1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tròn 5 năm xung đột:

Cuộc chiến Syria đã thay đổi thế giới như thế nào?

Dưới đây là 5 khía cạnh mà cuộc xung đột Syria đã làm nền chính trị thế giới thay đổi, theo cách nhìn của nhà báo Philip Issa thuộc hãng tin Mỹ AP.

“Nhà nước Hồi giáo” bùng phát

Một chi nhánh bạo lực khủng khiếp của al-Qaeda đã phát triển thành nhóm khủng bố đáng sợ nhất hành tinh từ chính bên trong khoảng trống do xung đột Syria tạo ra.

Thành phố Homs của Syria bị tàn phá bởi chiến tranh. Ảnh: AP.
Thành phố Homs của Syria bị tàn phá bởi chiến tranh. Ảnh: AP.

Năm 2014, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hoàn thành việc chiếm trọn thành phố Raqqa ở miền đông Syria và chinh phục tiếp thành phố Mosul của Iraq. Tổ chức khủng bố này cuối cùng đã kiểm soát được một khu vực rộng lớn vắt qua lãnh thổ của hai nước Syria và Iraq, với tổng diện tích tương đương nước Anh.

Trên đường đi của mình, “cơn lốc” IS đã cuốn theo bao vũ khí, tiền bạc và con người. Chính quyền Syria không chặn hiệu quả sự bành trướng của IS do họ bận chiến đấu chống lại các nhóm đối lập ở những vùng đông dân cư gần bờ biển Địa Trung Hải.

IS đã tạo ra mối quan ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới bằng việc chém giết các nhóm dân tộc thiểu số, “thể chế hóa” chế độ nô lệ tình dục, đánh tan nhiều đội quân chính phủ và giết hại các đối thủ một cách tàn bạo.

Không dừng lại ở đó, IS còn phá hủy các di tích lịch sử văn hóa, như là các đền ở thành cổ Palmyra và “nhiệt tình” bán đồ cổ trong các đường dây buôn lậu toàn cầu.

Nhóm này đã mở các cuộc tấn công khủng bố từ Pháp cho đến Yemen. Không dừng lại ở Syria và Iraq, chúng đã thiết lập được “đầu cầu” ở miền bắc Libya, từ đó làm tăng cơ hội kéo dài thêm tuổi thọ cho chính mình.

Một trong những điều gây kinh hãi nhất về IS là có hàng ngàn nam nữ thanh niên từ châu Âu – nhiều người trong số họ không mang gốc Hồi giáo – đổ xô sang Trung Đông để gia nhập hàng ngũ IS.

“Gấu Nga” trỗi dậy

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond gần đây có nói rằng “Có một người trên hành tinh này có thể chấm dứt nội chiến ở Syria chỉ bằng một cuộc gọi, và đó là ngài Putin”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiết lập một cơ sở mới vững chắc ở Trung Đông sau khi “tọa sơn quan hổ đấu” hàng năm trời.

Tháng 9/2015, sau khi cung cấp vô số vũ khí, cố vấn và viện trợ kinh tế cho Tổng thống Bashar al-Assad mà không thu nhiều hiệu quả, ông Putin đã phái lực lượng không quân Nga tới đây để tấn công các mục tiêu IS (theo cách nói của Nga) và các mục tiêu là phe đối lập Syria (theo cách nói của phương Tây).

Theo nhà báo AP, Nga đang làm chủ tình hình ở Syria, quyết định được xu hướng bạo lực ở đó. Theo nhà báo này, bất cứ ai lên làm lãnh đạo Syria trong thời gian tới đều chịu ảnh hưởng bởi các quyết định của ông Putin từ Moscow.

Trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria thì họ đã có kinh nghiệm ở Gruzia năm 2008 và Ukraine năm 2014. Ở hai nước Đông Âu này, ông Putin không ngại phô trương sức mạnh miễn là bảo vệ được các lợi ích Nga.

Ngày nay Nga ở vị thế một bên trung gian hòa giải chính trong khu vực có trữ lượng lớn về dầu khí.

Châu Âu bất ổn

Khi châu Âu đạt các thỏa thuận biên giới mở vào cuối thế kỷ trước, họ không dự kiến được sau này sẽ có hơn một triệu người di cư, chủ yếu là người tị nạn từ Syria, xuất hiện trong riêng một năm - cụ thể ở đây là năm 2015.

Hàng ngàn người đã chết khi cố gắng vượt biển, tạo ra một thách thức lớn về đạo đức cho lục địa này. Dòng người đổ xô vào EU vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, làm cho châu Âu bộc lộ cả sự hào phóng lẫn sự bài ngoại, đồng thời làm rung chuyển tận gốc rễ của thỏa thuận biên giới mở.

Người châu Âu hiện đang dựng các rào chắn dọc theo tuyến đường Balkan của người di cư từ Hy Lạp tới Đức, sau giai đoạn đầu họ cho phép hàng trăm ngàn người di cư vào lãnh thổ châu Âu. Vô số người sống vạ vật trong điều kiện nhếch nhác ở đông nam châu Âu. Nhiều người tiến thoái lưỡng nan về pháp lý, đợi chờ việc xử lý đơn xin tị nạn hoặc phải tạm trú không có giấy phép.

Cuộc tấn công của tổ chức khủng bố IS nhằm vào Paris hồi tháng 11/2015 – dù chủ yếu do các công dân Pháp và Bỉ thực hiện – vẫn tạo ra những bức xúc về an ninh trên khắp châu Âu và kích động các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa.

Tiếng vang từ vụ tấn công Paris dội sang cả những nước xa xôi như là Mỹ, nơi ứng viên Tổng thống Donald Trump đã gây sốc cho nhiều người bằng cách đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào nước Mỹ.

Cuốn các nước láng giềng vào vòng xoáy

Khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu tuy lớn nhưng chẳng thấm vào đâu so với làn sóng di cư và xáo trộn chỗ ở mà các nước láng giềng của Syria phải hứng chịu.

Tổng thống Syria al-Assad bên các quân nhân chính phủ. Ảnh: AP.
Tổng thống Syria al-Assad bên các quân nhân chính phủ. Ảnh: AP.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, và Jordan đã tiếp nhận và cung cấp chỗ sinh hoạt cho khoảng 4,4 triệu người tị nạn đến từ Syria. Ở Lebanon, những người nhập cư chiếm hơn 1/5 dân số.

Xung đột Syria cũng kích hoạt các dân quân và các nhân tố khác trong toàn khu vực, gây bất ổn cho các nước láng giềng với nền chính trị mong manh như Lebanon và làm thức dậy căng thẳng sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người ta quan ngại sâu sắc về một cuộc nội chiến với người Kurd.

Sự nổi lên của Iran

Xung đột Syria đã tái cân bằng các trục quyền lực khu vực. Vùng ảnh hưởng của đất nước Iran (với dòng Shiite chiếm ưu thế) giờ đã mở rộng từ Tehran sang Beirut, trong đó các chính phủ ở Baghdad và Damascus ít nhiều đều phụ thuộc vào Iran.

Tư lệnh của lực lượng Quds Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ, tướng Qassem Soleimani, đã thăm Nga. Người ta cũng hay thấy ông này chỉ đạo việc triển khai quân ở Syria và Iraq.

Iran có lực lượng dân quân ở cả hai quốc gia Trung Đông này, được cho là hoạt động bên ngoài các cấu trúc chỉ huy của nước bản địa.

Ở Lebanon, Iran có một đại diện rất mạnh mẽ là tổ chức du kích Hezbollah nổi tiếng – một cơ cấu hỗn hợp giữa chính đảng và dân quân từng đánh bật quân Israel ra khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000.

Iran cũng đã gửi hàng ngàn chiến binh sang hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Assad. Israel bực tức theo dõi kẻ thù của mình huấn luyện bằng các khẩu pháo hiện đại bên cạnh các đại diện của Nga và Iran, và củng cố vị trí của họ dọc theo biên giới phía bắc của nhà nước Do Thái.

Trong chính phủ Lebanon, Hezbollah đều đặn gạt sang bên lề các đối thủ được Saudi Arabia hậu thuẫn.

Saudi Arabia – cường quốc Sunni của khu vực, đang vất vả duy trì sự ủng hộ cho các chiến binh Sunni mà họ hậu thuẫn ở Syria trong khi phải đồng thời chống trả các phiến quân Shiite được Iran ủng hộ ở Yemen./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (dịch từ AP)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm