1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của những “nạn nhân” dưới chính sách một con

(Dân trí) - Nửa triệu đứa trẻ Trung Quốc đã bị cho đi làm con nuôi hoặc sống cuộc đời không được thừa nhận là một trong những hệ lụy buồn của chế độ 1 con ở nước này. Ngày nay, những đứa trẻ này vẫn đang miệt mài trên hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của mình.

Giây phút đoàn tụ của bà Shen và con gái Wu Xue Ying sau 39 năm xa cách. (Ảnh: Mediacorp)
Giây phút đoàn tụ của bà Shen và con gái Wu Xue Ying sau 39 năm xa cách. (Ảnh: Mediacorp)

Giây phút nhìn lại con gái của mình, bà Shen Mei Zhen chạy về phía trước, giang tay ôm chặt đứa con bé bỏng, nước mắt chảy đầy khuôn mặt già nua. Bà Shen đã buộc phải cho đi đứa con chưa đầy 2 ngày tuổi 39 năm trước. Hai mẹ con lần đầu gặp lại vào tháng 8/2017, lần đầu tiên kể từ khi 2 mẹ con bặt vô âm tín.

“Con gái của mẹ. Mẹ đã sai rồi. Mẹ xin lỗi con. Con gái của mẹ, còn có phải chịu khổ nhiều không? Mẹ đã khóc rất nhiều vì nhớ con. Mẹ đã tìm kiếm con lâu lắm rồi. Trái tim mẹ tưởng chừng tan nát rồi”, người mẹ lớn tuổi lạc giọng đi trong nước mắt.

Gặp lại con gái thất lạc sau hàng chục năm xa cách, người mẹ này chỉ biết nhìn ngắm gương mặt của cô con gái không rời, trong lòng tràn ngập cảm giác lẫn lộn, vừa mừng vừa tủi.

“Tôi phải chịu trách nhiệm vì đã cho con bé đi. Tôi đã làm điều tội lỗi. Sau khi mang con đi cho, tôi không thể ngủ hàng đêm. Tôi tranh cãi với chồng. Tôi muốn tìm lại con bé nhưng chồng tôi nói chúng tôi sẽ không thể nuôi nổi nó”, bà hồi tưởng.

Dưới chế độ một con mà Trung Quốc ban hành vào thời điểm đó, quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được có 1 con vì dân số tăng quá nhanh, gia đình bà Shen buộc phải cho đi đứa con út trong 4 đứa con, do bà sinh em bé này sau khi chế độ ban hành.

Chia sẻ với Channel NewsAsia, bà Shen chia sẻ rằng vào thời điểm đó nếu chống lại luật pháp, vợ chồng bà có thể mất việc, mất đi sinh kế duy nhất mà họ có để nuôi sống gia đình ở tỉnh Jiangsu thời điểm bấy giờ.

Những cuộc ly tán đau lòng

Các tình nguyện viên lấy mẫu thử ADN của người mẹ tới đăng ký tìm con. (Ảnh: Mediacorp)
Các tình nguyện viên lấy mẫu thử ADN của người mẹ tới đăng ký tìm con. (Ảnh: Mediacorp)

Bà Shen không thể quên được cái ngày vợ chồng bà dứt ruột mang con đi cho. Con gái bà mặc chiếc áo hình con thỏ, cùng tờ giấy ghi ngày sinh tháng đẻ được nhét vào trong bọc quần áo. Chồng bà mang con lên 1 cây cầu và trao cho một người trung gian. Bà chỉ biết đứng bất lực và khóc.

Câu chuyện của con gái bà Shen chỉ là 1 trong hàng trăm ngàn câu chuyện đẫm nước mắt khác xảy ra ở Trung Quốc liên quan tới chế độ một con của nước này. Nửa triệu đứa trẻ, phần lớn là bé gái bị bỏ rơi hoặc cho đi làm con nuôi dưới áp lực của luật pháp thời bấy giờ.

Nhưng cuộc đoàn tụ của bà Shen và cô con gái, cô Wu Xue Ying chỉ là một trong rất ít cái kết có hậu của những cuộc ly tán tương tự. Không có nhiều trường hợp tìm kiếm thông tin đoàn tụ có thể thực sự gặp lại gia đình sau nhiều năm xa cách dù họ rất nỗ lực bám theo những manh mối ít ỏi.

Dưới chế độ một con thời điểm đó, những phụ nữ như bà Shen không có nhiều lựa chọn. Thậm chí có gia đình phải bỏ rơi con cái vì sợ phải chịu những khoản phạt nặng vì không tuân thủ luật lệ. Một vài gia đình mang con đến bỏ ở nơi công cộng như chợ, cơ quan nhà nước, bến xe bus với hy vọng ai đó có thể mang con về nuôi.

Sau khi bỏ lại con, họ không về luôn mà nán lại nấp từ xa vì sợ con mình có thể bị chó hay mèo hoang mang đi. Vào năm 2011, ông Li Yong Guo sáng lập nên nhóm tình nguyện Jiangyin giúp cha mẹ và con cái đoàn tụ. Trong vòng 7 năm qua, ông cùng đồng sự đã giúp 100 gia đình đoàn tụ. Tuy nhiên, ở một quốc gia 1,4 tỷ dân, việc tìm kiếm người thân, theo ông Li, có xác suất thành công bằng với xác suất trúng giải độc đắc xổ số.

Một người cha không giấu nổi cảm xúc buồn và ân hận trong hành trình tìm con. (Ảnh: Mediacorp)
Một người cha không giấu nổi cảm xúc buồn và ân hận trong hành trình tìm con. (Ảnh: Mediacorp)

Dù vậy, đội ngũ 300 tình nguyện viên do ông quản lý vẫn miệt mài thu thập thông tin, đối chiếu hỗ trợ các cặp cha mẹ con cái xét nghiệm ADN. Ông Li cho biết, nếu nhóm Jiangyin của ông không hoạt động, các cặp cha mẹ già nua sẽ mất đi hi vọng mong manh trong hành trình tìm kiếm con cái.

Cô giáo Zhou Xiao Yun đã tìm kiếm cha mẹ đẻ 20 năm nay. Cô Zhou cho biết dù cha mẹ nuôi rất tuyệt vời, nhưng trong lòng cô cảm giác về máu mủ ruột già và nguồn cội vẫn không ngừng khiến cô day dứt. Cô khao khát muốn biết tên họ, nơi mình sinh ra, gốc gác và đôi khi chỉ là trả lời cho câu hỏi liệu cha mẹ đẻ của cô có nhớ tới cô hay không.

“Tôi biết là cơ hội tìm thấy cha mẹ rất mong manh. Nhưng còn hơn là tôi không làm gì. Tôi vẫn sẽ tìm kiếm dù chỉ còn 0,1% cơ hội”, cô Han Feng Ying, người đang tìm cha mẹ đẻ, chia sẻ.

Đức Hoàng

Theo Channel NewsAsia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm