1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Cuộc chiến ngoại giao” trước thềm phán quyết vụ kiện ở Biển Đông

Theo kế hoạch, trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, tòa án trọng tài biển quốc tế sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ở vào giai đoạn nước rút này, các quốc gia đều thực hiện những chiến dịch ngoại giao khôn khéo nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy rõ việc vận động hành lang của Bắc Kinh thông qua chuyến thăm các nước thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN) của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc ở Singapore hôm 28-4 còn cho rằng, bất kỳ sự phân xử trọng tài nào cũng “đi ngược lại” Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được năm 2002”.

Ông Lưu Chấn Dân còn đe dọa rằng: “Mọi sự chệch hướng khỏi DOC đều mang lại kết quả tiêu cực”. Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại một diễn đàn về an ninh quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh hôm 28-4 còn nhấn mạnh rằng, tuyên bố tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán và trao đổi hữu nghị giữa các bên trực tiếp tham gia. Những nước ngoài khu vực, theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, như Mỹ không nên có vai trò gì trong các cuộc tranh chấp này.

Tàu USS John C Stennis của Mỹ bị Trung Quốc từ chối cập cảng Hong Kong. Con tàu này được Lầu Năm Góc đưa đi tuần tra ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Ảnh: US Navy/AFP.
Tàu USS John C Stennis của Mỹ bị Trung Quốc từ chối cập cảng Hong Kong. Con tàu này được Lầu Năm Góc đưa đi tuần tra ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Ảnh: US Navy/AFP.

Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối tham gia tiến trình xét xử và bác bỏ phán quyết của tòa án về vụ kiện mà Philippines đang tiến hành. Chưa hết, Trung Quốc còn gián tiếp tuyên bố thông qua một bài báo trên tờ South China Morning Post rằng nước này sẽ khởi động công cuộc cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Bắc Kinh-Manila đang tranh chấp để bổ sung thêm một đường băng tại đây… Đồng thời, Bắc Kinh cũng “khoe” rằng có hơn 10 quốc gia đang đứng về phía họ trong tranh chấp ở Biển Đông…

Về phía Philippines, chính quyền Manila giữ quan điểm là chờ phán quyết của tòa án để có những bước đi tiếp theo. Philippines cũng tạm thời từ chối lời mời “tham vấn thân thiện” mà Trung Quốc đưa ra bởi theo lập luận của nước này, từ năm 2012 đến nay, Manila đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của tàu Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Hơn nữa, vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc cũng đề cập đến hai vấn đề liên quan đến hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông. Mỹ, quốc gia đang theo dõi sát sao vụ kiện và từng cử nhiều tàu chiến tới Biển Đông tuần tra để “thách thức” tuyên bố vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 29-4 đã kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN bảo vệ phán quyết của tòa án trọng tài biển.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định, Trung Quốc không thể chơi trò hai mặt khi là thành viên chính thức phê chuẩn Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhưng lại từ chối quy định của nó, bao gồm cả tính chất ràng buộc của bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì nhấn mạnh, nước này quan ngại về khả năng cải tạo của Trung Quốc trên một bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông và rằng hành động này có thể dẫn tới nguy cơ tiềm tàng về một cuộc xung đột quân sự.

Nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa thì đang hối thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông thông qua việc triển khai nhiều hơn các hoạt động tuần tra gần các đảo tranh chấp tại đây. Thượng nghị sỹ bang Colorado Cory Gardner, cho rằng, hiện nay việc triển khai các tàu Mỹ tại vùng biển này 3 tháng/lần “là chưa đủ để phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”.

Nhiều quốc gia khác cũng tỏ thái độ lo ngại về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Hôm 29-4, tờ The Australia dẫn lời cựu Ngoại trưởng nước này là Gareth Evans cho hay, "cuộc phiêu lưu" của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Australia thay đổi quan điểm về khu vực này.

Theo ông Gareth Evans, với những gì đang xảy ra ở Biển Đông thì quả thực “trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ” đang bị phá vỡ, và nếu muốn khôi phục trật tự này, Trung Quốc cần thay đổi hành vi. Đầu tiên là nước này phải chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài biển về vụ kiện của Philippines; thứ nữa là phải từ bỏ yêu sách “đường chín đoạn” trên Biển Đông và hạn chế các hành động liên quan cải tạo rạn san hô hay bãi đá ngầm.

Ấn Độ thì bác bỏ thông tin rằng nước này về phe Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc Vikram Doraiswami trong buổi hội đàm của Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc hôm 29-4 khẳng định, New Delhi trung lập đối với tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ tự do hàng hải và kêu gọi các nước cùng tôn trọng quyền tự do này.

Đại sứ Vikram Doraiswami nói: “Chúng tôi công nhận rằng hiện có một tiến trình pháp lý đang diễn ra và chúng tôi sẽ đợi bất kỳ phán quyết nào được đưa ra”.

Theo Sông Thương

Công an nhân dân