Cuộc chiến tình báo trên không ở Đông Á
Các vệ tinh gián điệp mới nhất của Mỹ có thể nhìn thấy những đường phố ở Bắc Kinh, khi thời tiết đẹp thậm chí có thể nhìn thấy tuyến đường dây cao áp của thành phố này.
Chính phủ Nhật quyết định từ tháng 4/2006 đến tháng 3/2007 sẽ phóng hai vệ tinh gián điệp mới lên không gian để phối hợp với hai vệ tinh loại này được phóng lên không gian từ tháng 3/2003 thành hệ thống vệ tinh gián điệp có thể chụp ảnh và thu thập các tin tức tình báo ở bất cứ khu vực nào trên thế giới, chứ không chỉ ở Đông Á.
Hiện tại, vệ tinh gián điệp của Nhật phóng lên không gian chỉ có khả năng giám sát, theo dõi các động thái trên không ở các nước Đông Á, còn lại các tin tức tình báo trên không khác vẫn bị phụ thuộc vào Mỹ. Nhưng sau khi hai vệ tinh gián điệp mới nói trên được phóng thành công, Nhật sẽ cơ bản sử dụng hệ thống 4 vệ tinh này để thu tin tức tình báo với độ chính xác cao. Khi hệ thống này vận hành tốt thì Nhật cũng xây dựng 4 trạm truyền nhận tín hiệu trên mặt đất sử dụng cáp quang để liên kết với nhau, trong đó trạm chủ yếu sẽ đặt tại Tokyo, với biên chế từ 200 đến 250 chuyên gia.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Nhật cũng đang nghiên cứu, chế tạo vệ tinh thế hệ thứ ba với khả năng nhận biết tốt hơn các vệ tinh thế hệ trước rất nhiều và dự định vào năm 2009 sẽ phóng lên không gian. Hiện nay, các vệ tinh của Nhật có thể nhận biết các vật thể có chiều cao 1 m và vệ tinh gián điệp thế hệ thứ ba có thể nhận biết các vật thể chiều cao 0,5 m.
Chính phủ Nhật còn quyết định sau năm 2011, sẽ phóng vệ tinh gián điệp thế hệ thứ tư và loại vệ tinh này có thể phân biệt rõ các máy bay chiến đấu đang ở sân bay, xác định máy bay đó có mang theo tên lửa cũng như các loại xe quân sự ra vào căn cứ. Chuyên gia vệ tinh Nhật còn cho biết độ chính xác khi trinh sát mục tiêu của thế hệ vệ tinh này sẽ vượt xa trình độ của vệ tinh gián điệp của Mỹ hiện nay.
Một số tờ báo của Mỹ cũng tiết lộ rằng đến năm 2011, loại máy bay trinh sát U-2 của Mỹ vốn đang phát huy vai trò rất quan trọng trong hoạt động trinh sát gián điệp tại khu vực Đông Á sẽ được thay thế bằng loại máy bay trinh sát hiện đại hơn sử dụng năng lượng mặt trời, tốc độ bay 160 km/giờ, có thể tiến hành nghe trộm liên tục trong 9 tháng ở độ cao 20 đến 30 km. Cuối năm 2005, Mỹ cũng chi khoản tiền lớn để nghiên cứu, chế tạo loại “phi thuyền siêu cấp” có công năng là sự kết hợp của vệ tinh gián điệp và máy bay gián điệp, dự kiến có hành trình 22.000 km.
Cũng theo báo giới Mỹ, trong tổng số toàn bộ hệ thống vệ tinh đang vận hành trên không gian hiện nay thì Mỹ có khoảng 413 vệ tinh (cao hơn số vệ tinh của tất cả các nước cộng lại). Đáng chú ý là trong đó có 90% là vệ tinh sử dụng trong mục đích quân sự và đa số vệ tinh trinh sát, gián điệp được tập trung vào khu vực Đông Á. Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường nhiều máy bay trinh sát khác như EP-3, RC-7B, RC-12, RC-135 và các loại máy bay trinh sát hiện đại khác để tạo thành mạng lưới gián điệp dày đặc trên không phận khu vực Đông Á.
Khu vực Đông Á bố trí nhiều “con mắt điện tử”
Trong thế giới hiện đại, biện pháp hiệu quả nhất để theo dõi, bám tình hình quốc tế một cách thường xuyên trong mọi điều kiện khí hậu, thời gian là sử dụng các vệ tinh gián điệp và máy bay trinh sát. Tình hình khu vực Đông Á thay đổi rất nhanh chóng, vì thế cuộc chiến tình báo trên không ở khu vực này càng phức tạp và sôi động hơn.
Hiện nay, ngoài Mỹ và Nhật là nước chủ yếu sử dụng vệ tinh gián điệp và máy bay trinh sát tiến hành cuộc chiến tình báo trên không, còn có các nước khác như Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Cùng với Mỹ và Nhật, các nước nói trên cũng sử dụng tổng hợp thiết bị trinh sát gián điệp để chụp ảnh trên không; theo bám thiết bị hồng ngoại và sự thay đổi của từ trường; phân tích và giám sát các chất làm giàu nguyên liệu hạt nhân; trinh sát tín hiệu điện tử; theo dõi các động thái quân sự tại khu vực này. Đối tượng trinh sát, theo dõi chủ yếu là Trung Quốc, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á của Nga.
Tín hiệu điện tử, âm thanh và hình ảnh đều là mục tiêu thu thập
Việc tiến hành trinh sát, thu thập tin tức tình báo trên không ở khu vực Đông Á không chỉ tập trung vào lĩnh vực quân sự mà còn cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, năng lượng và các góc độ cuộc sống của dân chúng. Các tín hiệu điện tử, tín hiệu âm thanh và hình ảnh nhất là các cuộc điện thoại, fax, thư điện tử và các dữ liệu của máy tính đều là các mục tiêu theo dõi. Việc nghe trộm trên không chủ yếu dựa vào việc thu bắt tín hiệu sóng ngắn và sóng vô tuyến điện.
Với các máy bay trinh sát gián điệp và vệ tinh gián điệp hiện tại, Mỹ có thể theo dõi toàn bộ các động tĩnh trên không ở Đông Á, thậm chí đến số lượng binh sĩ, vũ khí trang bị của các trạm gác của quân đội Trung Quốc cũng xác định được. Các vệ tinh gián điệp mới nhất của Mỹ còn có thể nhìn thấy những con đường trên các tuyến phố ở Bắc Kinh, khi thời tiết đẹp thậm chí có thể nhìn thấy tuyến đường dây cao áp của thành phố Bắc Kinh.
Theo An ninh thế giới/Sina.com