1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chơi Nga - Mỹ tại Syria: Thế trận xoay chiều

Sau Ukraine, Syria hiện nổi lên là điểm nóng – nơi chứng kiến cuộc so găng tay đôi giữa Nga và Mỹ.

Nội chiến Syria cho tới nay có thể tạm chia làm 2 giai đoạn - trước và sau khi Mỹ được Thổ Nhĩ Kỳ cho sử dụng căn cứ Incirlik, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công của liên quân nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria.

Giai đoạn một kéo dài trong gần 4 năm, với việc các phe nhóm đối lập giao tranh với quân đội chính phủ Syria. Nó tạm thời khép lại với thế trận giằng co. Đến giai đoạn 2, truyền thông Mỹ ngay lập tức gọi Incirlik là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi”: Với việc phái các phi đội máy bay F-16 tuần tra trên không phận Syria, liên quân do Mỹ đứng đầu trên thực tế đã tạo ra “vùng cầm bay”, hạn chế đáng kể sức mạnh quân sự của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, tạo thế cho phe “đối lập ôn hòa” trên chiến trường.

Cuộc chơi Nga - Mỹ tại Syria: Thế trận xoay chiều - 1

Nga không chấp nhận kịch bản Tổng thống Assad bị phế truất bằng vũ lực. (Ảnh: EPA)

Chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó cũng tin rằng thay đổi thể chế ở Damascus là “trong tầm tay” và vì thế Washington đã khước từ kế hoạch của Nga về thiết lập một liên minh chống IS, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Nhà Trắng đồ rằng không cần có bất kì thỏa hiệp nào hết, một khi đã có trong tay căn cứ không quân chiến lược.

Từ đây Mỹ có thể vận hành một dạng chiến tranh ủy quyền, ném bom các mục tiêu xuyên biên giới và kiểm soát không phận Syria. Tất cả những gì Mỹ cần làm là tăng cường các nỗ lực chiến tranh, tạo sức ép ngày một lớn lên chính quyền ông Assad và chờ đến lúc thể chế Damascus sụp đổ. Diễn biến có vẻ như thuận theo toan tính của Mỹ, khi mà đến đầu tháng 9 vừa qua, quân đội Syria được cho là chỉ còn kiểm soát được 30% diện tích lãnh thổ, chủ yếu tập trung tại các khu vực duyên hải.

Thế nhưng Mỹ hành động thì Nga cũng không thể ngồi yên. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Channel 1, Tổng thống Vladimir Putin cho biết: Liên quan đến khủng hoảng Syria, Nga có ý tưởng của riêng mình về việc sẽ làm gì và làm như thế nào. Theo ông, mọi việc tùy thuộc vào diễn biến tình hình để đi tới quyết định cuối cùng, kể cả là việc có can dự bằng vũ lực hay không. Nói cách khác, ông chủ Điện Kremlin đã bắn đi tín hiệu: Nga không cam chịu và sẽ có phản ứng nếu như Mỹ và phương Tây đẩy vấn đề đi quá xa.

Phương Tây liên tục cáo buộc Nga tăng cường tiềm lực quân sự cho Damascus. Moskva thừa nhận có chuyển giao vũ khí và cử các chuyên gia quân sự tới Syria, nhưng tuyệt nhiên không có sự hiện diện của binh sĩ Nga. Đây là việc làm bình thường, dựa trên các thỏa thuận đã ký kết ở cấp chính phủ - Điện Kremlin nhấn mạnh. Hành động của Nga đã đi đúng điểm then chốt nhất mà ông Assad mong đợi: Có được nguồn vũ khí, đạn dược, trang bị hiện đại đủ sức đánh trả các lực lượng đối lập, kể cả là việc can dự từ bên ngoài.

Đánh không được thì phải đàm?

Không khó để nhận ra rằng ông Putin đã đưa ra vạch giới hạn của Nga trong vấn đề Syria: Moskva sẽ không bao giờ chấp nhận việc Tổng thống Assad bị phế truất bằng vũ lực. Thế nhưng chiến thuật mà ông chủ Điện Krenlin thi triển lại khá tinh tế: Nga nói rõ quyết tâm, khẳng định tiếp tục cung cấp vũ khí, nhưng không để lộ lá bài tẩy cuối cùng -  mức độ can dự cao nhất là gì; không lộ rõ ý định đối đầu công khai với Mỹ và phương Tây.

Cuộc chơi Nga - Mỹ tại Syria: Thế trận xoay chiều - 2

Máy bay vận tải của Nga chở hàng tiếp tế tới Syria.

Về phần mình, Mỹ cũng hiểu rằng hơn 4 năm cô lập, chống phá Syria trên tất cả các phương diện không làm chính quyền ông Assad sụp đổ thì mục tiêu “thay đổi thể chế” còn xa mới đạt được một khi Nga tăng cường ảnh hưởng quân sự tại Syria, dù chỉ bằng hành động cung cấp vũ khí, hỗ trợ chuyên gia quân sự. Quan trọng hơn, Washington chưa thể đặt niềm tin vào bất kì một lực lượng nào ở bên trong lãnh thổ Syria.

Tiếng là kiểm soát được phần lớn lãnh thổ, nhưng lực lượng “chống chính phủ” hiện ở trong tình trạng “năm cha ba mẹ”: Từ khủng bố IS đến các phần tử thánh chiến Mặt trận Nursal thuộc mạng lưới Al-Qaeda, cho tới “quân nổi dậy ôn hòa” và kể cả chiến binh quốc tế đến từ hàng chục nước… Các phe phái này theo đuổi những mục tiêu riêng, thậm chí cạnh tranh, đánh phá lẫn nhau. Mỗi phái kiểm soát các vùng lãnh địa riêng và ở thế cài răng lược. Trong đó, “quân nổi dậy ôn hòa” dù được Mỹ hậu thuẫn, huấn luyện, cung cấp vũ khí là bên “yếu thế” nhất, còn IS lại nổi bật nhất.

Ông Obama đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Chưa thể khuất phục Tổng thống Assad bằng sức mạnh quân sự, nhưng cũng không muốn tuyên bố quay trở lại giải pháp hòa bình dựa trên nền tảng Thỏa thuận Geneva, vì chính sách đối ngoại của Mỹ thường không có “nút bấm dừng”.

Việc Moskva hôm 16/9 nêu đề xuất đối thoại quân sự Nga - Mỹ về khủng hoảng Syria lại là một bước đi tinh tế nữa của ông Putin. Mỹ không bị mất mặt khi Nga là người lên tiếng trước, còn Nga vẫn có thể tiến đến bàn đàm phán với tư thế ngẩng cao đầu, vì mục đích của đối thoại là trên danh nghĩa “chống khủng bố IS” - mối quan tâm của cả hai bên.

Cho đến lúc này, Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Nga, đồng thời kêu gọi Moskva hợp tác với liên minh chống khủng bố IS tại Syria. Dường như hai bên đã có được một điểm đồng. Nhưng khủng hoảng Syria có sớm được giải quyết hay không lại là một câu chuyện khác, nó phụ thuộc vào việc các bên khi đó sẽ coi cuộc chiến chống IS là mục đích hay công cụ và quan trọng nhất vẫn là câu hỏi: Tương lai của Tổng thống Assad sẽ ra sao?

Theo Hoài Thanh

baotintuc.vn

Cuộc chơi Nga - Mỹ tại Syria: Thế trận xoay chiều - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm