1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến Iraq: Bi đát hơn cả chiến tranh Việt Nam

Chỉ tính từ ngày 22/2/2006, đã có gần 600 người thiệt mạng, cá nhân Bộ trưởng Nội vụ Bayan Jabr cũng trở thành mục tiêu ám sát ngày 8/3. Gần như chẳng còn gì để có thể bình luận thêm về tình hình Iraq hiện nay: Quá kinh khủng. Quá hỗn loạn. Quá vô chính phủ.

Bi đát hơn nhiều so với cuộc chiến ở Việt Nam

Nhìn toàn cảnh, quân đội Mỹ đang sa lầy nghiêm trọng và nhìn chi tiết, có thể khẳng định cục diện Iraq tệ hơn nhiều lần cuộc chiến ở Việt Nam. Lịch sử chiến tranh Việt Nam là cuộc đối đầu giữa kẻ xâm lược với những người chính nghĩa sống chết vì tương lai dân tộc. Nó là một cuộc chiến quy ước với sự đụng độ trực diện giữa hai quân đội. Trong khi đó, chẳng ai có thể nhận định sự bất ổn Iraq đến từ thành phần nào. Ái quốc dường như không, chống xâm lăng có lẽ không và nó cũng chẳng mang bất kỳ hình thức nào của màu sắc chiến tranh nhân dân - một thể hiện của sự sục sôi dân tộc cùng đồng lòng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm.

 

Do bản chất cuộc chiến Iraq là bất quy ước (sự đối đầu giữa một quân đội chính quy và nhiều lực lượng đối kháng sử dụng hình thức khủng bố là công cụ) nên tất cả chính sách theo công thức quy ước đều không thể áp dụng. Với Việt Nam, các nhà hoạch định sách lược Lầu Năm Góc có thể nghĩ đến giải pháp Việt Nam hóa chiến tranh (dù giải pháp này cuối cùng bị phá sản) nhưng với Iraq, thậm chí giải pháp Iraq hóa chiến tranh (sử dụng quân đội địa phương) càng khiến tăng tốc độ dẫn đến khủng hoảng.

 

Thượng tuần tháng 3/2006, Lầu Năm Góc bác bỏ khả năng tồn tại nội chiến tại Iraq. Tuy nhiên, những vụ tấn công thánh đường cùng sự hiềm khích và mâu thuẫn trong xây dựng chính phủ (tranh chấp quyền lực giữa các phe phái Shiite, Sunni, Kurd...) đều mang bóng dáng của xung đột nội bộ. Hãy xem thêm vài thống kê: 4 tỉnh chiếm đông người Sunni là những địa điểm liên can đến 85% vụ nổi loạn quậy phá đẫm máu; trong khi đó, 14 tỉnh khác (chiếm 60% dân số Shiite) chiếm 15% các vụ bạo động. Hầu hết trường hợp bạo động (chính xác hơn là khủng bố) đều nhắm vào cảnh sát - quân đội Iraq (chủ yếu người Shiite và Kurd) và hầu hết vụ khủng bố xe bom đều xảy ra tại các khu dân cư Shiite.

 

Rõ ràng, đó là bóng dáng của một cuộc nội chiến, đang định hình rõ dần, khi trong thực tế, chính trường Iraq hiện có quá nhiều “thầy chú” mà chẳng “thầy” nào nể “chú” nào.  Tại Nam Việt Nam, Washington không gặp gút mắc nào tương tự việc dàn xếp quyền lực giữa hai nhóm tôn giáo, như Shiite và Sunni tại Iraq. Và nói đến chính trị tôn giáo, người ta bắt đầu rẽ sang một hướng phức tạp khác.

 

Tháo ngòi nổ Shiite - Sunni: Vô phương?

 

Đến nay, hầu hết tín đồ Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammed không hề chỉ định người kế nhiệm chính thức. Tuy nhiên, một cộng đồng thiểu số Hồi giáo tin rằng Mohammed thật sự đã chỉ định người kế nhiệm vào tháng 3/632, ba tháng trước khi ông từ biệt trần thế, trong chuyến hành hương cuối cùng đến Mecca.

 

Theo tín đồ Shiite, khi chiếc xe của nhà tiên tri dừng nghỉ gần một cái hồ trên đường đến Mecca, Mohammed nói với các môn đệ rằng Ali sẽ được chọn làm người kế nhiệm. Ali là em họ nhà tiên tri và cũng là con rể ông sau khi lập gia đình với Fatima. Luôn sát cánh nhà tiên tri trong nhiều chiến dịch quân sự, Ali được Mohammed tin cậy nhất.

 

Tuy nhiên, sau khi Mohammed mất, Abu Bakr tự xưng người kế nhiệm (632-634) và ông được tiếp nối bởi Omar (634-644) và Osman (644-656) - hai thủ lĩnh Hồi giáo xuất thân từ giai cấp quý tộc tại Mecca.

 

Trong con mắt những người ủng hộ Ali, ba vị trên không phù hợp cương vị kế nhiệm nhà tiên tri Mohammed và họ tin rằng chỉ Ali mới xứng đáng, do Ali là thành viên nhóm Hồi giáo nguyên thủy xuất thân từ Medina và là tín đồ Hồi giáo thuần nhất. Sau khi Osman bị ám sát chết trong lúc cầu nguyện, Ali trở thành người kế nhiệm. Tuy nhiên, sự lên ngôi của Ali bị phản đối bởi Aisha - con gái Abu Bakr, người buộc Ali tội không điều tra cặn kẽ vụ ám sát Osman.

