1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Cuộc chiến" thu hút sinh viên của các trường đại học Nhật Bản

(Dân trí) - Dân số già hóa kéo theo lượng người trẻ giảm sút theo đã khiến các trường đại học Nhật Bản triển khai các hoạt động mang tính sáng tạo như liên quan Phật giáo hay trò chơi có chủ đề "thây ma" để thu hút sinh viên.

Cuộc chiến thu hút sinh viên của các trường đại học Nhật Bản - 1

Các bạn trẻ thích thú với hình ảnh sinh viên trường Kindai đóng giả thây ma (Ảnh: Nikkei)

Thư viện đại học Kindai, Nhật Bản có sự xuất hiện của các sinh viên đóng giả thây ma (Zombie). Tuy nhiên, khác với phim ảnh, những "thây ma" này không ở đây để làm hại người mà họ đến để chụp ảnh tự sướng và lôi kéo sự chú ý của mọi người.

Đây là một trong những hoạt động mà trường đại học ở vùng tây Kansai này triển khai trong đợt tham quan của ứng viên hồi tháng 8 với mục đích tạo dựng sự kết nối và thu hút các bạn trẻ hứng thú và nộp đơn xin nhập học vào trường trong mùa tuyển sinh sắp tới.

Trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già hóa và giảm về số lượng, cuộc cạnh tranh thu hút tân sinh viên giữa các đại học càng trở nên khốc liệt. Mỗi năm lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông càng ít đi vì vậy, các đại học phải tìm ra những phương thức sáng tạo để thu hút sự chú ý. 

Kindai lựa chọn "thây ma" là chủ đề xuyên suốt nhằm xây dựng hình ảnh gần gũi với giới trẻ. Hồi tháng 7, trường đại học nằm gần Osaka tổ chức một trò chơi suy luận nhập vai. Các sinh viên trong trường sẽ đóng vai những "thây ma" này. Hơn 1.200 người đã tham gia trò chơi và giải đáp câu đố bằng cách quan sát các "sinh vật" giả tưởng.

Những người tham gia sẽ có 60 phút đi dạo vòng quanh và thu thập các dữ liệu về hoạt động của các "thây ma" trong căn phòng, sau đó đưa ra đáp án theo yêu cầu.

“Nó giống như là công viên giải trí vậy. Trò chơi thật sự rất thách thức”, một nữ sinh trung học nói.

Cuộc chiến thu hút sinh viên của các trường đại học Nhật Bản - 2

(Ảnh: Nikkei)

Mục tiêu của hoạt động này là để khuyến khích các học sinh tìm ra phương án giải quyết vấn đề vận dụng kiến thức học thuật. Trường đại học này cũng muốn cho thấy hình ảnh mới mẻ, năng động và trẻ trung hơn.

Thư viện "thây ma" tại đây đã được thành lập hồi năm ngoái và được Kindai gọi là "sân khấu học thuật'. Nơi đây có tới 22.000 cuốn truyện tranh.

“Kindai không bị ràng buộc bởi những giới hạn có sẵn và các bài giảng cũng như cơ sở hạ tầng ở đây là độc nhất. Chúng tôi muốn thể hiện điều đó qua các trò chơi xử lý tình huống”, bộ phận quan hệ công chúng của đại học này cho hay.

Cuộc chiến thu hút sinh viên của các trường đại học Nhật Bản - 3

Đại học Koyasan cho phép mọi người trải nghiệm cuộc sống tu hành trong thời gian ngắn (Ảnh: Nikkei)

Trong khi đó, đại học Koyasan ở tỉnh Wakayama lại có phương thức khác. Họ tổ chức các hoạt động mang tên “căn phòng bí mật”, mà ở trong đó những người tham gia sẽ không biết được họ sẽ trải qua những gì.

Trong sự kiện tháng 7, Koyasan đã tổ chức sự kiện về thiền định. 43 người tham gia đã mặc áo tu hành, ăn chay và được khuyến khích hãy để tâm trí trống rỗng. Trường đại học nổi tiếng với các chương trình đào tạo về Phật giáo, đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng ít đơn xin nhập học. Chính vì vậy, hoạt động này giống như khuyến khích những người tham gia trải nghiệm không khí về thiền định và tu hành khiến họ có hứng thú hơn với việc theo học.

Cuộc chiến thu hút sinh viên của các trường đại học Nhật Bản - 4

Trong khi đó, đại học Kyoto lại sử dụng một trò board game với nội dung thú vị để lôi kéo sự quan tâm của các ứng viên tiềm năng (Ảnh: Nikkei)

Tại đại học Kyoto, các trò chơi giải trí vận dụng đầu óc được đưa ra như là phương pháp lôi kéo sự chú ý của học sinh.

Trường đại học này thậm chí đã tự sáng tạo nên một trò board game mô tả lại trải nghiệm của học sinh trung học từng trượt đại học Kyoto. Kịch bản của trò chơi là người chơi phải nhập vai là người đang nỗ lực cố gắng lần nữa để có thể nhập học được trường Kyoto. Họ sẽ trải qua các thử thách để nhằm đạt được mục đích cuối cùng. 

Đức Hoàng

Theo Nikkei Asia Review