Cuộc chiến nào thật sự đang diễn ra ở Đức?
Nữ thủ tướng Merkel cũng đang đối diện cuộc chiến với chính bản thân mình để giữ vững giá trị Đức đang bị đe dọa.
Ba ngày trôi qua từ sau vụ xe tải “điên” tấn công vào đám đông tại một khu chợ giáng sinh sầm uất phía tây Thủ đô Berlin của nước Đức. Cảnh sát Berlin sớm bắt được nghi phạm, nhưng rồi phải chấp nhận sự thật rằng họ đã bắt nhầm, và kẻ thủ ác vẫn còn “nhởn nhơ” đâu đó ngoài kia với hung khí, súng ống vô cùng nguy hiểm.
Bộ trưởng Nội vụ bang Saarland Klaus Bouillon đã lên tiếng thừa nhận trên kênh truyền hình SR rằng nước Đức đang đối diện một cuộc chiến: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh dù rằng chúng ta vẫn hằng mong muốn nhìn thấy những điều tốt đẹp, nhưng lại không chứng kiến được những điều như vậy”.
Người Đức vốn điềm tĩnh trước những biến cố. Nhưng hơn ai hết, chính những người dân Đức, bằng cách này hay cách khác, đang cảm giác được “cuộc chiến” mà dân tộc họ đang đối mặt. Cuộc chiến đó không phải chỉ mới bắt đầu sau vụ thảm sát ở chợ giáng sinh Berlin khiến 12 người thiệt mạng và gần 50 người bị thương.
Cuộc chiến với “bóng ma” bạo lực khó lường
Xâu chuỗi các sự kiện tối tăm kéo dài trên nước Đức trong suốt năm 2016, không nghi ngờ gì nữa, nước Đức đang lâm vào một cuộc chiến về vấn đề an ninh con người. Cuộc chiến này đáng sợ ở chỗ nó diễn ra bất định như những “bóng ma”: không biết trước thời gian, không có vị trí cố định, không từ những đối tượng có thể lường trước, và không biết khi nào mới đến điểm dừng.
Từ vụ bê bối khoảng 1.200 phụ nữ bị tấn công tình dục đêm giao thừa 2015 ở thành phố Cologne; xả súng ở rạp chiếu phim thành phố Viernheim; xả súng ở trung tâm thương mại Olympia tại thành phố Munich; tấn công bằng rìu trên chuyến tàu chạy từ Treuchlingen đến Wuerzburg ở bang Bayern; xe tải tấn công chợ giáng sinh Berlin; hay mới nhất là vụ nổ súng ở thành phố Wiesbaden, thủ phủ bang Hesse.
Mở rộng ra khỏi nước Đức, ở phạm vi châu Âu, cuộc chiến này âm ỉ diễn ra với những bóng ma tương tự. Các vụ khủng bố đánh bom, xả súng thảm sát chấn động tại Pháp, Bỉ hay gần nhất là vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tiếng súng có thể nổ và con người có thể ngã xuống bởi những tay sát thủ không thể ngờ ở trong những hoàn cảnh mà không ai có thể tin được.
Sự bất định ở Đức, đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), là đại diện cho sự bất ổn an ninh của châu Âu; và những sự kiện đen tối khó lường ở châu lục giàu có này là điều mà đến lúc này không một ai dám chắc sẽ không tiếp diễn ở nước Đức.
Chắc chắn cuộc chiến này sẽ còn được đưa ra tranh cãi nhiều. Thậm chí, nó còn kéo theo sự tranh giành lá phiếu mạnh mẽ hơn hướng đến bầu cử năm 2017, cũng liên quan mật thiết đến vấn đề nhập cư.
Bà Merkel và cuộc chiến với chính mình
Hơn chục năm về trước, bà Angela Merkel đứng trước Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) tuyên bố gãy gọn: “Tôi muốn phục vụ nước Đức”. Và bà được CDU nói riêng và nước Đức nói chung trao niềm tin đảm nhận người lèo lái “cỗ xe tăng”.
Sau ngần ấy năm cống hiến có thành quả, bà Merkel trở thành “người phụ nữ quyền lực” của nước Đức, thậm chí ở tầm thế giới. Cuộc họp đảng CDU đầu tháng 12 vừa qua bà Merkel nhận được gần 90% sự ủng hộ trở thành Chủ tịch đảng, ứng cử thủ tướng Đức vào năm tới.
“Cuộc bầu cử vào năm 2017 sẽ là một cuộc bầu cử khó khăn nhất”, nữ Thủ tướng Merkel nói trước đảng CDU hôm 6-12. Nước Đức đang rơi vào trạng thái phân cực, chia rẽ xã hội và các đảng phái mà hàng triệu người nhập cư là nguyên nhân cốt lõi.
Sau những biến cố vừa qua, sự bù đắp lợi ích (chỉ mới mang tính dự báo) từ làn sóng người tị nạn nhập cư đối với một nền kinh tế đầu tàu EU đang tăng trưởng ì ạch, hệ thống tài chính – ngân hàng gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm, lực lượng lao động già cỗi... chưa thể khiến người Đức phấn khởi để quên đi những gánh nặng kinh tế và những “bóng ma” bạo lực đang ẩn khuất khó lường.
Đó có thể là lý do dù đạt 89,5% phiếu ủng hộ trong đảng, nhưng khác với năm 2000, tỷ lệ này là tỷ lệ thấp thứ 2 trong suốt hơn 15 năm bà Merkel làm lãnh đạo đảng.
Tình thế này đẩy bà Merkel phải chọn một cuộc chiến với chính mình. Năm 2015 những ai phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel gọi bà là “Nữ thủ tướng của sự chào đón” khi mở cửa cho làn sóng hàng trăm ngàn người tị nạn nhập cư vào Đức. Nhưng trong chiến dịch tranh cử tung ra hồi đầu tháng 12, nữ thủ tướng nhấn mạnh lập trường cứng rắn với người nhập cư.
“Không phải ai trong số 890.000 người được phép vào Đức vào năm ngoái cũng sẽ được ở lại Đức mãi mãi”, bà Merkel nhấn mạnh kèm theo lời hứa viễn cảnh 2015 (cho nhập cư ồ ạt) sẽ không bao giờ lặp lại nữa để giữ vững giá trị Đức, giá trị châu Âu.
Ngoài ra, tìm cách cải tổ nền kinh tế để vực dậy các chỉ số tăng trưởng cũng là “cuộc chiến” mà bà Merkel phải tiếp tục trên cương vị lãnh đạo nước Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Phát biểu trước đảng CDU đầu tháng 12, nữ thủ tướng Merkel cũng sử dụng câu văn gãy gọn cũ: “Tôi muốn phục vụ nước Đức”. Rất tiếc câu nói chắc nịch này không còn tạo âm hưởng phấn khởi như hơn một thập niên về trước.
Dẫu rằng dự báo từ giới truyền thông cũng như nhiều chuyên gia chính trị Đức, Pháp, Nga... đều cho thấy hiện nay không có một ứng viên nào đủ nặng ký để có thể đe dọa đáng kể vị trí của nữ Thủ tướng Merkel nhiệm kỳ sau. Tuy nhiên, bản thân bà Merkel ý thức được rằng, giờ đây nữ thủ tướng không phải chứng tỏ rằng “Tôi muốn phục vụ nước Đức”, mà phải là “Tôi có thể phục vụ nước Đức” trong những ngày tháng đối đầu nhiều thử thách.
Theo Đỗ Thiện
Pháp luật TPHCM