1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đời khốn khổ của gia đình cựu điệp viên Nga

Cựu điệp viên Nga Janosh Neumann đã trở thành một gã vô công rồi nghề ngay sau khi đào tẩu khỏi Tổng cục An ninh Nga cùng với những lời hứa hẹn đảm bảo một cuộc sống an nhàn, nhưng cuộc đời đã không diễn ra theo đúng ý mà thật trớ trêu.

Giấc mơ chỉ là giấc mơ

Sau khi quyết định rời khỏi Tổng cục An ninh Nga (FSB), Janosh Neumann đã ấp ủ những dự định cùng một tương lai tươi sáng với cuộc sống an nhàn, đoàn tụ cùng gia đình. Những ngày tháng làm một điệp viên, Janosh Neumann hơn ai hết hiểu được sự nguy hiểm, cũng như những vất vả mà ông phải trải qua. Công việc có ảnh hưởng đến cả tính mạng nếu như để xảy ra sai sót.

Sau khi rời khỏi FSB, Janosh Neumann sẽ dự định tới Đan Mạch hoặc Thụy Sĩ để sinh sống cùng với vài triệu USD trong ngân hàng. Dự định là thế, tính toán là thế, nhưng mọi thứ đã không đi theo quy luật của sự tính toán. Hiện tại, cựu điệp vụ Nga đang sống vất vưởng không công ăn việc làm ở Portland, Mỹ. Khi nhắc đến Janosh Neumann, nhiều người không thể tin được rằng, một cựu điệp viên thông minh, nhanh nhạy như Janosh Neumann lại phải chịu một cuộc sống tồi tệ đến như vậy.

Cái gì cũng có nguyên do của nó, không phải cứ tính toán là mọi việc có thể diễn ra theo đúng nguyện vọng. Janosh Neumann đã rất bức xúc khi kể lại rằng tại sao ông lại phải chịu tất cả những điều tồi tệ nhất đang xảy đến với cuộc sống của ông.

"Đời tôi tồi tệ như thế này vì tôi đã tin vào FBI", Janosh Neumann bực tức kể với báo The Guardian về các quyết định quá khứ của mình. "Họ hứa với tôi tất cả những điều tốt đẹp nhưng lại không thực hiện bất cứ một lời hứa nào. Không có chuyện hợp tác và tất nhiên là họ đã phản bội lòng tin của tôi".

Janosh Neumann chuyển sang Mỹ cư trú từ năm 2008, sau khi ông hợp tác với CIA và FBI với hy vọng đạt được một thỏa thuận giúp vợ chồng ông chuyển sang châu Âu sinh sống. Niềm mong ước của ông và gia đình là sẽ được sống ở đất nước Đan Mạch hay Thụy Sỹ, nhưng cho đến giờ, thời gian đã trôi qua gần bảy năm, Janosh Neumann và vợ Victorya vẫn sống ở Mỹ và không biết xoay xở thế nào để có tiền thanh toán các loại hóa đơn.

Với lời hứa hẹn có hàng triệu đô la trong tài khoản nhưng khi sống vạ vật ở Mỹ, Janosh Neumann và gia đình không nhận được bất cứ một đồng trợ cấp nào. Tất cả những hành động này đã khiến Janosh Neumann không còn đủ lòng tin và sự chờ đợi nào nữa.

Biết là thế nhưng Janosh Neumann cũng không có cách nào để thay đổi tình thế bởi tiền không có, giấy tờ tùy thân không rõ ràng khiến ông không thể kiếm được một công việc làm tử tế trên đất Mỹ. Không muốn sống ở Mỹ nhưng Janosh Neumann cũng chẳng thể tìm được một cơ hội nào để thoát khỏi Mỹ.

Cuộc đời khốn khổ của gia đình cựu điệp viên Nga - 1

Tiếc nuối và ân hận

Được biết đến với cái tên Aleksey Artamonov ở Nga, Janosh Neumann đã làm việc cho FSB 10 năm trước khi đầu quân cho Ngân hàng Kreditimpeks ở Moskva, nơi ông tham gia vào nhiều phi vụ rửa tiền với các băng đảng tội phạm. Sau khi một hợp đồng đổ bể, cha của Janosh Neumann, một sĩ quan KGB về hưu, cảnh báo con trai nên tự bắn mình, "nếu không họ sẽ làm giúp con điều đó". Và thế là Janosh Neumann quyết định chạy trốn khỏi Nga.

