagram của bà Harris có ít nhất 2/3 số người xem là phụ nữ. Không quảng cáo nào ghi nhận mức chênh tương tự với nam giới.

Các quảng cáo cũng có thể chia làm 3 loại: "Tích cực" (nói tốt về mình), "tiêu cực" (nói xấu đối thủ) hoặc "nhấn mạnh sự khác biệt".

Đa số quảng cáo của phe Cộng hòa thuộc nhóm "tiêu cực", có thể do cử tri đã quá hiểu rõ ông Trump nên phe Cộng hòa cho rằng không cần nói về ông quá nhiều, đa số quảng cáo của phe Dân chủ thuộc nhóm "nhấn mạnh sự khác biệt", trong khi lượng quảng cáo "tích cực" và "tiêu cực" không quá chênh lệch.

"Tôi ghét những quảng cáo này. Nếu dựa trên các quảng cáo, bạn sẽ không mong muốn cả hai người", ông Vallon Laurence, cựu binh Hải quân Mỹ sinh sống tại Atlanta, bang Georgia, phàn nàn về quảng cáo chính trị.

Theo FT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm