1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đối thoại ở Ai Cập có nguy cơ thất bại

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ vừa khẳng định các cuộc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng Ai Cập đang đạt được tiến bộ, nhưng nhóm Hồi giáo đối lập chính ở Cairo lại tuyên bố có thể rút khỏi tiến trình này nếu những yêu cầu của người biểu tình không được đáp ứng.

Cuộc đối thoại ở Ai Cập có nguy cơ thất bại - 1

Người biểu tình vẫn tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mubarak từ chức
Lần đầu tiên từ nửa thế kỷ qua, chính quyền trung ương Ai Cập và phong trào đối lập Huynh đệ Hồi giáo, một tổ chức bị cấm đoán, đã bắt đầu đàm phán công khai. Nhiều đảng chính trị khác như đảng Tự Do Wafd, thành phần thanh niên sinh viên, doanh nhân cũng được mời tham gia cuộc tham khảo ý kiến trên toàn quốc do Phó Tổng thống Omar Souleiman kêu gọi.

Hôm qua, Tổng thống Mubarak đã mở phiên họp nội các đầu tiên kể từ khi xảy ra biểu tình. Chính phủ Ai Cập đã thoả thuận rút bớt thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài nhiều ngày qua, còn từ 8 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Mặc dù “đối thoại lịch sử” đã được mở ra và chính phủ Ai Cập cũng tỏ dấu hiệu hoà giải, nhưng phong trào phản kháng vẫn tiếp tục.

Sau 14 ngày biểu tình ồ ạt tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak vẫn nắm quyền và các nhóm đối lập không tin rằng những cuộc đàm phán với chính phủ của ông Mubarak sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng trong nước.

Phía đối lập khẳng định có rất ít tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại. Phong trào đối lập Huynh đệ Hồi giáo hôm qua tuyên bố sẽ rời bàn đàm phán nếu những yêu cầu của người biểu tình, gồm cả việc Tổng thống Hosni Mubarak “phải từ chức ngay lập tức”, không được đáp ứng. Đàm phán chỉ mới bắt đầu. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo nhấn mạnh đến sự kiện “mới bắt đầu” này và giải thích rằng cần phải có thời gian để đánh giá thái độ “cởi mở” của chính quyền.

Tổng thống Mubarak đã có nhượng bộ trong tuần lễ vừa qua, kể cả việc bổ nhiệm một Phó Tổng thống, và thông báo ông sẽ không ra tái tranh cử năm nay, và nhiều lãnh tụ cấp cao trong đảng của ông đã từ chức.

Trong khi đó, người biểu tình tiếp tục cố thủ nhất là tại quảng trường Tahrir. Số người biểu tình có giảm, nhưng hàng ngàn người chống Mubarak bám trụ ở Quảng trường Tahrir cho hay họ “sẽ không từ bỏ cuộc tranh đấu cho đến khi nào người đã lãnh đạo Ai Cập gần 30 năm ra đi”. Hôm qua, một cơ quan chính quyền tại quảng trường này đã bị người biểu tình bao vây không cho công chức vào làm việc.

Nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sinh hoạt đã dần trở lại bình thường tại thủ đô. Các ngân hàng đã mở cửa sau nhiều ngày và đường phố lần đầu tiên từ hơn 1 tuần nay đông nghẹt xe cộ vào lúc dân chúng đi làm việc trở lại.

Tuệ An
Tổng hợp