1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức của khủng hoảng Ukraine ở Biển Đen - Kỳ 1

Cuộc đối đầu địa chính trị

Cuộc khủng hoảng Ukraine nằm trong số những thách thức an ninh lớn nhất mà cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương và Nga phải đối mặt kể từ năm 1991, trong những mối quan hệ của họ.

Cuộc khủng hoảng trước hết được nhận thức như là một vấn đề nội bộ của Ukraine. Tuy nhiên, kể từ khi có sự thay đổi chính quyền ở Ukraine và sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, cuộc khủng hoảng Ukraine đã vượt ra khỏi khuôn khổ của tam giác Brussels - Kiev – Moskva và nhanh chóng trở thành vấn đề trọng tâm của cuộc đối đầu địa chính trị rộng lớn hơn.

Mỹ đã can dự vào khủng hoảng Ukraine, chủ yếu thông qua Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do vậy, phía sau cách gọi “cuộc khủng hoảng Ukraine” là một loạt những vấn đề khác, từ khủng hoảng chính trị, kinh tế và năng lượng ở Ukraine, cho tới xung đột trong các quan hệ giữa cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương và Nga. Số lượng các bên can dự - bao gồm EU, NATO, Nga, Ukraine, các lực lượng ly khai và Mỹ - đã cho thấy rõ tầm cỡ quốc tế của một cuộc khủng hoảng mà trước hết thuộc phạm vi địa chính trị khu vực.

Cuộc đối đầu địa chính trị
Cuộc gặp cấp cao nhất đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do khủng hoảng Ukraine diễn ra tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen của Nga ngày 12/5.

Do vậy, để nắm rõ những thách thức của cuộc khủng hoảng Ukraine, cần hiểu được những động thái đang diễn ra trong khu vực Biển Đen - một khu vực thuộc ngoại vi châu Âu, tiếp giáp với biên giới các nước thành viên NATO và nằm sát cạnh nước Nga - nơi những lợi ích của châu Âu, Nga và Mỹ xung đột nhau trong một trò chơi mà những người tham gia luôn nhận thức được là “được mất ngang nhau”.

Từ lâu được NATO xem như là một vùng đất mở rộng, khu vực Biển Đen còn được Brussels nhìn nhận như là một nơi “dự trữ tiềm tàng” các nhà nước thành viên trong tương lai, còn Moskva thì đòi hỏi phải có một phạm vi lợi ích ưu tiên ở đây.

Khu vực Biển Đen nằm ở vị trí giao cắt các đường biển và đường bộ giữa Trung Á, châu Âu và Trung Đông. Thời Chiến tranh Lạnh, Biển Đen là một không gian - biên giới - chủ chốt trong chiến lược của NATO nhằm kiềm chế Liên Xô vươn tới các vùng biển ấm, và Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó chiếm vị trí hàng đầu với vai trò là một then chốt. Sau đó, sự sụp đổ của Liên bang Xôviết đã tạo ra một khoảng trống chiến lược ở Biển Đen - vẫn chưa được lấp đầy bất chấp sự xuất hiện, từ năm 1991, của những nhân tố mới: các nhà nước độc lập mới, Mỹ và EU.

Tàu khu trục thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. (Ảnh:
Tàu khu trục thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)
 
Theo định nghĩa của Ủy ban châu Âu (EC) vào năm 2007, khu vực Biển Đen được tạo thành từ 6 quốc gia ven bờ Pont - Euxin (tên gọi của Biển Đen trong tiếng Hy Lạp cổ) - gồm Nga, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania và Ukraine - và cả Azerbaijan, Armenia, Hy Lạp và Moldova vì những lý do lịch sử và sự gần gũi địa lý. Mặc dù định nghĩa này góp phần mang lại một sự xác định về mặt không gian của Biển Đen, song vẫn không đủ để có thể gọi Biển Đen là “khu vực”, vì những bất đồng giữa các nhà nước ven bờ còn lấn át những yếu tố có thể gắn kết họ như lịch sử, sự gần gũi địa lý hay các lợi ích kinh tế.
 
Do vậy, kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, không gian Biển Đen là nơi diễn ra một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ven bờ - Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và từ năm 2007, giữa châu Âu và cường quốc nằm ngoài không gian Biển Đen - Mỹ.

Điều này đã cản trở tiến trình hội nhập của khu vực cũng như sự xuất hiện một cấu trúc an ninh khu vực, và được thể hiện bằng sự gia tăng ảnh hưởng chiến lược của cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương, gây bất lợi cho Nga. Cuộc cạnh tranh giữa họ nhằm tạo dựng và củng cố ảnh hưởng được đặc trưng bằng một “trò chơi được mất ngang nhau”, tạo thuận lợi cho sự tồn tại của chính trị thực tế (realpolitik), và khiến cho việc sử dụng vũ lực trở thành một lựa chọn khả dĩ đối với các tác nhân địa phương như cuộc xung đột Nga - Gruzia hồi tháng 8/2008. Cuộc xung đột này, đã chấm dứt sự thu hẹp ảnh hưởng của Nga trong khu vực, cho thấy Moskva kiên quyết không cho phép phương Tây tiếp tục can thiệp vào các vùng lãnh thổ mà Nga coi là trực tiếp thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.

Do vậy, sau thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Biển Đen dường như đã bỏ lỡ mọi tiến trình khu vực hóa: sức hút của châu Âu và NATO đã ảnh hưởng tới mọi tiến trình hội nhập khu vực thực sự, song không vì thế mà sự bành trướng của họ vượt ra khỏi bờ phía Tây của Biển Đen. Từ năm 1991, đường rạn nứt địa chính trị vốn chạy dọc biên giới đất liền và trên biển - mà Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô từng duy trì - đã dịch chuyển về phía Bắc: từ nay, nó hình thành một đường lưỡi liềm trải dài từ vùng Transnistria và Ukraine tới tận biên giới giữa Abkhazia và Gruzia. Đường lưỡi liềm này, mà trọng tâm là khu vực Crimea, đã làm xuất hiện các vùng đệm: Gruzia và Ukraine.

Ukraine, cũng giống như Gruzia, thuộc các vùng lãnh thổ trong không gian hậu Xôviết, nơi Moskva đòi hỏi những lợi ích ưu tiên của mình và do đó không muốn ảnh hưởng của Nga bị suy giảm, thậm chí bị thay thế bởi ảnh hưởng của những tác nhân khác, dù đó là Brussels hay NATO. Bulgaria và Romania gia nhập NATO (năm 2004) và EU (năm 2007) đã biến Ukraine trở thành một vùng đệm giữa khu vực ảnh hưởng châu Âu - Đại Tây Dương và Nga. Tuy nhiên, lôgích hai mặt đã ăn sâu trong giới tinh hoa chính trị Ukraine, họ không thể vượt ra khỏi sự giằng co giữa việc phát triển các mối quan hệ với châu Âu và sự cần thiết duy trì các mối quan hệ với Nga, và lôgích này đã cản trở họ tạo dựng một con đường thứ ba cho đất nước mình.

(Đón đọc kỳ cuối: Sự mở rộng của mối đe dọa an ninh)

Theo TK (theo La revue internationale et stratégique)