 

Khi đạo quân của Ali đánh bại lực lượng của Aisha tại trận chiến Camel năm 656, Aisha rút về Madinah quy ẩn. Dù vậy, Ali không thể đọ sức với lực lượng Mu'awiya Ummayad (em họ Osman và là tổng trấn Damascus). Trong trận giao tranh tại Suffin, quân Mu'awiya Ummayad treo kinh Koran trên đỉnh giáo, khiến quân lính của Ali không dám xông chiến và cuối cùng Ali phải chấp nhận thương nghị.

Vụ trên khiến một số tín đồ Shiite bất mãn và họ xem đó là hành động phản bội. Cuối cùng, Ali bị chính một trong những môn đệ của mình giết chết năm 661 (theo bài viết của Tổng biên tập Hussein Abdulwaheed Amin viết trên báo trực tuyến của ông - IslamForToday.com).

Khi Mu'awiya lên kế nhiệm, người con trai Ali - Hassan - không theo đuổi cuộc tranh giành. Một năm sau, Hassan chết, có lẽ bị đầu độc. Người con thứ của Ali - Hussein - tuyên bố lấy lại ghế một khi Mu'awiya chết. Tuy nhiên, khi Mu'awiya mất năm 680, người con của ông - Yazid - lại thay bố chiếm vị trí thủ lĩnh tối cao. Hussein thực hiện cuộc chiến đánh Yazid nhưng bất thành và toán binh yếu ớt của ông bị thảm sát tại Kerbela (sau này, một giáo đường vàng được xây tại đây để tưởng niệm sự kiện trên và hiện là điểm hành hương quan trọng thứ hai tại Iraq, sau Najaf).

Trong tình thế trứng chọi đá, nhóm thiểu số ủng hộ Ali vẫn chấp nhận đương đầu thành phần đa số. Họ gọi mình là “Shiate Ali” (đảng của Ali) và tổ chức phong trào hoằng dương hệ phái Shiite. Từ lúc đó, Hồi giáo bị chia thành hai nhánh chính: Shiite và Sunni.

Sau cuộc đại bại tại Kerbela, tín đồ Hồi giáo Shiite phẫn uất và nhiều người định tự tử. Do luật Hồi giáo không cho phép tự vẫn nên người ta tìm cách khác để chứng minh sự tồn tại mang tính lịch sử của mình. Đến ngày giỗ Hussein (tức con của Ali) hàng năm, tín đồ Shiite tổ chức lễ “Ashura”, trong đó, họ tự vả mình bằng tay, quật bằng xích hoặc quất bằng roi và có khi cắt lông mày bằng gươm. Không dừng lại, họ tổ chức những nhóm sát thủ bí mật thực hiện cuộc chiến tử vì đạo, bắt đầu từ cuối thế kỷ XI. Nhóm này sử dụng thuốc gây nghiện hashish (một loại lá cây) trước khi hành sự (người sử dụng hashish gọi là “hasasin” - từ nguyên của chữ “assassin” trong tiếng Anh, có nghĩa “kẻ ám sát”).

Theo tuần báo Đức Der Spiegel, mục tiêu của các sát thủ tử vì đạo “hasasin” không chỉ là lính thập tự chinh Công giáo mà thật ra còn là các nhân vật cấp cao trong Hồi giáo Sunni. Và cứ thế, Shiite vẫn nổi loạn nhưng gần như chưa bao giờ giành được vị thế chính trị vững mạnh, cho đến nửa sau thế kỷ XX, khi xuất hiện Ruhollah Khomeini. Vị giáo chủ Iran này từng lưu tại Iraq nhiều năm, dạy giáo lý ở Najaf và nâng phong trào Shiite lên cấp độ một lý tưởng cách mạng. Sự trỗi dậy Shiite bùng nổ mạnh khi họ lật đổ thành công chế độ phong kiến Iran trong cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Hơn thế nữa, Ruhollah Khomeini còn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Hezbollah năm 1982 tại Leban với mục tiêu ban đầu là chiến đấu chống sự chiếm đóng quân sự của Israel tại Beirut và mục tiêu tối thượng là biến Leban thành quốc gia Shiite.

Tóm lại, phức tạp, đậm yếu tố lịch sử và đầy mùi vị giằng xé bất phân... Đó là mâu thuẫn giữa Shiite và Sunni, một sự phức tạp ngoài tiên liệu mà Washington từng xem nhẹ trong kế sách xây dựng Iraq. Hiện thời, Iraq vẫn chưa thể thành lập Quốc hội bởi chưa ngã ngũ trong tỉ lệ ghế các bên liên quan. Và Mỹ thì quá lúng túng (thậm chí bất lực) trong việc tìm cách hàn gắn Shiite-Sunni. Có thể hình dung thế này: Nếu Mỹ “quá nhức đầu” và “bỏ của chạy lấy người” thì Iraq chắc chắn đổ, hoàn toàn tan nát (dây dưa sang cả khu vực Trung Đông)! Mà tiếp tục nấn ná trong tình thế bây giờ thì họ gần như chẳng giải quyết được tích sự gì. Đúng là sa lầy, nhưng tính chất thì khác xa sự sa lầy của Mỹ cách đây bốn thập niên ở chiến trường Việt Nam.

Theo M.Kim

An ninh thế giới