Vợ chồng Janosh Neumann bay sang Cộng hòa Dominica, một trong những lựa chọn ít ỏi mà họ có với một tấm hộ chiếu Nga. Họ bỏ chạy với ý định sẽ biến mất và quyết định đào ngũ xuất hiện khi họ bắt đầu cân nhắc các lựa chọn.

"Đó là một bước đi thực sự khó khăn. Chúng tôi phụng sự một đất nước, chúng tôi làm tất cả vì đất nước Nga, và đối với chúng tôi, để quyết định ra đi với các quan chức Mỹ thì về lý thuyết chúng tôi đã biến thành những kẻ đào tẩu trong chớp mắt", Janosh Neumann giãi bày với báo The Guardian. "Chúng tôi có thể không bao giờ trở về quê hương nữa vì chúng tôi đã phản bội tất cả những người tin tưởng mình".

Sau khi tới sứ quán Mỹ ở Santo Domingo, Janosh Neumann nói với CIA mọi thứ về quá khứ và gia đình mình. Ông thừa nhận đã ăn hối lộ khi còn là một sĩ quan FSB và đã được tuyển vào ngân hàng nhờ quan hệ trong cơ quan an ninh Nga.

Janosh Neumann cho biết, khi cuộc trò chuyện với các điệp vụ CIA, câu hỏi của họ càng trở nên cụ thể hơn. Và họ bảo sẽ đưa Janosh Neumann cùng gia đình tới Puerto Rico vì các lý do an toàn. Sau đó, vợ chồng ông hạ cánh xuống Virginia, nơi CIA và FBI hứa sẽ tạo cho họ một cuộc sống tốt hơn.

Janosh Neumann nhớ lại, khi đó FBI thông báo họ sẽ không nhận được 1, 8 triệu USD như mong đợi - thay vào đó chỉ có 300.000 USD và một hợp đồng trả cho họ mỗi tháng 3.500 USD vì trợ giúp FBI điều tra. Quan hệ giữa Janosh Neumann và FBI những ngày sau đó càng nhạt nhẽo và ông bắt đầu nghi ngờ cơ quan điều tra Liên bang Mỹ.

Ông cũng bắt đầu thúc ép các quan chức Mỹ cấp giấy tờ tùy thân cho mình vì không nhận được hộ chiếu như cam kết. Sau 5 năm, FBI hủy hợp đồng và chấm dứt thị thực, đẩy gia đình Janosh Neumann vào tình cảnh không thể làm việc. Vợ chồng ông phải rời khỏi căn hộ của mình và hiện đang sống nhờ vào công việc bán thời gian cùng các khoản vay từ một người bạn. Sau nhiều năm nỗ lực bất thành, rốt cuộc Janosh Neumann từ bỏ và thuê một luật sư đâm đơn kiện CIA, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và các cơ quan nhập cư.

Victorya, vợ của Neumann, tâm sự với The Guardian rằng, bà hối tiếc đã rời bỏ Moskva. "Đối với tôi, sai lầm đầu tiên là rời khỏi Moskva. Đó là một sự khác biệt lớn giữa việc tại sao ông ấy rời đi và vì sao tôi rời đi. Tôi đã ra đi vì chồng, chứ không phải tôi bắt buộc phải như vậy. Nhưng chúng tôi không thể trở về nữa vì chúng tôi đã là những kẻ phản bội".

Mặc dù khó có khả năng vợ chồng Janosh Neumann bị trục xuất về Nga nhưng họ cũng không thể có một cuộc sống đúng nghĩa trên đất Mỹ. Tất cả những gì họ có thể làm là hy vọng đơn kiện của mình ít nhất cũng khiến FBI phải cấp hộ chiếu cho họ trước khi các nhân viên nhập cư xuất hiện ở cửa nhà.

Cuộc sống bế tắc, giấy tờ tùy thân không có khiến Janosh Neumann và gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Đi không được, mà ở lại vẫn không xong. Cuộc sống của họ đang được tính từng giờ, bởi nếu như có lệnh trục xuất của Sở Cư trú thì họ cũng chẳng biết trục xuất đi đâu.

Sự thông minh, độ nhanh nhạy của một cựu điệp viên giờ đã không còn cơ hội để tỏa sáng. Bởi có thông minh đến đâu thì cũng phải chấp hành luật pháp của nước sở tại cũng như luật xuất nhập cảnh. Hy vọng FBI sẽ giữ lời hứa là cấp cho Janosh Neumann một cuốn hộ chiếu hợp pháp trong thời gian sớm nhất.

Theo Huyền Trịnh

Cảnh sát toàn cầu

Cuộc đời khốn khổ của gia đình cựu điệp viên Nga - 2